(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cơ quan chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ngăn chặn nguồn thực phẩm bẩn tuồn từ bên ngoài vào cũng như xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những tín hiệu khả quan

(VH&ĐS) Cơ quan chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ngăn chặn nguồn thực phẩm bẩn tuồn từ bên ngoài vào cũng như xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm.

Điểm bán thực phẩm an toàn được Bộ NN&PTNT công nhận tại khu vực cầu Đông Hương TP Thanh Hóa.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra

Do có Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua, các hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc và ngược lại qua địa bàn Thanh Hóa có lưu lượng cao. Nhiều đối tượng đã lợi dụng vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc đi qua hoặc tuồn vào thị trường Thanh Hóa tiêu thụ.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh (Sở Công thương), trong 4 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh phát hiện và xử lý 273 vụ vận chuyển, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm bẩn. Cá biệt có những vụ trọng lượng lên đến trên 20 tấn sản phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATTP, đoàn Thanh tra liên ngành Trung ương 3, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh và các đoàn kiểm tra tuyến huyện, xã tổ chức thanh kiểm tra, lấy mẫu kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, ăn uống tại 23/27 huyện, thị, thành phố.

Kết quả, đoàn đã tiến hành thanh kiểm tra 6.460 cơ sở thì có đến 1.822 cơ sở vi phạm quy định về ATVSTP. Trong đó 1 cơ sở vi phạm quy định sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; 623 cơ sở thiếu các điều kiện trang thiết bị vật chất; 940 cơ sở chưa đáp ứng đủ điều kiện về con người như, chủ cơ sở chưa có giấy chứng nhận sức khỏe trong kinh doanh, giấy đủ điều kiện kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh của mình; 1 cơ sở vi phạm công bố sản phẩm; 203 cơ sở vi phạm chất lượng sản phẩm; 158 cơ sở vi phạm các lỗi khác như chưa đảm bảo môi trường kinh doanh, nguồn nước trong chế biến, bảo quản thực phẩm…

Ông Trần Hữu Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số lượng thực phẩm bẩn tuồn vào thị trường tiêu thụ.

Mặt khác, nhân dân nếu phát hiện có cơ sở kinh doanh, buôn bán nghi ngờ sử dụng nguồn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc thì báo ngay với cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý kịp thời.

Người tiêu dùng thay đổi thói quen

Để bảo vệ chính mình và những người thân trong gia đình, giờ đây người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen mua sắm, hạn chế mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thay vào đó họ đến các cơ sở uy tín như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Chị Nguyễn Thị Hường, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa cho biết: “Giờ đây thực phẩm tươi sống dùng trong nhà chủ yếu mua từ siêu thị. Báo chí đã cảnh báo nhiều về nguy cơ bệnh tật do mất ATVSTP nên tôi cũng lo. Vào siêu thị nhìn thực phẩm tươi sống được bảo quản sạch sẽ, đúng quy trình tôi cảm thấy yên tâm hơn”. Đối với chị em bận rộn khó có thể đến siêu thị thường xuyên thì những cửa hàng bán thực phẩm sạch sẽ là lựa chọn đầu tiên.

Hiện nay trên địa bàn TP Thanh Hóa đã và đang hình thành chuỗi cửa hàng bán thực phẩm sạch. Tại đây các cửa hàng đã liên kết với các khu chăn nuôi, trồng trọt đạt chuẩn Viet Gap để bao tiêu sản phẩm và cung ứng lại cho người tiêu dùng.

Được biết, Thanh Hóa đã có một điểm bán thực phẩm an toàn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Ngoài ra còn có những cửa hàng bán nông sản sạch được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, tỉnh cũng đã có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với những công ty kinh doanh, buôn bán thực phẩm an toàn.

Với người tiêu dùng, việc thay đổi thói quen mua thực phẩm là điều cần thiết, đó vừa là cách thức bảo vệ, giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, mặt khác nó sẽ là điều kiện đảm bảo sự phát triển bền vững cho những mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng Viet Gap, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]