(vhds.baothanhhoa.vn) - Mới đây, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF - đơn vị tổ chức giải chuyên nghiệp quốc gia) đã xác nhận: Tại V.League năm nay, Công ty chính thức “xóa sổ” Ban tổ chức và thay thế bằng Ban điều hành V.League 2018 do chính ông Tú làm Trưởng ban.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi Chủ tịch VPF kiêm trưởng Ban tổ chức VLeague

Mới đây, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF - đơn vị tổ chức giải chuyên nghiệp quốc gia) đã xác nhận: Tại V.League năm nay, Công ty chính thức “xóa sổ” Ban tổ chức và thay thế bằng Ban điều hành V.League 2018 do chính ông Tú làm Trưởng ban.

Chuyển giao quyền lực giữa ông Võ Quốc Thắng và ông Trần Anh Tú.

Trước hết phải thấy rằng, việc người đứng đầu VPF mạnh dạn “ôm” cùng lúc 3 “ghế” (trưởng Ban điều hành, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc VPF) là động thái rất dũng cảm và thể hiện sự “hết mình”. Quan trọng hơn, sự “tinh giản nhân sự” này sẽ giúp công văn, khiếu kiện từ các CLB - sẽ đến thẳng tay ông Tú thay vì phải qua vài ba “cửa” như thông lệ.

Tuy nhiên, không phải không có những ưu tư khi Chủ tịch VPF “ôm” luôn ghế trưởng Ban tổ chức V.League mà minh chứng điển hình chính là những diễn biến liên quan đến “trận cầu tai tiếng” xảy ra ở vòng 6 V.League 2017 trên sân Thống Nhất.

Như chúng ta đã biết, ở màn so tài giữa CLB Thành phố Hồ Chí Minh và Long An năm ngoái, không phục tiếng còi của trọng tài, cầu thủ Long An đã chọn cách phản ứng “xưa nay hiếm”: Đa số cầu thủ chủ động “hóa đá” trên sân cỏ, mặc đối phương muốn ghi bao nhiêu bàn tùy thích còn thủ thành Minh Nhựt không thèm cản phá phạt đền. Là người dự khán nhưng Trưởng Ban tổ chức lúc đó là ông Nguyễn Minh Ngọc không hề có bất cứ động thái nào can thiệp và không phải ngẫu nhiên mà dư luận đã lên tiếng đòi ông Ngọc phải chịu trách nhiệm.

Trước sức ép từ dư luận, ông Ngọc đã gửi đơn từ chức đến Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng. Dẫu sau đó, Chủ tịch Võ Quốc Thắng đã bác lá đơn từ nhiệm này thì qua sự việc, khán giả vẫn cảm nhận được ít nhiều sự trách nhiệm của các nhân vật có liên quan.

Giờ thì trật tự ấy không còn nữa, hay chính xác hơn là chỉ tồn tại ở góc độ hình thức. Giả dụ V.League 2018 “có biến”, Trưởng Ban điều hành Trần Anh Tú sẽ phải gánh trách nhiệm nhưng người đứng đầu tổ chức quyết án, oái oăm thay lại là ông… Trần Anh Tú. Tương tự như vậy, trong trường hợp Trưởng ban điều hành V.League 2018 (Trần Anh Tú) xử phạt một tập thể, tập thế ấy có thể gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch VPF (vẫn là ông Tú) cũng có nghĩa lá đơn kia “đi lòng vòng” tới lui rốt cuộc vẫn chỉ đến tay 1 người.

Việc một quan chức bóng đá “vừa đá bóng vừa thổi còi” như ông Tú không phải chưa có tiền lệ. Cách đây vài năm, bên cạnh Ban kỷ luật, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã lập thêm Tiểu ban kỷ luật, hoạt động trên nguyên tắc: Nếu một đội bóng không phục quyết định của Tiểu ban kỷ luật có thể khiếu kiện lên Ban kỷ luật. Nhưng cả trưởng Ban kỷ luật và Trưởng tiểu ban kỷ luật đều do ông Nguyễn Hải Hường phụ trách. Vì lẽ đó, lãnh đạo một đội bóng gửi 2 lá đơn khiếu nại cùng một nội dung nhưng sau khi biết “người nhận” chỉ là 1 đã chép miệng phàn nàn: Biết thế chỉ gửi 1 đơn để… đỡ tốn tiền tem.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cũng như VFF, cơ cấu nhân sự ở VPF (cụ thể là Ban điều hành V.League 2018) tiềm ẩn không ít bất cập ngay từ khi mới thành lập. Đáng nói hơn, trong lịch sử, V.League không ít bận “bão nổi lên rồi” mà một trong những nguyên nhân là bởi một vị quan chức bóng đá cùng lúc ngồi một lúc quá nhiều ghế!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]