(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau thất bại 0-2 trước Sông Lam Nghệ An tại vòng 12 V-League 2020 diễn ra cách đây vài ngày, Ban lãnh đạo đội bóng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có một quyết sách rất táo bạo: Điều chuyển huấn luyện viên (HLV) trưởng Lee Tae Hoon sang vị trí Giám đốc kỹ thuật, đồng thời chỉ định hai HLV Nguyễn Văn Đàn và Dương Minh Ninh cùng lúc tiếp nhận vị trí này. Nói cách khác, HAGL hiện là tập thể chính thức cùng có hai nhân vật đồng cấp trên băng ghế chỉ đạo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Song kiếm hợp bích” trên băng ghế huấn luyện

Sau thất bại 0-2 trước Sông Lam Nghệ An tại vòng 12 V-League 2020 diễn ra cách đây vài ngày, Ban lãnh đạo đội bóng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có một quyết sách rất táo bạo: Điều chuyển huấn luyện viên (HLV) trưởng Lee Tae Hoon sang vị trí Giám đốc kỹ thuật, đồng thời chỉ định hai HLV Nguyễn Văn Đàn và Dương Minh Ninh cùng lúc tiếp nhận vị trí này. Nói cách khác, HAGL hiện là tập thể chính thức cùng có hai nhân vật đồng cấp trên băng ghế chỉ đạo.

Sở dĩ nói như vậy là bởi trước HAGL chừng hơn nửa thập kỷ, hậu trường đội bóng bên bờ sông Mã cũng từng xuất hiện một “Hội đồng chuyên môn” với chức năng tương tự. Cụ thể là khi V.League 2014 chỉ còn vài vòng đấu nữa sẽ hạ màn, HLV Mai Đức Chung đột ngột nói lời chia tay CLB Bóng đá Thanh Hóa. Ban đầu “kẻ đóng thế” được chỉ định là trợ lý Ngô Văn Hòa. Nhưng do ông Hòa chưa có đủ bằng cấp theo quy định của VFF nên “tướng trẻ” Hoàng Thanh Tùng được lựa chọn “đứng mũi chịu sào”. Giúp việc cho Hoàng Thanh Tùng lúc bấy giờ là một “hội đồng cố vấn”, khá đông đảo, gồm: Trợ lý Ngô Văn Hòa, tiền vệ đội trưởng Nastja Ceh, thủ thành Tô Vĩnh Lợi, hậu vệ Van Bakel, trung vệ Lê Đức Tuấn.

Mùa bóng 2015, Hoàng Thanh Tùng tiếp tục được lãnh đạo CLB Bóng đá Thanh Hóa chọn làm người “đóng thế” sau sự kiện HLV Vũ Quang Bảo “tham vàng bỏ ngãi”, đào tẩu vào Cần Thơ. Và cũng như V.League 2014, vị tướng trẻ sinh năm 1981 một lần nữa được ông Nguyễn Văn Đệ dựng lên và phía sau Hoàng Thanh Tùng, vẫn là một “Hội đồng chiến thuật” bao gồm các trợ lý, đội trưởng, đội phó CLB. Vai trò, chức năng của “Hội đồng chuyên môn”, “Hội đồng chiến thuật” này là gì thì chắc bạn đọc cũng dễ dàng hình dung ra được. Đại để là 4-5 thành viên Hội đồng sẽ tham mưu cho HLV trưởng về nhân sự, quyết sách trong mỗi trận đấu.

Tác dụng của Hội đồng ra sao, thực sự có tác dụng hay sự xuất hiện của nó chỉ làm công tác chuyên môn thêm rắc rối, phức tạp?... Điều này chẳng ai dám chắc, nhưng có một thực tế là mùa giải 2014, CLB Thanh Hóa bất ngờ cán đích ở vị trí thứ 3 và giành tấm Huy chương Đồng lịch sử. Vì lẽ đó, dù có không ít lăn tăn về thực trạng “lắm thầy thối ma” nhưng các chuyên gia bóng đá nước nhà vẫn khá dè dặt khi luận bàn, đánh giá về sự kiện này.

Ở khía cạnh khác, cần phải thấy rằng, bất kỳ một nhà cầm quân nào, khi chính thức cầm sa bàn chỉ đạo đều có một ê kíp song hành (có thể là HLV thủ môn, trợ lý thể lực, bác sĩ...) mà mắt xích quan trọng trong ê kíp ấy chính là một trợ lý về chuyên môn. Ngày còn “nam chinh bắc chiến”, cựu HLV Lê Thụy Hải lập nghiệp tại đội bóng nào cũng yêu cầu lãnh đạo phải đồng thời ký hợp đồng với trợ lý Nghiêm Xuân Mạnh. Thậm chí, ngay cả đương kim HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Park Hang Seo cũng từng có khoảng thời gian không ngắn trợ giúp chuyên môn cho chiến lược gia lừng danh GuusHiddink tại kỳ World Cup 2002 diễn ra cách đây 18 năm trên đất Hàn. Dẫu vậy, “áo không thể mặc quá đầu”, trợ lý - trong bất cứ trường hợp nào cũng không phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu thành tích đội nhà bất xứng kỳ vọng.

Trở lại câu chuyện trên băng ghế chỉ đạo của HAGL. Quyết định của Chủ tịch đội bóng (ông Đoàn Nguyên Đức) ghi rất rõ: Nguyễn Văn Đàn và Dương Minh Ninh là “đồng HLV trưởng”, tức mối quan hệ công việc giữa hai chiến lược gia này không mang ý nghĩa “kép chính” - “kép phụ”; cũng chẳng phải mô hình “Hội đồng chuyên môn” (2 thành viên) như của đội bóng xứ Thanh. Nói cách khác, về lý thuyết, ông Đàn và ông Ninh hoàn toàn ngang cấp. Giữa họ là sự “trao đổi”, “bàn bạc” và “thống nhất” chứ không có chuyện “chỉ đạo”, “chấp hành”.

Cần nói thêm là làng bóng thế giới đã có không ít chuyển động cùng tính chất. Chẳng hạn như CLB Middlebrough (Anh), mùa giải 2000 - 2001, lãnh đạo đã chỉ định hai HLV: Venables và Bryan Robson cùng ngồi ghế huấn luyện. Tại CLB Leverkusen (Đức) là hai gương mặt: Sami Hyypia và Sascha Lewandowski (mùa 2012-2013). Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cả Thụy Điển (từ 2000-2004) lẫn Iceland cũng từng được đồng thời hai HLV dẫn dắt. Dĩ nhiên là trong số các trường hợp này, có thành công nhưng cũng có thất bại nên không thể khẳng định sự song hành trên băng ghế chỉ đạo là “đột phá” hay “bế tắc”, “sáng kiến” hay “tối kiến”... Chỉ biết đó là một quyết sách rất táo bạo và lạ lẫm ở V.League.

Hiệu quả của quyết sách này ra sao thì chỉ thời gian mới cho câu trả lời thuyết phục!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]