(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mới đây, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã công khai thông tin: sẽ tổ chức một chuyến “Tây du” cho lãnh đạo các đội bóng ở V.League để học hỏi kinh nghiệm tổ chức, điều hành từ một số nền bóng đá hàng đầu thế giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi các quan chức bóng đá Việt Nam “du học”!

(VH&ĐS) Mới đây, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã công khai thông tin: sẽ tổ chức một chuyến “Tây du” cho lãnh đạo các đội bóng ở V.League để học hỏi kinh nghiệm tổ chức, điều hành từ một số nền bóng đá hàng đầu thế giới.

Để hiểu thêm về chuyến “Tây du” đang ở thì tương lai gần, thiết tưởng chúng ta nên nhắc lại chuyến “Đông du” diễn ra cách đây mới 2 năm. Ngày ấy, một loạt quan chức ở các CLB bóng đá chuyên nghiệp cũng “khăn gói quả mướp” sang xứ Phù Tang và được đích thân Chủ tịch Takeda của CLB Kawasaki Frontale - một trong những đội bóng hàng đầu xứ mặt trời mọc - chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu để một CLB có thể làm ăn sinh lời. Nào là chuyện “xã hội hóa bóng đá”, phát triển môn “thể thao vua” trong học đường rồi giữ lại 10% lợi tức hàng năm để “tái đầu tư” cho sân cỏ.

Cả những chuyện tưởng chừng rất nhỏ như thống kê tỉ mỉ số lượng vé bán ra mỗi trận đấu... Kết thúc chuyến “Đông du”, nhiều quan chức bóng đá nước nhà hồ hởi chia sẻ với truyền thông, rằng: họ rất thán phục, ngưỡng mộ và “vỡ” ra được rất nhiều điều.

Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế luôn là quãng đường rất xa. Bằng chứng là đã 2 năm, “kho kinh nghiệm” mà nhiều quan chức bóng đá đúc rút được từ xứ sở mặt trời mọc vẫn không được bất kỳ một CLB nào áp dụng ở giải chuyên nghiệp. Các đội bóng tiếp tục hoạt động tách biệt với môi trường xung quanh, không mấy khi quan tâm đến những sự kiện mang tính cộng đồng. Điều này hoàn toàn tương phản với tôn chỉ hoạt động của CLB Kawasaki Frontale: bóng đá gắn liền với cuộc sống thường nhật, đội bóng là niềm tự hào của thành phố.

(ảnh minh họa)

Chưa hết, tiền bán vé vốn được người Nhật xem là nguồn thu chính để nuôi sống CLB không có ý nghĩa gì ở Việt Nam: vé vào sân “rẻ như bèo”, nhiều đội bóng còn để khán giả xem “thả cửa” - nếu không cho xem “thả cửa” cũng giảm giá tới trên dưới 50% như trường hợp của đội bóng bên bờ sông Mã ở V.League 2016. Trong bối cảnh CLB Kawasaki Frontale chỉ “mời” duy nhất Thị trưởng đến xem và cổ vũ thì nhiều đội bóng ở xứ ta còn dành hẳn một “khu Vip” miễn phí trên khán đài cho các cán bộ từ cấp… Sở.

Không khó để tìm đáp án cho câu hỏi: Vì sao bóng đá nước nhà đi suốt 15 năm mà chưa tới đích chuyên nghiệp(?). Bởi trên đất Nhật Bản (nơi VPF tổ chức “du học” cách đây 2 năm) cũng như nước Đức (địa điểm “du học” sắp tới), các đội bóng và doanh nghiệp tồn tại theo mối quan hệ “cộng sinh”, cùng “nổi” cùng “chìm” thì ở dải đất hình chữ S, đa phần các CLB chỉ là công cụ, phương tiện trong tay các ông bầu để họ đặt điều kiện, “mặc cả” với lãnh đạo tỉnh, thành phố. Khi CLB hết giá trị lợi dụng, ông bầu sẵn sàng ký giấy khai tử hoặc “chuyển nhượng”, “bốc” toàn bộ cầu thủ, ban lãnh đạo, ban huấn luyện sang địa phương khác...

Bởi vậy, điều kiện cốt tử để những đội bóng ở ta mặc vừa “tấm áo chuyên nghiệp” chính là tư duy làm bóng đá. Không thay đổi được “chất” thì khó có thể “nâng tầm” còn nếu cứ áp mô hình chuyên nghiệp vào một đội bóng “bao cấp” thì chẳng khác gì học đòi không phải lối.

Một chuyển động dẫu ở “tương lai gần” thì ai cũng đoán được là sau đợt tham quan, học hỏi ở Đức, các quan chức bóng đá Việt Nam tiếp tục “gật gù” với những gì chứng kiến ở trời Âu (chẳng gì Đức cũng là quốc gia có thành tích sân cỏ hàng đầu thế giới). Thậm chí chưa biết chừng, sau chuyến “Tây du” một thời gian, VPF lại triển khai kế hoạch “du Nam Mỹ” để mắt thấy tai nghe những gì đã và đang diễn ra trên các sân cỏ Brazil, Argentina…

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]