(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn vùng dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa có 1.207 cặp tảo hôn; 86 cặp hôn nhân cận huyết thống, bình quân hằng năm có từ hơn 250 cặp đến gần 400 cặp tảo hôn và có hơn 20 cặp kết hôn cận huyết thống, tập trung nhiều ở dân tộc Mông, Khơ Mú. Trên thực tế, con số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn lớn hơn nhiều so với báo cáo công tác thống kê tại cơ sở. Đề án ‘Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020’ liệu có thay đổi được nhận thức của người dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Câu chuyện dài chưa có hồi kết (Kỳ 1): Những bông hoa nở sớm

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn vùng dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa có 1.207 cặp tảo hôn; 86 cặp hôn nhân cận huyết thống, bình quân hằng năm có từ hơn 250 cặp đến gần 400 cặp tảo hôn và có hơn 20 cặp kết hôn cận huyết thống, tập trung nhiều ở dân tộc Mông, Khơ Mú. Trên thực tế, con số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn lớn hơn nhiều so với báo cáo công tác thống kê tại cơ sở. Đề án ‘Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020’ liệu có thay đổi được nhận thức của người dân tộc.

Theo chân các chị làm công tác phụ nữ đến từng nhà để vận động, giải thích cho các chị em về tác hại của vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi mới phần nào hiểu thêm nhiều câu chuyện buồn liên quan đến vấn nạn này. Đó là Ngân Thị Hiện (sống ở bản Cò Cài, xã Trung Lý, Mường Lát), em mới 18 tuổi và đã có hai con. Từ nhà Hiện tới trường cấp II xa 25 km, mỗi lần đi học, em phải qua nhiều núi và qua con sông Chiềng Nưa nên học xong tiểu học, 16 tuổi Hiện lấy chồng. Khi nói chuyện với em, tôi mới hiểu ra ở thành phố muốn mua sách gì tôi cũng có thể kiếm được, còn với Hiện, con chữ như một giấc mơ, và em đã để giấc mơ ấy vụt qua nhanh. Mới ngày nào em còn là cô học trò trắng trẻo, xinh như bông hoa rừng. Giờ mới 20 tuổi mà em già như người ngoài 40 tuổi. Cả gia đình em, từ bà đến mẹ đều lấy chồng từ thuở 13 và em cũng không ngoại lệ.

Đường lên Tén Tằn không khó khăn gì, nhưng đến bản Đoàn Kết, bản có 100% là người Khơ Mú sinh sống, cảm giác như đó là một thế giới riêng biệt. Khi chúng tôi đến, đúng vào thời điểm cả làng đi làm rẫy, còn lại những bà mẹ và lũ trẻ ở nhà. Những đứa trẻ mũi dãi thò lò, nhem nhuốc, tóc bết dính đón chúng tôi với ánh nhìn vui vẻ nhưng đầy dè dặt. Duy nhất một thanh niên còn lại trong làng, đó là Lò Văn Tươi, em vừa tròn 18 tuổi, sinh năm 1999. Pít Thị Thưa là vợ kém 2 tuổi, thấy chúng tôi, em vội vàng bê chậu quần áo đi giặt, tránh tiếp xúc. Khi chúng tôi hỏi vợ giục cưới hay em thích cưới, em cười dè dặt: cả 2 ạ. Chúng em yêu nhau được 2 năm. Thế trước khi quyết định kết hôn các em đã chuẩn bị gì chưa? Chưa ạ. Bố mẹ cưới cho mà. Bố mẹ thích cho cưới sớm vì họ sắp già rồi. Cứ ngỡ sắp già là cũng 50-60 tuổi gì đấy, nhưng hỏi ra bố mẹ của hai em chưa đến 35 tuổi. Nhà có 3 con, Lò Văn Tươi là con đầu, em út cũng vừa mới 3 tuổi. Trong nhà không một đồ đạc gì giá trị ngoài ngổn ngang chăn màn, quần áo, cùng vài ba bao tải gạo tẻ để bên góc. Tươi chia sẻ: Em học hết lớp 9 nhưng cũng chẳng biết làm việc gì, chỉ quanh quẩn phụ giúp với gia đình vợ (vì em đang thời gian ở rể). May được cái là trong này mọi thứ chủ yếu tự cung tự cấp, thỉnh thoảng có người vào bán thit lợn hoặc vài ba thứ lặt vặt, có tiền thì mua, không có thì xem cho vui.

Một ngày của Tươi diễn ra đều đặn, nếu thời tiết thuận lợi, sáng dậy em nấu cơm nếp ăn, rồi đi làm lúa trên rẫy. Đi xe máy và leo dốc, những con dốc cheo leo, mà tôi nhìn ngược lên đủ chóng mặt, có cho tiền chắc cũng không dám trèo. Cả ngày ở rẫy, chiều tối về lại nấu nướng cơm nước, sau đó 7h lên giường ngủ. Cuộc sống trôi từng ngày như thế. Hết mùa thì thảng hoặc vào rừng đào măng tươi, hay tìm những củ rừng như hà thủ ô. Gặp ai cần mua thì bán. Vất vả và khó khăn khiến những cậu bé non tơ, 18 tuổi, những cô gái chưa qua tuổi mộng mơ đã hằn những nét khắc khổ, thô nhám. Khi chúng tôi hỏi: 2 đứa có dự định gì nếu sinh con chưa? Cô bé chỉ học hết lớp 5 e thẹn nhìn chồng.

Không riêng gì đôi vợ chồng Tươi - Thưa, ngay bên cạnh là đôi vợ chồng Lò Thị Ằm, Pít Văn Liên. Lấy nhau lúc chồng 18 vợ 16, đến tháng 5/2007, họ đã có 2 con gái, đứa 5 tuổi, đứa 2 tuổi. Trước đây Ằm gọi bố của chồng là cậu ruột. Đây là một trong số những đôi kết hôn cận huyết thống. Em chỉ mới học xong lớp 2, từ bé đến lớn chưa ra khỏi đoạn đường từ nhà lên rẫy, em không biết một người đàn ông nào ngoài những người trong làng. Chính vì thế thích nhau là cưới. Còn Liên thì chỉ nghĩ nếu là anh em thì khỏi phải ở rể 2-3 năm, và sự thực, em chỉ ở rể có 3 tháng. Khi được hỏi về kế hoạch cho tương lai. Hai vợ chồng nói: Chúng em đang muốn sinh con trai. Phải sinh được con trai thì mới yên tâm. Tôi hỏi thêm: Các em có dùng biện pháp tránh thai nào không với hy vọng các em cũng đã có những thay đổi về mặt nhận thức. Tuy nhiên, Pít Văn Liên cho chúng tôi biết: ở đây, cứ chửa là đẻ. Có Nhà nước lo rồi.

Lò Thị Ằm đã già hơn rất nhiều so với cái tuổi mười lăm hồn nhiên.

Tiếp tục đến Pù Nhi, chúng tôi được chị cán bộ văn hóa xã cho biết, ở đây chuyện tảo hôn là rất bình thường, đặc biệt rất ít người Mông kết hôn đúng độ tuổi. Ngay cả tục bắt vợ hiện nay vẫn còn, dù có giảm so với trước kia. Ngồi ngay vệ đường, vạch vú cho con bú, em Tha Thị Hoa, dân tộc Mông, có gương mặt rất xinh xắn, nước da hồng căng bóng, khi chúng tôi hỏi em trả lời sinh năm 1999. Còn chị cán bộ lại bảo em ấy mới 15 thôi, ngại nên nói thế đấy. Con em vừa tròn 1 tháng, cậu bé ngủ ngon như một chú chó con say sữa trong vòng tay mẹ. Hiện cả hai vợ chồng Hoa đều ở nhà. Tôi hỏi: Không làm gì lấy tiền đâu sinh sống. Em rất hồn nhiên: Có cần gì đến tiền đâu chị, thức ăn có sẵn ở trong vườn rồi.

Quả thật, cuộc sống thật giản đơn, tôi tiếc cho những cô gái trẻ như bông hoa xinh đẹp ấy chưa vượt qua khỏi bờ rào của làng đã kịp nở được tiêm liều thuốc kích thích ép nở sớm. Chỉ vài năm nữa thôi, các em sẽ nhanh chóng già nua, theo sau không chỉ một đứa mà là hai, hay ba đứa con nheo nhóc, còi cọc...

Theo khảo sát của chúng tôi, đặc biệt khi đến các điểm trường THCS thì tình trạng các em nữ bỏ học lấy chồng không phải là ít, đặc biệt là sau khi tốt nghiệp lớp 9, do gia đình không có điều kiện để con cái xuống trung tâm huyện học, nhiều em lựa chọn phương án tối ưu là lấy chồng. Bởi đó như một sự đã rồi, cứ thích nhau, ưng cái bụng, được cưới cho, và sinh con là cái vòng luẩn quẩn khiến các em quen nép trong nhà hơn là nghĩ đến việc kiếm tiền, thay đổi cuộc sống.

Liệu có thể nói không với tảo hôn, hay kết hôn cận huyết thống? Một cán bộ tư pháp huyện Mường Lát cho hay: Khó lắm.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]