(vhds.baothanhhoa.vn) - Những chuyển động bóng đá ở phố biển Nha Trang mới đây cho thấy, rất có thể Sanest - nhà tài trợ chính của đội bóng hạng Nhất S. Khánh Hòa BVN sẽ rút khỏi vai trò bảo trợ, trả đội bóng lại cho ngành văn hóa - thể thao địa phương. Sự kiện tưởng chỉ là “chuyện nội bộ” của người Khánh Hòa nhưng không loại trừ khả năng, đó sẽ là “ngòi dẫn” cho việc hàng loạt doanh nghiệp tiếp theo “tháo chạy” khỏi sân cỏ, nhất là trong bối cảnh sân cỏ cả nước đang “đóng băng” và chưa hẹn ngày tái khởi động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ chuyện làm bóng đá nơi phố biển, ngẫm về mối quan hệ doanh nghiệp - sân cỏ ở V.League

Những chuyển động bóng đá ở phố biển Nha Trang mới đây cho thấy, rất có thể Sanest - nhà tài trợ chính của đội bóng hạng Nhất S. Khánh Hòa BVN sẽ rút khỏi vai trò bảo trợ, trả đội bóng lại cho ngành văn hóa - thể thao địa phương. Sự kiện tưởng chỉ là “chuyện nội bộ” của người Khánh Hòa nhưng không loại trừ khả năng, đó sẽ là “ngòi dẫn” cho việc hàng loạt doanh nghiệp tiếp theo “tháo chạy” khỏi sân cỏ, nhất là trong bối cảnh sân cỏ cả nước đang “đóng băng” và chưa hẹn ngày tái khởi động.

Trao đổi với báo giới, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, đại ý: Giữa thời buổi “thóc cao gạo kém” như hiện tại, việc họ “oằn lưng” gánh đội bóng đã là một nỗ lực phi thường. Song điều đáng nói là sau chuỗi 6 trận bất bại kể từ đầu mùa giải 2020, vài ba vòng đấu trở lại đây, đội hạng Nhất Khánh Hòa đã và đang “sinh biến” về tư tưởng. “Thái độ thi đấu của cầu thủ không nghiêm túc, nên chúng tôi phải xem xét lại”!

Trước hết, cần phải thấy rằng, ở xứ ta, việc “nuôi” một đội bóng, dù thi đấu ở giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia hay hạng Nhất đều không hề đơn giản. Chẳng thế mà trong quá khứ, vô số doanh nghiệp đã tỏ ra rất am hiểu triết lý “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” (trong 36 kế, cao chạy xa bay là hơn cả) của người xưa, đủ thấy bóng đá đã trở thành gánh nặng với họ như thế nào. Bởi vậy, nếu nhà tài trợ của bóng đá Khánh Hòa “quyết lời dứt áo ra đi” (chuyện này nhiều khả năng thành hiện thực) là điều hoàn toàn có thể hiểu được, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang “treo lưỡi hái tử thần” trên đầu vô số các doanh nghiệp, lớn cũng như bé.

Theo dòng lịch sử V.League, chuyện một doanh nghiệp tháo chạy khỏi môn thể thao vua không phải là hiếm. Trong quá khứ, người hâm mộ cả nước đã từng chứng kiến sự “đoạn tình” của các ông bầu Hoàng Mạnh Trường (với The Vissai Ninh Bình), Nguyễn Đức Thụy (với Sài Gòn FC) hơn nửa thập kỷ trước. Điều này không khó lý giải. Ai cũng biết hiện tại không một câu lạc bộ (CLB) bóng đá nào ở ta có thể “lấy bóng đá nuôi bóng đá” và thành tích của những nhà cựu vô địch đa số đều do... hầu bao của các ông bầu quyết định: họ thưởng nhiều thì đội thắng lớn, còn thưởng ít và thiếu quan tâm thì thành tích kia sẽ nhanh chóng thụt lùi?

Ở góc độ khác, những diễn biến ở sân cỏ trong nước đã chứng minh, nhiều ông bầu khi đến với bóng đá thường tuyên ngôn về một “tình yêu thể thao” vô bờ bến nhưng thực tế cho thấy “tình yêu” của họ thường có những điều kiện đi kèm. Có ai đầu tư hàng chục tỷ đồng một mùa bóng để rồi không thu về các quyền lợi vật chất tương ứng không? Do kỳ vọng nắm một đội bóng sẽ đồng thời có được cây đũa thần trong quá trình làm ăn, phát triển thương hiệu tại các địa phương nên “ai đó” đã không tiếc tiền của đầu tư và khi “vỡ mộng” họ không ngần ngại... tẩu vi thượng sách.

Tuy nhiên, trước khi nói “lời người ra đi”, các ông bầu đều có đủ sự khôn ngoan để lái vấn đề về chuyên môn. Bầu Trường vin vào cớ cầu thủ bán độ để khai tử đội bóng cố đô Hoa Lư. Bầu Thụy và ngay cả ông Trịnh Văn Quyết của bóng đá Thanh Hóa 2 mùa giải trước có chung tâm tư: các ông thấy bất lực trước việc “một ông bầu nhiều đội bóng” (ám chỉ việc ông Đỗ Quang Hiển tài trợ một lúc 4-5 CLB) để rút khỏi ghế Chủ tịch.

Nguồn cơn của mọi rắc rối chính là ở điểm này. Hầu như các doanh nghiệp trước khi nói lời chia tay sân cỏ đều để lại những nghi vấn hết sức nặng nề. Bên cạnh những nguyên nhân như: Gánh nặng kinh tế, thành tích bất xứng kỳ vọng… họ không quên “bồi” thêm một “đòn” thuộc phạm trù “đạo đức bóng đá”, khiến sân cỏ trong nước, vốn đã không thực sự sáng sủa lại đậm thêm bởi những gam màu tối.

Có thể khẳng định, những “điểm đen”, “tì vết” của sân cỏ quốc nội là không thể chối cãi. Song qua đó cũng thấy rằng, sự ràng buộc giữa các ông bầu với CLB nhìn chung rất lỏng lẻo. Họ đến với bóng đá rất ngẫu hứng, và chia tay cũng rất tùy tiện, nhiều trường hợp còn “đem con bỏ chợ”. Gần như không có cái gọi là “trách nhiệm đến cùng”.

Bất luận câu chuyện của bóng đá Khánh Hòa khép lại ra sao thì thái độ của doanh nghiệp Sanest vẫn là bài học quan trọng cho các đội bóng, nhất là những CLB đang phải “thở” bằng ngân sách, phần lớn của địa phương.

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]