Nỗi đau năm nào đã lui về quá khứ, nhưng những tiếc nuối dành cho đội hình 1993 của Zambia, một trong số những đội hình xuất sắc nhất của quốc gia này, thì vẫn còn đó.

Có thể nói, đây là đội hình đem lại nhiều niềm tin nhất cho Zambia, thậm chí, đã có lúc, người Zambia cho rằng nhờ đội hình này, họ có thể tiến vào VCK World Cup 1994, đồng thời, nâng cao danh hiệu AFCON 1994, giải đấu mà chỉ 2 ngày trước họ tham dự vòng loại ở đảo Mauritius, nơi họ đã có chiến thắng 3-0 trước đội chủ nhà. Ở trận đấu đó, Kelvin Mutale, tiền đạo sáng giá nhất của nền bóng đá Zambia những năm 90, đã ghi được cú hat-trick vào lưới Mauritius.

Kalusha Bwayla, một trong số những thành viên "trễ hẹn" với đội tuyển quê nhà ở thời điểm đó, đã quyết định lên máy bay để họp đội ở trận tiếp theo, trận đấu thuộc vòng loại World Cup 1994 khu vực Châu Phi gặp Senegal được tổ chức ở Dakar.

Thế rồi, thảm họa xảy ra.

Ngày hôm đó, cả đội quyết định di chuyển bằng chiếc máy bay DHC-SD Buffalo hai động cơ dạng quân sự do hãng De Haviland sản xuất để đến Senegal. Để đến được Senegal, một quốc gia ở Tây Phi, họ sẽ dừng lại ở Congo, Gabon và Bờ Biển Ngà.

Sau khi dừng lại ở Libreville, thủ đô của Gabon, điểm dừng thứ hai trong chuyến hành trình dài kỳ, máy bay của họ rời khỏi sân bay quốc tế Leon-Mba. Nhưng chỉ hai phút sau, chiếc máy bay xấu số này đã rơi xuống một địa điểm cách bờ biển 2km, khiến 5 thành viên trong phi hành đoàn cùng 25 hành khách tử nạn. Theo các báo cáo của vụ tai nạn được công bố vào năm 2003, nguyên nhân của vụ rơi máy bay này xuất phát từ việc động cơ bên phải của máy bay bị bốc cháy, nhưng vì một nhầm lẫn, phi công lại tắt động cơ trái khiến chiếc máy bay xấu số rơi thẳng xuống Đại Tây Dương

Gabon sau đó đã điều động quân đội đi tìm thi thể các nạn nhân xấu số. Tuy nhiên, chỉ có 24 trong số 30 thi thể được tìm thấy và chỉ có 13 thi thể trong số đó được nhận dạng thành công bởi Patrick Kangwa, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Zambia, người phải làm nhiệm vụ đau lòng này sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra.

Sau vụ tai nạn thảm khốc, Tổng thống Frederick Chiluba, khi đó đang thực hiện một chuyến thăm ngoại giao tới Uganda, đã tuyên bố một tuần quốc tang dành cho các nạn nhân xấu số. Các nạn nhân được an táng ở khu vực "Quảng trường Anh hùng" (Heroes Acre-ND) gần với SVĐ Độc lập ở thủ đô Lusaka. Tuy nhiên, mãi đến tháng 5 năm 2002, gia đình các nạn nhân xấu số mới nhận được số tiền bồi thường lên tới 4 triệu USD sau một cuộc chiến pháp lý dai dẳng và mệt mỏi.

Bwalya là 1 trong số 4 thành viên của đội tuyển Zambia thi đấu ở Châu Âu thời điểm đó bên cạnh Charles Musonda, bố của cựu tiền vệ công Chelsea, Charly Musonda, Johnson Bywwala (không phải anh em ruột), và Bennett Mulwanda Simfuke. Vì vậy, theo kế hoạch, 4 thành viên này sẽ tự mình đến Senegal.

Theo Bwalya hồi tưởng, sáng ngày hôm đó, ông đang thực hiện một vài bài tập chạy ở trung tâm huấn luyện PSV Eindhoven thì nhận được cuộc gọi từ thủ quỹ của LĐBĐ Zambia. Ông chia sẻ với The Athletic: "Ông ấy nói với tôi: "Ngày mai cậu phải hoãn chuyến bay ngay". Tôi hỏi lại ông ấy: "Vì sao vậy"?  Thế rồi, ông ấy nói: "Vì có một vụ tai nạn máy bay vừa xảy ra, vụ tai nạn đó đã gây ra thương vong".

Ngay sau khi nhận được tin, ông đã bật ti vi theo dõi bản tin của BBC về vụ tai nạn của các đồng đội mình ở Gabon. "Lúc đó, đầu óc tôi trống rỗng. Tôi tự nhủ chắc có nhầm lẫn gì đó. Cả ngày hôm đó, tôi không thể chấp nhận nổi sự thật ấy".

Vào ngày thứ 6 sau đó, Bwalya đã đáp chuyến bay đến Zambia với điểm dừng ở Anh. Ông chia sẻ: "Khi chúng tôi rời khỏi London, phi công trao đổi với tôi rằng tôi nên ngồi ở phía trước máy bay để có thể thấy rõ cảnh cất cánh và hạ cánh, một phần vì anh ấy nghĩ rằng tôi sẽ cảm thấy lo lắng khi bay. Khi chúng tôi hạ cánh xuống Zambia, gặp ai tôi cũng thấy họ khóc. Vào ngày thứ 7, có một máy bay được cử đến Gabon để thu nhặt thi thể 30 người tử nạn. Khi máy bay hạ cánh, đó là lúc tôi nhận ra tôi sẽ chẳng thể gặp lại đồng đội của mình nữa".

Musonda khi đó cũng đang thi đấu ở Châu Âu trong màu áo CLB Anderlecht của giải VĐQG Bỉ. Thời điểm ấy ông rất muốn thi đấu ở trận vòng loại World Cup gặp Senegal. Tuy nhiên, vì những chấn thương ở đầu gối phải mà ông đã không thể đến Senegal cùng các đồng đội.

Con trai của ông, Charles Musonda Junior, chia sẻ lại cảm xúc của bố mình khi đó: "Bố tôi cảm thấy bực bội vì không thể thi đấu cho ĐTQG. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, thảm kịch đã xảy ra. Nếu bố tôi cùng các đồng đội lên máy bay ngày hôm đó, có lẽ tôi đã không ngồi đây rồi".

Martin Mwamba, lựa chọn thứ 3 ở vị trí thủ môn của Zambia, cũng được lựa chọn cho trận đấu gặp Mauritius, nhưng ở trận gặp Senegal, ông lại bị loại khỏi đội hình. Ngay sau khi dùng bữa cùng các đồng đội, ông đã tiễn họ ra sân bay để thực hiện cuộc hành trình đến quốc gia ở Tây Bắc Phi.

Sau khi vợ ông chia sẻ tin, cả gia đình Mwambay chìm đắm trong đau khổ. Thậm chí, họ cho rằng ông đã qua đời. Ông kể lại: "Lúc tôi bật radio lên, thông tin đã được lan truyền đi khắp nơi. Lúc đó tôi sốc lắm. Phải đến 2 tháng sau, tôi mới hồi phục từ cú sốc này".

David "Efford" Chabala, lựa chọn số một của vị trí thủ môn đội tuyển Zambia, lại không được may mắn như thế. Đáng buồn hơn, ông ra đi khi chưa kịp nhìn mặt cặp sinh đôi mới chào đời của mình.

Một trong số hai người con trai của ông, Freeman, cũng là cầu thủ chuyên nghiệp như cha mình, mới tròn 7 tuổi khi cha tử nạn. Chia sẻ với FIFA, anh cho biết phải mất một thời gian, anh mới có thể quên đi nỗi đau này: "Khi tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra, người ta chỉ nói với tôi: "Bố con sẽ không bao giờ trở về". Mãi sau này, tôi vẫn tự hỏi tại sao bố không quay về. Và phải mất một thời gian sau, tôi mới có thể chấp nhận sự thật này".

Những gì xảy ra vào tháng 4 năm 1993 đã để lại một nỗi đau quá lớn trong lòng người hâm mộ bóng đá Zambia. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, nền bóng đá này đã vực dậy từ nỗi đau.

"Lúc trở lại Zambia để dự lễ tang, tôi không dám tin vào chuyện Zambia sẽ trở lại một cách mạnh mẽ, bởi lẽ, chúng tôi vừa mất đi một "thế hệ vàng" của nền bóng đá Zambia. Vì vậy, sẽ rất khó để chúng tôi hồi phục lại sau thảm kịch này", Bwalya chia sẻ. "Nhưng nhờ vào HLV Roald Poulsen cùng trợ lý của ông ấy là Ian Porterfield, cùng với đó là rất nhiều sự hỗ trợ khác, chúng tôi đã có thể vươn mình từ đống tro tàn".

Để thực hiện kế hoạch này, các cầu thủ còn lại đã họp mặt trong vòng 6 tuần ở trung tâm huấn luyện tọa lạc ở thủ đô Đan Mạch dưới sự chỉ dẫn của Poulsen, một HLV 44 tuổi người Đan Mạch mới chỉ giành được danh hiệu VĐQG Đan Mạch cùng CLB Odense cách đó 5 năm.

Trước khi thi đấu ở trận vòng loại World Cup 1994 khu vực Châu Phi gặp Ma-rốc, ĐT Zambia quyết định thực hiện một vài trận đấu tập huấn với các CLB thuộc mọi cấp độ của bóng đá Đan Mạch để tìm lại cảm giác chơi bóng.

Poulsen, người được giao trọng trách huấn luyện các cầu thủ Zambia thời điểm đó, chia sẻ với The Athletic: "Ba tuần sau khi thảm kịch xảy ra, tôi nhận được một cuộc gọi từ Bộ Ngoại giao và LĐBĐ bóng đá Đan Mạch. Họ đề nghị tôi giúp họ một công việc huấn luyện trong vòng 6 tuần ở Đan Mạch. Ngay khi nhận được công việc, tôi sớm nhận ra đây sẽ là một nhiệm vụ đầy khó khăn".

Bwalya cũng được Tổng thống Chiluba thuyết phục gia nhập đội hình mới. Ông chia sẻ: "Tổng thống gọi cho tôi rồi nói: "Đội trưởng à, chúng ta phải vượt qua nỗi đau này, nếu không, những anh hùng đã tử nạn của chúng ta sẽ ra đi một cách vô ích. Nền bóng đá của chúng ta không thể đau buồn mãi như thế được. Cậu phải ở bên họ để tạo nên nguồn cảm hứng. Nếu mọi người gặp được cậu, chắc chắn họ sẽ có được nguồn động lực mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau". Tôi đã trả lời ông ấy: "Tôi sẽ cố gắng hết sức".

Hơn hai tháng sau thảm kịch, vào ngày 4 tháng 7, đội hình Zambia mới đã đánh bại Ma-rốc với tỷ số 2-1 ở thủ đô Lusaka. Bwalya là người ghi bàn từ một tình huống đá phạt. Khi trận đấu kết thúc, HLV Poulsen đã chia sẻ với báo giới: "Đây là trận đấu giàu cảm xúc nhất mà tôi từng tham dự".

Tuy nhiên, sau một trận hòa và 1 trận thắng ở hai lượt đấu trước Senegal, Zambia đã phải nói lời chia tay với World Cup 1994 khi để thua 1-0 ở trận đấu lượt về vòng loại cuối cùng gặp Ma-rốc vào tháng 10 năm 1993.

Nhưng sau đó một năm, bóng đá Zambia đã được hưởng trái ngọt khi ĐTQG nước này lọt vào trận chung kết AFCON 1994 dưới thời HLV Porterfield.

Ở trận đấu đó, Zambia có được bàn thắng dẫn trước, nhưng rồi họ lại để thua đối thủ Nigeria với tỷ số 2-1 vì cú đúp của Emmanuel Amunike. Ngay sau đó, Porterfield đã được trao "Huân chương tự do Zambia" vì những đóng góp của ông cho nền bóng đá.

Hồi tưởng lại trận đấu, Bwalya chia sẻ: "Thật khó miêu tả cảm xúc của tôi khi không còn nhìn thấy những người đã gắn bó với mình 10 năm nay. Dù vậy, tôi vẫn biết ơn các cầu thủ đã cố gắng thi đấu hết mình vì những người đã nằm xuống".

Ở cuối buổi phỏng vấn, Charles Musonda đã thể hiện niềm tin của mình vào đội bóng quê hương trong lần trở lại của Zambia ở AFCON 2023. Ông nói: "Tôi tin rằng tập thể hiện tại sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ trong khu vực và đem lại niềm tự hào cho Zambia".

Nội dung: KDNX

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền