(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Như truyền thông nước nhà đã thống kê, U20 Việt Nam là đội bóng thứ tư ở “vùng trũng” Đông Nam Á góp mặt tại Vòng chung kết Bóng đá U20 thế giới. 3 quốc gia “đi trước” chúng ta lần lượt là U20 Indonesia (năm 1979), U20 Malaysia (năm 1997) và cách đây 2 năm, U20 Myanmar cũng gây tiếng vang bằng tấm vé tham dự World Cup 2015.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vòng chung kết bóng đá U20 thế giới: ‘Vấn đề’ của đội tuyển U20 Việt Nam

(VH&ĐS) Như truyền thông nước nhà đã thống kê, U20 Việt Nam là đội bóng thứ tư ở “vùng trũng” Đông Nam Á góp mặt tại Vòng chung kết Bóng đá U20 thế giới. 3 quốc gia “đi trước” chúng ta lần lượt là U20 Indonesia (năm 1979), U20 Malaysia (năm 1997) và cách đây 2 năm, U20 Myanmar cũng gây tiếng vang bằng tấm vé tham dự World Cup 2015.

Mặc dù “đi trước” nhưng cả 3 nền bóng đá nói trên đều “về sau” mà biểu hiện rõ nhất là thành tích thi đấu tệ hại (thua 3/3) ở vòng đấu bảng. Trong đó, đáng kể nhất là trận thua “vỡ mặt” của các cầu thủ xứ Vạn đảo: tới 5 bàn không gỡ trước U20 Argentina của huyền thoại Diego Maradona.

Bởi vậy, với 1 điểm giành được trước U20 New Zealand ở trận đấu ra quân vừa diễn ra tối 22/5, có thể nói, sân chơi danh giá nhất hành tinh dành cho lứa tuổi dưới 20 đang diễn ra tại Hàn Quốc chính là cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam nói riêng, nền bóng đá khu vực nói chung.

Có thể nói, chỉ với 90 phút ra quân nhưng với những gì đã thể hiện qua lối chơi, ý thức tổ chức - kỷ luật, U20 Việt Nam từ chỗ được nhìn nhận là “kẻ lót đường” đã nhận được sự tôn trọng cần thiết của các đối thủ còn lại. Và quan trọng hơn, chúng tôi tin là nếu tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư cần thiết cùng một chiến lược đào tạo đúng đắn, bài bản thì chuyện bóng đá Việt Nam “sánh vai” với các đối thủ đẳng cấp châu lục chắc chắn không phải là mơ ước hão huyền.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện ở… thì tương lai. Còn hiện tại, có lẽ không còn quá sớm để các nhà quản lý tìm hướng phát triển cho các cầu thủ trẻ. Lịch sử sân cỏ nước nhà đã chứng minh. Trước lứa học trò của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, một “thế hệ vàng” khác của bóng đá Việt Nam từng tỏa sáng và gây xôn xao châu lục: Đội U16 Việt Nam năm 2000 mà tên tuổi sáng nhất chính là tiền đạo Phạm Văn Quyến. Sau lứa U16 năm ấy chúng ta còn có 1 đội U23 rất tài năng năm 2005 với những: Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Hải Lâm, Bật Hiếu, Văn Trương, Phước Vĩnh…

Song, cũng như các lĩnh vực khoa học, giáo dục… câu chuyện “thần đồng chết yểu” là nỗi đau không của riêng ai. Nếu như bóng đá thế giới đã ngậm ngùi với những “cái chết trẻ” trong sự nghiệp của Stefano Fiore - thần đồng sân cỏ của bóng đá Ý cuối thế kỷ XX hay Freddy Adu - “tiểu Pele” người Mỹ gốc Ghana những năm 2007-2008 thì ở Việt Nam, sau scandal dàn xếp tỉ số động trời cách đây hơn 1 thập kỷ (năm 2005 trên đất Philippines), hàng loạt “thần đồng sân cỏ đất Việt” kẻ trước người bị treo giò dài hạn, thậm chí có kẻ vào… nhà đá (Quốc Vượng). Một vài cầu thủ khác may mắn không “dính chàm” thì cứ mãi không chịu… lớn.

Nhìn nhận một cách khách quan thì Văn Quyến, Quốc Vượng cùng “đồng bọn” phải chịu trách nhiệm chính khi tự tay đóng cánh cửa sự nghiệp nhưng không thể không nhắc đến trách nhiệm “liên đới” của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng như các CLB chủ quản. Người hâm mộ tiếc cho “thế hệ vàng” ngày nào đã không đủ bản lĩnh khi sớm được bao bọc bởi hào quang và vô số lời tán dương, khen ngợi nhưng không thể không buông tiếng “giá như”: Giá như Liên đoàn sớm có tầm nhìn chiến lược trong “đào tạo” và xa hơn là “định hướng phát triển” thì biết đâu câu chuyện buồn năm ấy đã không xảy ra.

“Giấc mơ hoa” của đội tuyển U20 rồi sẽ kết thúc. Tuy thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã có điểm nhưng “đá xong xuôi tất cả lại về” và “về” rồi sẽ “làm gì” để không đi vào “vết xe đổ” của lứa đàn anh lại là câu hỏi không dễ trả lời!

Đấy mới là “vấn đề” của đội bóng đá U20 Việt Nam hiện nay!

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]