(vhds.baothanhhoa.vn) - Với chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, huyện Quảng Xương đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Với chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, huyện Quảng Xương đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP).

Những mô hình tiên phong cho hiệu quả kinh tế

Để có được sản phẩm nông sản an toàn cung ứng ra thị trường, huyện Quảng Xương đã và đang tập trung thu hút doanh nghiệp, khuyến khích các hộ gia đình có tiềm lực kinh tế đầu tư xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với bảo vệ môi trường. Điển hình là mô hình trại mướp - ốc nhồi hữu cơ Long Sơn Hải (Công ty TNHH Thiên Bảo Thanh Hóa), tại xã Quảng Phong.

Sau quá trình tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi ốc nhồi, năm 2012 trại mướp - ốc nhồi hữu cơ Long Sơn Hảiđược triển khai nuôi trồng trên diện tích 5.000 m2. Đến nay diện tích đã mở rộng lên tới 1,8 ha. Được biết, ngoài việc sử dụng nguồn nước sạch thông qua hệ thống lọc, tại đây loài ốc sử dụng nguồn thức ăn hoàn toàn từ thiên nhiên, như: rau, cỏ, bèo tấm... Mô hình này không tốn quá nhiều nhân công lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, xử lý được các phế phẩm rau cỏ làm thức ăn cho ốc nhồi, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, tạo ra nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng cho người sử dụng. Theo tính toán, năm 2019 mô hình này cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.

Theo anh Bùi Văn Hải - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Bảo Thanh Hóa, chủ trại mướp - ốc nhồi hữu cơ Long Sơn Hải, do số lượng ốc nhồi sản xuất ra không đủ nhu cầu của thị trường, nên hiện nay gia đình mới chỉ thực hiện liên kết tiêu thụ với một số chuỗi cửa hàng ATTP tại TP Hà Nội. Dự kiến đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích nuôi ốc, trồng mướp lên 3- 4 ha và đầu tư hệ thống lọc than hoạt tính, đảm bảo nguồn nước sạch cho loài ốc sinh sản và phát triển. Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, mang đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng ATTP.

Mô hình trại mướp - ốc nhồi hữu cơ Long Sơn Hải (thôn Phong Lượng, xã Quảng Phong).

Cùng với mô hình nuôi ốc, trồng mướp, vụ Chiêm Xuân 2019, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Xương đã phối hợp với UBND xã Quảng Hòa xây dựng mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 20 ha, 80 hộ dân tham gia. Mục tiêu của mô hình là hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, xanh sạch, an toàn, bền vững, tạo ra sản phẩm hữu cơ thân thiện với con người và môi trường.

Khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón hữu cơ vi sinh, được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo nhân rộng mô hình, hội nghị tổng kết và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình thực hiện. Mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh lúa như: cấy thưa, cấy thẳng hàng, bón phân cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa nên lúa phát triển khỏe, đẻ nhánh tốt, số bông hữu hiệu cao, đồng thời giảm sâu bệnh. Đặc biệt, mô hình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc từ hóa học mà chỉ sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, ít độc hại với con người và môi trường.

Vụ Chiêm Xuân năm 2019 là năm thứ hai bà con nông dân xã Quảng Hòa thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Mô hình chú trọng đến chất lượng và giá trị sản phẩm, giúp người dân thay đổi nhận thức, đồng thời năng suất lúa tại mô hình đạt 62 tạ/ha, cao hơn 7 tạ/ha so với canh tác thông thường. Sản phẩm lúa tại mô hình được Công ty Hùng Thịnh thu mua với giá 6.200 đồng/kg lúa tươi, cao hơn với lúa thường cùng loại từ 700 - 1.000 đồng/kg. Vì vậy bà con rất phấn khởi và có động lực để tiếp tục phát triển diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Có thể nói, việc thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Quảng Hòa là một hướng đi mới, phù hợp để xây dựng vùng sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ. Qua đó, vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người sản xuất.

Còn không ít nan giải

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển nông nghiệp hữu cơ cần thông qua hệ thống quản lý nghiêm ngặt về nguồn đất, nước, phân bón, lựa chọn cây giống, con giống... Thế nhưng đặc điểm diện tích nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Quảng Xương nói riêng còn manh mún, tập quán canh tác lại nhỏ lẻ, sản xuất truyền thống theo hướng vô cơ. Việc đầu tư sản xuất các mô hình nông nghiệp bền vững, theo hướng hữu cơ đòi hỏi cần nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó việc xây dựng kế hoạch sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ; năng lực kỹ thuật, chuyên môn về nông nghiệp hữu cơ còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện chưa phát triển. Do chi phí sản xuất theo hướng hữu cơ cao hơn sản xuất an toàn hay sản xuất truyền thống, vì vậy giá thành cao hơn, khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Về phía người tiêu dùng luôn có xu hướng lựa chọn những thực phẩm có giá thành rẻ, hình thức bắt mắt...

Bởi vậy, để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trên cơ sở hướng dẫn triển khai nghị định của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, đòi hỏi các ngành có liên quan của tỉnh cần tập trung xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nhằm thay đổi thói quen sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hữu cơ, cũng như thói quen lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng, tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Tăng cường công tác quản lý BVTV, khuyến khích người dân hạn chế, thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón hữu cơ, các loại thuốc BVTV sinh học có nguồn gốc thảo dược được quy định... Góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, mang đến những sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng VSATTP.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]