(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn một năm trước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phụ trách mảng tài chính, tài trợ là ông Cấn Văn Nghĩa - vì nhiều lý do đã nộp đơn từ chức. Ở thời điểm hiện tại, việc tìm kiếm ứng viên tiếp quản chiếc ghế mà ông Nghĩa để lại được xem là công việc rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, rất nhiều nội dung như đào tạo, tập huấn, thi đấu... đều cần nguồn tài chính lớn để chi tiêu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm chủ nhân cho vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF

Hơn một năm trước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phụ trách mảng tài chính, tài trợ là ông Cấn Văn Nghĩa - vì nhiều lý do đã nộp đơn từ chức. Ở thời điểm hiện tại, việc tìm kiếm ứng viên tiếp quản chiếc ghế mà ông Nghĩa để lại được xem là công việc rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, rất nhiều nội dung như đào tạo, tập huấn, thi đấu... đều cần nguồn tài chính lớn để chi tiêu.

Phải khẳng định ngay rằng, trên lý thuyết, vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách mảng tài chính phải tham gia và có đóng góp cho chiến lược phát triển bóng đá nước nhà; xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn tài chính hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của Phó Chủ tịch tài chính chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là “kiếm tiền” cho Liên đoàn. Chẳng phải trong ngày đắc cử Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII (2014 - 2018), ông Lê Hùng Dũng đã đăng đàn, hứa với người hâm mộ: Trong 4 năm, ông sẽ mang về 380 tỷ đồng sao? Triết lý ấy cũng được chính cựu Phó Chủ tịch tài chính Cấn Văn Nghĩa thấm nhuần nên sau khi nộp đơn từ chức, ông Nghĩa không ngừng nhấn mạnh, đại ý: Dù thời gian công tác chưa nhiều nhưng đã kịp kiếm cho Liên đoàn 138 tỷ đồng.

Ở một chuyển động khác, trong suốt nhiệm kỳ VII, số tiền tài trợ cho VFF dẫu chỉ đạt 247 tỷ nhưng vẫn là kỷ lục lúc bấy giờ. Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ Liên đoàn có bước nhảy vọt về tài chính, tài trợ bởi ông Lê Hùng Dũng vốn là doanh nhân trong ngành tài chính - ngân hàng, có rất nhiều mối quan hệ trên thương trường. Ngoài ra, trợ thủ đắc lực của ông Dũng cũng là một doanh nhân “khét tiếng” khác: Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức.

Sự ăn ý của hai quan chức Liên đoàn và đặc biệt là hiệu quả kêu gọi tài trợ trong nhiệm kỳ VII khiến trước Đại hội VFF lần thứ VIII (2018 - 2022), làng bóng nước nhà đã dấy lên quan điểm: Cần trao ghế Phó Chủ tịch VFF phụ trách mảng tài chính cho các doanh nhân. Tán thành nhận định này, một số ông bầu đã mạnh dạn tiến cử để rồi trong số các ứng cử viên năm ấy, người hâm mộ thấy 2 gương mặt “lạ hoắc” với sân cỏ nhưng đều có tiếng tăm trên thương trường là Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam Nguyễn Hoài Nam và Tổng Giám đốc Vinacacao Trần Văn Liêng. Ấy thế nhưng, ngay sau khi được đề cử, 2 doanh nhân này đã lấy lý do quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ VIII còn quá ít để rút lui. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam Trần Anh Tú cũng khẳng định không tham gia tranh cử.

Theo nhận định của các chuyên gia, vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách mảng tài chính chỉ còn là cuộc đua “tam mã” giữa Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh kiêm Trưởng ban Bóng đá nữ VFF Phạm Thanh Hùng; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Động Lực Lê Văn Thành và đương kim Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn - ba ứng cử viên nhưng thực chất lại là những gương mặt “rất cũ” của làng cầu quốc nội.

Quan trọng hơn, theo quan điểm của không ít người hâm mộ: Không cần biết Phó Chủ tịch VFF phụ trách mảng tài chính là “người cũ” hay “người mới”, là doanh nhân hay quan chức Liên đoàn... miễn sao lo đủ “cơm áo gạo tiền” cho VFF thì sẽ được khán giả cả nước ủng hộ!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]