(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sau đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã rơi vào tình trạng lo lắng khi tiêu chí về bảo hiểm y tế bị giảm. Đây là tiêu chí khó bền vững và duy trì nhất so với các tiêu chí khác...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sao tiêu chí về BHYT khó bền vững?

(VH&ĐS) Sau đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã rơi vào tình trạng lo lắng khi tiêu chí về bảo hiểm y tế bị giảm. Đây là tiêu chí khó bền vững và duy trì nhất so với các tiêu chí khác...

Lấy ngân sách xã để hỗ trợ cho dân

Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều xã khi chuẩn bị về đích NTM. Trong 19 tiêu chí thì khó nhất với nhiều xã vẫn nằm ở tiêu chí 15, trong đó nêu rõ, xã phải có trên 70% số người dân tham gia BHYT thì mới đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên nhiều người dân chưa nghĩ được chuyện là "mua khi lành, để dành khi ốm".

Vậy nên, có những xã 18 tiêu chí đã đạt nhưng còn duy nhất tiêu chí về BHYT là yếu, vô tình đã đè nặng lên tâm lý, tinh thần của Ban chỉ đạo xây dựng NTM ở các xã. Căng thẳng, áp lực và cũng nóng lòng nên nhiều xã đành "chậc lưỡi" đi mua BHYT cho dân bằng nguồn ngân sách xã.

Tất nhiên, việc làm ấy là không đúng nhưng trong lúc "nước sôi lửa bỏng" và đó là "nước cờ" mới. "Nước cờ" ấy có hướng đi sai nhưng vẫn đúng vì nếu xã lấy ngân sách hỗ trợ cho người dân mua thẻ BHYT thì xã đương nhiên sẽ hoàn thành tiêu chí 15 và chắc chắn được đạt chuẩn NTM.

Câu chuyện ở xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) là một ví dụ. Trước khi chưa về đích NTM, tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn xã cuối năm 2014 mới được 50% nhưng tập trung vào các đối tượng được hưởng hỗ trợ, bảo trợ xã hội còn đối tượng tự nguyện chỉ mới khoảng 14%. Xã Xuân Hòa cùng với một số doanh nghiệp và một số đoàn thể khác đã hỗ trợ cho những người chưa tham gia BHYT trên địa bàn xã, trong đó nguồn ngân sách hỗ trợ là 30%. Đầu tháng 4/2015, với sự hỗ trợ này đã tăng số thẻ tự nguyện lên 800 thẻ. Cuối tháng 8, đầu tháng 9 lại thêm một đợt hỗ trợ nữa và có thêm 300 người có thẻ BHYT.

Như vậy trong 2 đợt đã có 1.100 người được hỗ trợ để có thẻBHYT tự nguyện (chiếm khoảng 20%). Rõ ràng với sự vào cuộc này, tỷ lệ BHYT của xã tăng một cách nhanh chóng. Vào thời điểm đạt chuẩn, tỷ lệ BHYT của Xuân Hòa đạt trên 80%. Tương tự, xã Định Tường (Yên Định) cũng trích ngân sách xã để hỗ trợ người dân tham gia BHYT với mức hỗ trợ 10%, xã Định Tân (Yên Định) hỗ trợ thẻ BHYT cho 215 khẩu cận nghèo với số tiền gần 21 triệu đồng.

(Ảnh minh họa).

"Trong cái khó ló cái khôn", xã bỏ tiền để người dân được hưởng lợi về BHYT và nhờ đó mà xã đạt chuẩn NTM. Khi đạt thì mừng nhưng sau chuẩn lại lo. Đấy cũng là tâm trạng chung của nhiều xã đã đạt chuẩn NTM.

Thẻ hết hạn, hết hỗ trợ, tiêu chí bị lung lay?

Đó là điều không tránh khỏi và cũng là điều dễ hiểu. Khi thẻ hết hạn, nhiều người dân không muốn tiếp tục mua thẻ vì thẻ cũ có xã hỗ trợ, giờ phải tự bỏ tiền mua? Còn sau đạt chuẩn, chẳng có xã nào lại tiếp tục muốn lặp lại việc bỏ tiền ngân sách mua thẻ BHYT cho dân. Ông Lê Văn Định - Chủ tịch xã Xuân Hòa phân trần: "Tháng 4/2016 vừa rồi là hết hạn của thẻ BHYT mà xã đã hỗ trợ ở tháng 4/2015. Cũng có gần trăm thẻ không tham gia mua nữa. Tháng 8 tới đây sẽ hết hạn thẻ hỗ trợ đợt 2, xã cũng biết trước việc nhiều người sẽ không tiếp tục mua và tỷ lệ BHYT của xã sẽ bị kéo xuống. Đây là mối lo với chúng tôi".

Còn Chủ tịch xã Định Tường, ông Trần Ngọc Côn cho rằng: "Đúng là với tiêu chí về BHYT, xã chúng tôi phấn đấu trong ì ạch. Khó lắm. Giờ mà để tiêu chí này được duy trì, bền vững là cả một vấn đề".

Dù không hỗ trợ ngân sách xã khi về đích NTM, nhưng nhiều xã sau khi đạt chuẩn, tỷ lệ BHYT cũng tụt nhanh. Xã Xuân Quang (Thọ Xuân), khi đạt chuẩn, tỷ lệ BHYT là 80% nhưng sau đạt chuẩn và đến thời điểm hiện tại chỉ còn 66%. Lý giải về điều này, ông Đỗ Xuân Hiếu - Chủ tịch xã cho biết: "Nhiều người dân hết hạn không mua lại, đặc biệt là đối tượng thanh niên. Trước khi đạt chuẩn, chúng tôi phải đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà động viên bà con mua thẻ để hoàn thành tiêu chí về thẻ BHYT. Nhưng trong tháng 7 này, chắc chắn chúng tôi sẽ phải làm quyết liệt, nếu không đạt 80% cũng không xong với huyện vì để bù cho các xã chưa đạt NTM".

Theo ông Trần Đức Năng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh: Đang có tình trạng đối phó cả từ phía người dân và chính quyền. Người dân khi bị bệnh mới nghĩ đến cái thẻ BHYT còn xã vì lo cho tiêu chí BHYT không hoàn thành nên cũng bằng cách này cách khác cho được đảm bảo tỷ lệ.

Người dân không mặn mà là vì chưa nhận thức được giá trị của thẻ BHYT hoặc họ không có khả năng tham gia. Còn người có khả năng tham gia lại chưa được thỏa mãn về dịch vụ. Thêm nữa, công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền không rõ ràng, thấu đáo, dẫn đến việc người dân chỉ mua theo thời hạn nhất định, không có kết nối liên tục về thời gian... Do đó, tính bền vững của tiêu chí này là cả vấn đề đặt ra. "Công tác tuyên truyền cần phải thay đổi, cách tiếp cận với dân cũng phải sâu sát hơn thì mới hiệu quả", ông Trần Đức Năng cho biết thêm.

Thiện Nhân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]