(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030, Việt Nam cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa đang kêu gọi sự chung tay vào cuộc tích cực, cùng hành động của ngành y tế, các cấp chính quyền đến mỗi người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa nỗ lực chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030, Việt Nam cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa đang kêu gọi sự chung tay vào cuộc tích cực, cùng hành động của ngành y tế, các cấp chính quyền đến mỗi người dân.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa, đến 30/9/2020 lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 8.513 người; trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.276 (3.717 người Thanh Hóa và 559 người ở trại giam), hơn 2.500 người nhiễm đã tử vong; 100% huyện, thị xã, thành phố; 94% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. 9 tháng năm 2020 số ca nhiễm HIV mới phát hiện là 170 ca, tử vong 39. 6 huyện, thị xã, thành phố có số HIV mới cao nhất bao gồm: TP Thanh Hóa (25 ca), Hoằng Hóa (13 ca), thị xã Nghi Sơn (13 ca), Cẩm Thủy (9 ca), Ngọc Lặc (10 ca), TP Sầm Sơn (10 ca). Toàn tỉnh hiện có 2.333 người đang điều trị Methadone tại 27 cơ sở và 16 điểm cấp phát thuốc. Trong đó có 318 bệnh nhân có HIV dương tính. Việc điều trị Methadone giúp người nghiện chích ma túy giảm việc sử dụng ma túy bất hợp pháp và giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV do dùng chung bơm kim tiêm. Bởi vậy, đây là những đối tượng mà cán bộ y tế tập trung tuyên truyền trong phòng chống HIV/AIDS.

Là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS, ông Lê Trọng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hoằng Hóa (huyện Hoằng Hóa) cho biết: Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh HIV/AIDS, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại trên các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: phát bơm kim tiêm, phát bao cao su, tiếp cận cộng đồng, giáo dục đồng đẳng, triển khai các dự án phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức điểm uống thuốc methadone thay thế các chất dạng thuốc phiện đồng thời tuyên truyền các đối tượng nguy cơ cao, tư vấn, xét nghiệm sớm những trường hợp nhiễm HIV để lập hồ sơ đưa vào điều trị bằng thuốc nhằm phòng lây nhiễm.

Dịch HIV/AIDS tại Thanh Hóa vẫn trong giai đoạn tập trung ở những người có hành vi nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Triển khai Chương trình 90-90-90, những năm qua, Thanh Hoá đã tăng cường công tác truyền thông, vận động sự tham gia vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội; đồng thời đã chủ động lồng ghép các hoạt động, nguồn lực của chương trình, dự án để ưu tiên bố trí địa điểm, cơ sở vật chất và hỗ trợ cán bộ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Như Dự án Quỹ toàn cầu đã hỗ trợ hoạt động cho các nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng can thiệp cấp bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí, tư vấn, giới thiệu các đối tượng nguy cơ cao xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó, đến nay toàn tỉnh có gần 4.000 bệnh nhân đang điều trị kháng vi rút HIV bằng ARV. Từ đầu năm 2019, các bệnh nhân này đã được khám Bảo hiểm y tế và cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí. Đây là bước ngoặt lớn, là điều kiện thuận lợi cho những người đang điều trị kháng HIV dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế.

Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, song công tác này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Lộc Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa chia sẻ: Một trong những khó khăn hiện nay đó là nguồn kinh phí, ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người nhiễm HIV về lợi ích của công tác điều trị ARV còn hạn chế. Tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS tuy giảm đáng kể nhưng vẫn còn khá phổ biến… Do vậy, việc tiếp cận để chia sẻ tình trạng bệnh của bệnh nhân nhiễm HIV còn khó khăn. Mặt khác, việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai còn hạn chế vì đa phần phụ nữ mang thai đến khám và quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế tư nhân…

Ông Lê Trường Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết: Chúng ta phải triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để khống chế, ngăn ngừa dịch HIV không bùng phát. Tuyên truyền để mọi người dân hiểu biết, không kỳ thị với người nhiễm HIV. Đối với những nhóm nguy cơ cao phải có biện pháp can thiệp. Đối với công tác điều trị phải nâng cao dịch vụ chăm sóc người nhiễm HIV, có phác đồ điều trị tốt nhất…

Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tuyên truyền để các bệnh nhân thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế nhằm đạt tỷ lệ 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết…

Thanh Hóa hiện đã kiểm soát tốt đại dịch HIV/AIDS trên cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS. Kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành Y tế cũng như các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Đặc biệt, phải kể đến những cán bộ y tế trực tiếp làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Với chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS”, tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay nhằm tiếp tục nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS và hướng đến mục tiêu quan trọng đó là kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]