(vhds.baothanhhoa.vn) - Vườn thuốc nam là một trong những tiêu chí bắt buộc của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Vì vậy, nhiều trạm y tế (TYT) đã trồng và phát triển vườn cây thuốc nam cũng như phát huy hiệu quả của nó trong khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy hiệu quả vườn thuốc nam tại các trạm y tế

Vườn thuốc nam là một trong những tiêu chí bắt buộc của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Vì vậy, nhiều trạm y tế (TYT) đã trồng và phát triển vườn cây thuốc nam cũng như phát huy hiệu quả của nó trong khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

Góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh ban đầu

Vườn cây thuốc nam tại TYT xã Vạn Thiện (Nông Cống) luôn tươi tốt, mướt mắt bởi sự chăm sóc chu đáo của nhân viên y tế của trạm. Chị Nguyễn Thị Hoa, Trạm trưởng TYT xã cho biết: “Nhu cầu điều trị bệnh bằng cây thuốc nam của người dân ngày càng cao, vì vậy y sỹ của trạm luôn chú trọng chăm sóc vườn cây, không những thế vườn thuốc còn được trồng thêm nhiều cây thuốc mới do nhân viên của trạm đi nhân giống của trạm khác hay xin giống từ các hộ gia đình trong xã. Hầu hết cây thuốc nam đều lành tính, ít tác dụng phụ, tiện lợi và ít tốn kém chi phí nên được nhiều bệnh nhân sử dụng”.

Với diện tích khoảng 50m2, vườn thuốc của trạm có hơn 40 loại cây thuốc nam như cam thảo, gừng, con khỉ, tía tô, mã đề, rẽ quạt... các cây được trồng theo từng ô riêng biệt và cắm biển đề tên cho mọi người nhận biết. Phát triển vườn thuốc nam, các cán bộ trạm thường xuyên sưu tầm thêm nhiều loại cây thuốc có tác dụng chữa bệnh, hay tìm hiểu thấy nhà hộ dân nào trên địa bàn có cây thuốc có tác dụng chữa bệnh đã được công nhận thì nhân viên trạm sẽ liên hệ để xin giống. Những hộ gia đình có nhu cầu xin giống về trồng tại nhà, đều được nhân viên trạm giúp đỡ và hướng dẫn cách chăm sóc. Để phát huy huy hiệu của vườn thuốc, hàng ngày thông qua hoạt động khám chữa bệnh, các y bác sỹ giới thiệu, hướng dẫn cho người bệnh biết công dụng từng loại cây. Với những bệnh thông thường, dễ phát sinh vào thời điểm giao mùa như cảm cúm, hắt hơi, tiêu chảy nhẹ... hay trẻ nhỏ bị chảy nước mũi, ho... thì nhân viên y tế khuyến khích người bệnh sử dụng thuốc nam và theo dõi quá trình điều trị.

Nhân viên y tế chăm sóc vườn thuốc nam tại Trạm Y tế xã Vạn Thiện (Nông Cống).

Chị Lê Thị Ngân, xã Vạn Thiện, cho biết: “Mấy hôm nay thời tiết se lạnh nên bé nhà tôi bị ho. Theo tư vấn của bác sỹ tại trạm tôi về cách thủy nước lá hẹ cùng với một ít mật ong cho cháu dùng hai ngày nay thấy đỡ hẳn”. Còn bà Nguyễn Thị Nụ, 60 tuổi cho biết: “Bản thân tôi và người dân trong xã thường sử dụng các loại cây thuốc nam có sẵn trong vườn để chữa bệnh. Như tôi hôm vừa rồi bị tiêu chảy đến trạm khám để lấy thuốc, khám xong bác sỹ khuyên tôi dùng thử cây con khỉ đỏ sao vàng hạ thổ sắc lấy nước uống, qua ngày tôi thấy đỡ hẳn mà không phải tốn tiền mua thuốc.”

Được biết, bình quân mỗi năm TYT xã Vạn Thiện khám và điều trị cho hơn 1.000 lượt bệnh nhân, việc kết hợp điều trị đông tây y luôn duy trì ở mức trên 30% trong tổng số bệnh nhân điều trị.

Với chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, vườn cây thuốc nam tại các TYT đang là “cánh tay đắc lực” giúp các trạm kết hợp giữa đông, tây y trong việc chữa một số bệnh thông thường cho người dân.

Theo thống kê của Sở Y tế, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 459 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020. Trong đó có 80% trạm y tế đã xây dựng được vườn cây thuốc nam mẫu còn lại là sử dụng tranh ảnh thuốc nam mẫu.

Vẫn còn những khó khăn

Trên thực tế, việc phát triển vườn cây thuốc nam ở TYT đang còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do vườn thuốc nam ở TYT không đầy đủ chủng loại, số cây thuốc theo quy định. Nhiều trạm, nhất là các trạm ở miền núi chỉ mới có các cây thuốc mẫu thông dụng chứ chưa thể sơ chế thành thuốc nguyên liệu để đưa vào sử dụng.

Việc chăm sóc và tư vấn sử dụng thuốc nam là y bác sỹ của trạm, tuy nhiên hầu hết các y bác sỹ này đều chưa được đào tạo bài bản về y học cổ truyền. Vì vậy, công dụng, cách sử dụng từng loại cây thuốc nam khó phát huy tối đa hiệu quả của nó. Bên cạnh đó, việc trồng và chăm sóc cây thuốc nam còn thiếu tính chuyên nghiệp, khi vườn cây không lắp đặt hệ thống thoát nước dễ dẫn việc cây thuốc bị ngập lụt, hư hại vào mùa mưa bão. Theo đó, để vườn cây thuốc nam tại các TYT phát huy được hiệu quả như mong muốn thì các ngành, nhất là ngành y tế cần có giải pháp đồng bộ về cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]