(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tấm HCV mà đội tuyển bóng đá nữ giành được tại SEA Games 29 trên đất Malaysia có ý nghĩa rất quan trọng với thể thao nước nhà cũng như các học trò của HLV Mai Đức Chung. Bởi đấy không chỉ là niềm tự hào của hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi sau bao năm, chúng ta mới lại vượt mặt người Thái mà còn là cơ hội để Vũ Thị Nhung, Nguyễn Thị Liễu, Nguyễn Thị Muôn, Huỳnh Như cùng đồng đội... cải thiện đời sống!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đội tuyển bóng đá nữ vô địch SEA Games 29: Thưởng tiền tỷ có xóa được định kiến ‘trọng nam khinh nữ’?

(VH&ĐS) Tấm HCV mà đội tuyển bóng đá nữ giành được tại SEA Games 29 trên đất Malaysia có ý nghĩa rất quan trọng với thể thao nước nhà cũng như các học trò của HLV Mai Đức Chung. Bởi đấy không chỉ là niềm tự hào của hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi sau bao năm, chúng ta mới lại vượt mặt người Thái mà còn là cơ hội để Vũ Thị Nhung, Nguyễn Thị Liễu, Nguyễn Thị Muôn, Huỳnh Như cùng đồng đội... cải thiện đời sống!

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng gần 4 tỷ đồng hứa hẹn sẽ “chảy” vào túi thầy trò HLV Mai Đức Chung. Trong đó, ngân khoản từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) được đảm bảo “như đinh đóng cột” ở con số 3 tỷ đồng. Số tiền có thể chẳng thấm tháp gì so với các đồng nghiệp nam nhưng thực sự là kỷ lục ở đội tuyển nữ.

Để có cái nhìn toàn diện về tiền thưởng cho bóng đá nữ, hãy nói về tấm vé dự vòng Chung kết Asian Cup 2014 dưới thời HLV Trần Vân Phát. Trước cơ hội lần đầu tiên góp mặt tại giải vô địch Bóng đá nữ thế giới 2015, các quan chức bóng đá nước nhà đã hào phóng ghi công bằng số tiền 1 tỷ đồng. Còn tại SEA Games 27, các cô gái của chúng ta cũng chia nhau phần thưởng trị giá 2,7 tỷ đồng (sau thuế).

Nếu chỉ nhìn vào con số thì đây có thể xem là bằng chứng đanh thép để VFF “lên giọng” với cả làng, rằng: Không có sự phân biệt đối xử, “trọng nam khinh nữ” từ phía Liên đoàn!

Vậy nhưng như lời bài dân ca Nhật: “Có những kẻ đến đây/ Ngợi ca đào nở rộ/ Chân tình nhất những ai/ Đến sau mùa hoa nở” và có một chi tiết mà không nhiều người lưu tâm, đó chính là thời điểm “tiền về” - tiền chỉ “về” sau khi đội tuyển nữ có thành tích. Điều này hoàn toàn tương phản với những gì từng xảy ra nơi hậu trường đội bóng đá nam - vốn luôn gây hiệu ứng mạnh về truyền thông và tạo ra sức hút lớn với doanh nghiệp.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ăn mừng chiến thắng tại SEA Games 29.

Đừng quên là ở AFF Suzuki Cup 2016, dẫu chỉ giành vé vào Bán kết thì thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng hỉ hả chia nhau 1 tỷ tiền thưởng của Liên đoàn. Tiếc rằng các cầu thủ nam phải dừng bước ngay sau đó, nếu không VFF còn hào phóng hơn. Còn tại AFF Suzuki Cup 2014, sau khi chứng kiến Lê Công Vinh và đồng đội giành chiến thắng 3-0 trước Philippines ở vòng bảng (không phải Bán kết hay Chung kết), Liên đoàn đã mở hầu bao, “thưởng nóng” tiền tỷ.

Cũng tại AFF Suzuki Cup 2014 ấy, chẳng biết có phải do bị chi phối do “tiền về” dồn dập hay không mà sau khi giành chiến thắng 2-1 trước Malaysia ở lượt đi, lượt về đội bóng áo đỏ có ngôi sao vàng nơi ngực trái đã thất thủ 2-4 ngay tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Bị loại với tỉ số 5-4 chung cuộc nhưng thật bất ngờ là những Nguyễn Văn Quyết, Phạm Thành Lương, Võ Huy Toàn… vẫn được VFF “an ủi” thêm 1 tỷ đồng cùng lời giải thích: Đó là tiền thưởng cho 3 điểm giành được ở lượt đi!

Quả thật, phải có trí tưởng tượng phong phú lắm thì Liên đoàn mới sáng tạo ra cách thức “thưởng” sau khi đã… bị loại như thế.

Rõ ràng VFF đầy sự thiên vị, hành xử theo kiểu “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Với bóng đá nữ, đồng tiền chỉ “đi liền” với… thành tích, mà phải là thành tích nổi bật; còn các đồng nghiệp nam nhiều khi thành tích đạt được còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu phải vào đến trận chung kết mà cố gắng lắm mới vượt qua vòng bảng) vẫn “tiền vào như nước”, thậm chí bị loại ở bán kết cũng không thiếu tiền tỷ chia nhau…

Thực tế trên đây đặt ra yêu cầu phải quan tâm, khích lệ một cách toàn diện và có chiều sâu với bóng đá nữ. Cả “trước” và “trong” thời điểm mỗi giải đấu đang diễn ra, chứ không phải “sau” khi có huy chương mới thấy bóng dáng Liên đoàn, tránh tình trạng “khi vui thì vỗ tay vào” còn khi khốn khó thì VFF mặc kệ các cô gái đá bóng tự xoay sở.

Có như vậy, mới xóa được nỗi buồn của người hâm mộ về một lối hành xử thiếu nhân văn. Một đội tuyển từng 5 lần đăng quang đấu trường ở SEA Games mà thân phận không khác “đứa con rơi của Liên đoàn”! Chẳng phải có nhà thơ từng cảm thán thế này sao(?): “Khi em tập thì huân chương chưa có/ Có gì đâu cho cổ vũ reo hò/ Khi cả nước mừng vui ngôi hậu/ Mùa xuân con gái đã bên kia”…

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]