(vhds.baothanhhoa.vn) - Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc, kiểm tra tích cực từ các cơ quan chức năng, ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh học sinh... để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý an toàn thực phẩm trong trường học: Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc, kiểm tra tích cực từ các cơ quan chức năng, ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh học sinh... để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm.

Cần tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các xã, phường trong việc quản lý các bếp ăn trường học. (Ảnh: Tống Hương)

Chọn đơn vị cung cấp suất ăn

Vài năm trở lại đây, nhiều trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa đã lựa chọn ký hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn cho học sinh, việc làm này đã phần nào làm giảm áp lực đối với các nhà trường. Tuy nhiên, để đảm bảo ATVSTP, đảm bảo dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, các nhà trường phải lựa chọn được đơn vị cung ứng có đủ tư cách pháp nhân; đảm bảo vệ sinh trong chế biến, bảo quản, lưu mẫu thực phẩm 24 giờ; thực hiện “10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn”; đảm bảo chất lượng bữa ăn, định lượng dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi học sinh; số lượng suất ăn cung cấp phù hợp với công năng thiết kế dây chuyền chế biến suất ăn của cơ sở...

Với kinh nghiệm trong việc cung cấp thực phẩm sạch và suất ăn cho các trường học, Công ty TNHH TMDV Phúc Nguyễn đã trở thành đối tác tin cậy và uy tín cho nhiều trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa như các trường tiểu học: Điện Biên 1, Điện Biên 2, Trần Phú, Hoàng Hoa Thám...

Ông Nguyễn Hữu Đức - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Phúc Nguyễn cho biết: Việc nâng cao chất lượng dinh dưỡng cũng như đảm bảo VSATTP trong mỗi suất ăn hàng ngày của học sinh là vấn đề được công ty quan tâm hàng đầu. Công ty lựa chọn đưa vào trường học những sản phẩm sạch liên kết với nhà cung ứng đảm bảo các tiêu chuẩn về VSATTP, đồng thời thực đơn các suất ăn hàng ngày đều thực hiện trên phần mềm dinh dưỡng của Bộ GD&ĐT, mỗi suất ăn đảm bảo đủ 10 loại thực phẩm...

Làm trong ngành thực phẩm đã hơn 10 năm, tuy nhiên, năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên bà Lý Thị Thanh Thủy - Giám đốc Công ty TNHH TMDV & Ăn uống an toàn mở công ty riêng và chính thức đi vào cung cấp suất ăn cho hơn 10 trường tiểu học như: Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Thắng, Quảng Cát...

Xác định làm “thương hiệu”, nên chất lượng thực phẩm và dịch vụ là mối quan tâm hàng đầu của công ty. Bà Lý Thị Thanh Thủy cho biết: Khi nhập thực phẩm vào trường, công ty luôn luôn yêu cầu các nhà trường cùng tham gia vào quá trình kiểm soát theo quy trình 3 bên cùng kiểm tra, quản lý thực phẩm và cùng chịu trách nhiệm về thực phẩm.

Điểm đặc biệt khiến công ty “tự tin” cạnh tranh là: Thực đơn 2 tuần không lặp lại được xây dựng theo mùa do nhà trường và công ty cùng phối hợp xây dựng trên đặc điểm khẩu vị riêng của từng vùng miền.

Hiện nay, công tác đảm bảo VSATTP đối với các bếp ăn bán trú ở các trường học đã được quán triệt, phổ biến sâu rộng, tạo bước chuyển mới trong nhận thức, hành vi, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành GD&ĐT, các bếp ăn ở trường học vẫn tiềm ẩn không ít nguy cơ mất VSATTP. Ngoài ra, ở một số cơ sở giáo dục, việc lựa chọn nhà cung ứng thực phẩm mặc dù đã có cơ sở pháp lý, tuy nhiên nhà cung cấp còn nhỏ lẻ, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có giấy phép kinh doanh, chưa có giấy chứng nhận ATTP... Thực tế này đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các ngành chức năng trong việc tuân thủ nghiêm nguyên tắc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; kiểm tra chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, nhất là khâu kiểm soát chặt chẽ thực phẩm đầu vào, kiên quyết không để thực phẩm không đảm bảo lọt vào bếp ăn trường học.

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Việc lựa chọn các đơn vị cung ứng suất ăn đã phần nào giúp các trường giảm áp lực, nỗi lo mất ATVSTP, đồng thời, có nhiều thời gian cho công tác chuyên môn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc cung cấp suất ăn, các công ty cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Bà Lý Thị Thanh Thủy - Giám đốc Công ty TNHH TMDV & Ăn uống an toàn chia sẻ: Khó khăn hiện nay là nhiều nhà trường có cơ sở vật chất chưa tốt, bếp nấu chật chội, khu sơ chế không đảm bảo diện tích, không có nhà ăn và nhà nghỉ riêng cho học sinh. Do đó, công ty cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm và cung cấp suất ăn cho các cháu.

Ngoài ra, các nhà trường cũng rất băn khoăn trong việc mua suất ăn cho học sinh, tài chính yêu cầu phải có hóa đơn đỏ. Tuy nhiên, mỗi suất ăn có giá 27.000 đồng (trong đó có 4.000 đồng tiền phục vụ), thực chất mỗi suất ăn chỉ còn 23.000 đồng, nếu tiếp tục phải “cõng” hóa đơn giá trị gia tăng mất 10% (tương đương với 2.300 đồng) thì giá trị thực của một suất ăn chỉ còn hơn 20.000 đồng. Trong khi đó, các công ty cung ứng suất ăn khi mua thực phẩm để chế biến đều đã có hóa đơn đỏ, nếu mỗi suất ăn lại tiếp tục phải lấy hóa đơn đỏ thì hóa ra 1 suất ăn phải “cõng” 2 lần thuế?!

Một điều bất cập khác là, việc lấy hóa đơn đối với mỗi suất ăn có đơn vị trường thực hiện, nhưng cũng có đơn vị không thực hiện. Do đó, các nhà trường kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể của các đơn vị tài chính cũng như sự thống nhất trong cách làm, tránh việc thực hiện mỗi trường một kiểu gây bức xúc mà người “thiệt thòi” nhất vẫn là các em học sinh.

Đảm bảo ATVSTP bữa ăn bán trú trong trường học là trách nhiệm của cả cộng đồng để các em học sinh không chỉ có bữa ăn ngon, mà còn chất lượng đảm bảo sức khỏe học tập.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]