(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh liên tiếp gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Hà Nội là một điểm nóng. Tại Thanh Hóa, số bệnh nhân nhập viện do SXH cũng tăng mạnh, tập trung ở các địa phương Tĩnh Gia, Hoằng Hóa…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

(VH&ĐS) Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh liên tiếp gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Hà Nội là một điểm nóng. Tại Thanh Hóa, số bệnh nhân nhập viện do SXH cũng tăng mạnh, tập trung ở các địa phương Tĩnh Gia, Hoằng Hóa…

Số người mắc SXH tăng

Theo báo cáo sơ bộ từ nhiều địa phương trong tỉnh, trong hai tháng 6 và 7/2017, số ca mắc SXH tăng đột biến tại nhiều nơi như: Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, Đông Sơn… Có những địa phương số ca mắc bệnh tăng gấp chục lần so với tháng trước.

Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, trong tháng 6 và 7, ghi nhận trên 10 ca mắc SXH, chiếm gần một nửa số ca SXH nhập viện từ đầu năm đến nay. Điều đáng nói, dấu hiệu của bệnh không rõ ràng, rất dễ nhầm lẫn với bệnh thông thường khác nên nhiều người dù bị bệnh nhưng không đến các cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị ở nhà. Điều này đặc biệt nguy hiểm với các trường hợp bệnh nhân là trẻ nhỏ.

Hiện tại, đang là thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi và bọ gậy truyền bệnh SXH phát triển mạnh, đặc biệt khi nhiều người dân vẫn chủ quan, chưa có ý thức phòng, chống bệnh SXH, cũng như lơ là trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Mặt khác, Thanh Hóa là địa phương có nhiều lao động, trong và ngoài tỉnh thường di chuyển cả đi và chiều đến, là nguy cơ khiến bệnh dịch có thể xâm nhập từ những mầm bệnh ngoại lai.

Tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy đang là biện pháp tích cực để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Tĩnh Gia tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH

Tính riêng trong tháng 7 vừa qua, Khoa Truyền nhiễm, BV Đa khoa khu vực Tĩnh Gia đã tiếp nhận và điều trị cho gần 20 trường hợp bị SXH. Tuy nhiên đây đều là những trường hợp người ngoài tỉnh đến cư trú, làm việc tại Tĩnh Gia.

Theo ông Lê Văn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tĩnh Gia: “Là địa bàn đã từng xảy ra dịch SHX, lại có khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn, có sự giao thương rộng rãi về kinh tế, du lịch, bên cạnh đó do tập quán sinh hoạt của người làm nghề chế biến nước mắm ở một số xã nên rất nhiều gia đình lưu trữ dụng cụ chứa nước mắm như lu, chum, vại… Vì vậy, ngay từ đầu năm ngành y tế huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường xung quanh, ra quân tổng vệ sinh; giám sát vec-tơ truyền bệnh SXH hàng tháng, hàng tuần nhất là đối với những xã có nguy cơ cao; phối hợp với địa phương giám sát trường hợp ngoại lai, nếu có biểu hiện thì nhanh chóng cung cấp thông tin, hoặc đến cơ sở y tế, không để lây lan ra cộng đồng”.

Là xã có nguy cơ cao về dịch bệnh SXH, ngay khi bước vào mùa mưa bão xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy, không để nước tù đọng lâu trong chum, vại… Ông Nguyễn Văn Thành - Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Tháng 8 là thời điểm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển, có nguy cơ cao bùng phát dịch SXH vì vậy, xã đã chủ động phun hóa chất diệt muỗi từ tháng 7, đồng thời cử cán bộ xuống vận động từng hộ gia đình thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy”.

Theo các chuyên gia y tế, thì SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Để phòng, chống bệnh hiệu quả, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là người dân cần phải kết hợp tốt với cán bộ y tế trong việc vệ sinh môi trường, diệt trừ loăng quăng, bọ gậy và các tác nhân truyền bệnh. Đặc biệt, mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác với bệnh, khi phát hiện có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, phát ban hoặc có xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng... cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng cũng như lây lan trong cộng đồng.

Vân Anh

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết, chỉ tính riêng trong tuần đầu tiên của tháng 8, toàn tỉnh đã ghi nhận 178 ca bệnh sốt xuất huyết tại 125 xã thuộc 21 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Trong đó, 17 ca sốt xuất huyết nội địa ghi nhận tại 15 xã trong tỉnh. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết và các trường hợp mắc sốt xuất huyết nội địa đều tăng so với các tuần trước đó.

Cũng theo kết quả giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các trung tâm y tế huyện, chỉ số véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại một số địa bàn đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch.

T.H



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]