(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chất lượng bữa ăn của công nhân lao động (CNLĐ) đang là chuyện đáng lo khi mà gian thương cố gắng tuồn thịt bẩn, rau không an toàn vào những bếp ăn tập thể của họ. Chính vì điều đó, nhiều công ty đã thay đổi mô hình bữa ăn ca cho người lao động. Đây có phải là sự đổi mới, hay là sự "bỏ rơi" bữa ăn công nhân?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực phẩm bẩn vây quanh bếp ăn công nhân (Kỳ 3): Bữa cơm công nhân và câu chuyện ‘bỏ rơi’

(VH&ĐS) Chất lượng bữa ăn của công nhân lao động (CNLĐ) đang là chuyện đáng lo khi mà gian thương cố gắng tuồn thịt bẩn, rau không an toàn vào những bếp ăn tập thể của họ. Chính vì điều đó, nhiều công ty đã thay đổi mô hình bữa ăn ca cho người lao động. Đây có phải là sự đổi mới, hay là sự "bỏ rơi" bữa ăn công nhân?

Bữa cơm và sự "bỏ rơi"

Kể lại với chúng tôi vụ ngộ độc thực phẩm cách đây hơn ba tháng, chị Nguyễn Thị H (27 tuổi, công nhân cũ của Công ty TNHH Dream F Thanh Hóa (xã Minh Khôi, huyện Nông Cống) vẫn chưa hết nỗi ám ảnh bữa cơm bị ngộ độc thực phẩm tại công ty.

“Bữa ăn đó, dù thức ăn có hơi nguội, trứng kho thịt nhơn nhớt nhưng ai cũng cố gắng ăn để có sức làm việc. Ăn xong khoảng một tiếng, hơn chục người đang làm việc thì có biểu hiện buồn nôn. Tất cả được công ty chuyển đến bệnh viện cấp cứu” - chị Nguyễn Thị H kể lại.

Tại thời điểm đó, cơm trưa của công nhân được nấu tại nhà ăn tập thể của Công ty TNHH Dream F Thanh Hóa, do công ty này hợp đồng với một đơn vị khác nấu. Cũng vì thế mà không ai biết được nguồn thực phẩm, rau củ quả lấy từ đâu, nguồn gốc thế nào.

Một phần là do khó kiểm soát được chất lượng thực phẩm nên nhiều công ty trên địa bàn tỉnh đã thay đổi mô hình bữa ăn ca cho người lao động. Một mô hình khiến người lao động như bị "bỏ rơi" -công ty sẽ khoán thẳng cho người lao động tiền trên mỗi suất cơm từ 13.000đ - 15.000đ, tùy từng công ty, và cuối tháng tiền sẽ được tính cùng lương. Theo cách làm này thì công ty sẽ không có trách nhiệm khi vấn đề ngộ độc xảy ra. Tuy nhiên thảm cảnh kéo theo đó là công nhân ở một số công ty phải vạ vật với bữa cơm trưa bên ngoài công ty.

11 giờ trưa ngày 10/3 chúng tôi có mặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia chứng kiến một cảnh tượng nhếch nhác đến thương lòng. Hàng trăm công nhân đang ngồi ăn cơm ngoài đường, ngay cổng sau của Công ty TNHH Giày Annora.

Chị Phượng là công nhân cho biết: "Do công ty không còn tổ chức nấu ăn nữa, công nhân tự lo cơm trưa, nên công nhân người thì mang cơm nhà nấu sẵn đi, hoặc đến bữa thì ăn cơm quán. Do nhà ăn của công ty không đủ chỗ nên chúng tôi chia ca ra ngoài ăn. Chúng tôi sợ thức ăn bên ngoài bẩn, và rất mong muốn công ty tổ chức nấu ăn tập thể an toàn nhưng không biết đòi hỏi từ đâu. Nhiều hôm mưa to, gió lớn, cơm chan nước mưa nhưng rồi cũng qua hết, biết sao được. Chị Phượng chia sẻ thêm.

Bữa ăn tạm bợ ngoài đường của công nhân Công ty TNHH Giày Annora - khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia. (Ảnh chụp trưa ngày 09/3)

Còn với anh Vũ Văn Công - công nhân Công ty Hồng Phúc, khu công nghiệp Hoàng Long, huyện Hoằng Hóa tâm sự: "Làm không chết vì mệt, mà chết vì ăn phải đồ bẩn. Trước đây công ty có nấu ăn nhưng từ ngày có một công ty khác xảy ra tình trạng công nhân bị ngộ độc thức ăn đến nay cả khu này đều không tổ chức nấu cơm nữa, công nhân tự túc. Bọn anh là con trai ngại mang cơm đi nên ăn cơm quán. Mà cơm quán ở đây thì khỏi bàn, một từ duy nhất là quá bẩn. Nhiều hôm trong canh có cả cơm, như kiểu người trước ăn không hết họ lại đổ dồn lại bán cho người sau. Không ăn thì lấy đâu sức làm ".

Từ thực tế, đi quan sát một số quán ăn ở đây rất đáng lo ngại về ATVSTP. Những quán cơm tại khu công nghiệp Hoàng Long, được dựng tạm bợ trong những chiếc lều, kế bên là khu chợ chiều cho công nhân chứa đầy rác thải lẫn với chó, gà, dê chạy lông nhông. Chưa kể những lều cơm tạm bợ này cách không xa một bờ mương nước tù đen xịt, bốc mùi. (?!)

Ăn uống mà lo ngay ngáy!

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đã xảy ra, như vụ ngộ độc tại công ty Hongfu (Khu công nghiệp Hoàng Long) khiến hàng trăm công nhân phải nhập viện vào tháng 5/2014. Sau đó, ngày 21/1/2017, hơn 20 công nhân Công ty May TNHH Dream F Thanh Hóa (xã Minh Khôi, huyện Nông Cống) cũng phải nhập viện do ngộ độc thức ăn. Mặc dù so với các khu công nghiệp, khu chế xuất khác trên cả nước, số vụ và số người ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn công nhân trên địa bàn Thanh Hóa không lớn, nhưng trước diễn biến khôn lường, tiềm ẩn mất ATVSTP trong bối cảnh hiện tại khiến người dân, nhất là công nhân lao động không khỏi lo ngại.

Chị Hường, công nhân may tại Khu kinh tế Nghi Sơn lo lắng: "Bằng mắt thường không thể phân biệt được thực phẩm sạch với thực phẩm bẩn và mức độ độc hại nên chúng tôi rất lo lắng khi ăn. Chúng tôi mong muốn công ty quan tâm đến chúng tôi hơn nữa để chúng tôi có những bữa ăn yên tâm để làm việc có hiệu quả hơn".

Là công nhân lâu năm trong Bình Dương, anh Lê Văn Thuân - hiện làm thợ máy cho một công ty may trên địa bàn huyện Hậu Lộc nêu ý kiến: “Nếu được ăn những suất ăn sạch tại công ty, thực đơn rõ ràng, có nhiều lựa chọn như ở các khu công nghiệp phát triển trong TP Hồ Chí Minh thì chúng tôi rất vui, bởi cảm giác an toàn. Chứ cứ ăn uống mà lo ngay ngáy, thì làm sao an tâm làm việc”.

Chia sẻ của anh Thuân cho thấy một thực tế, khi bữa ăn của người công nhân được bảo đảm, thì hiệu suất lao động sẽ được tăng lên. Và đó là điều mà các doanh nghiệp không thể không tính đến trong những tính toán lợi ích của mình!.

Doãn Tài



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]