(vhds.baothanhhoa.vn) - 56 năm tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn là người chiến sỹ bình thường đến lúc trở thành một vị tướng, một Tổng Bí thư, ông đã cống hiến góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, lãnh đạo quân đội, xây dựng, lãnh đạo Đảng và đất nước ta ngày càng vững mạnh tiến lên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bác Lê Khả Phiêu - một vị tướng, một Tổng Bí thư Đảng luôn gần dân, được dân quý mến

56 năm tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn là người chiến sỹ bình thường đến lúc trở thành một vị tướng, một Tổng Bí thư, ông đã cống hiến góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, lãnh đạo quân đội, xây dựng, lãnh đạo Đảng và đất nước ta ngày càng vững mạnh tiến lên.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Sinh và lớn lên tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, một vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Năm 1945 ông tham gia phong trào Việt Minh tại quê nhà, được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương năm 1949. Năm 1950 ông gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam. Do có nhiều cố gắng trong học tập, rèn luyện và chiến đấu, anh bộ đội Cụ Hồ Lê Khả Phiêu nhanh chóng được đề bạt giữ nhiều chức vụ lãnh đạo từ cấp đại đội đến tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, quân khu, lần lượt được phong quân hàm thượng tá, đại tá, thiếu tướng. Năm 1984 ông được giao giữ chức vụ Phó tư lệnh kiêm chủ nhiệm chính trị, làm Phó Bí thư Ban cán sự đảng bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Năm 1988 sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường nước bạn ông được điều động làm Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân với quân hàm Trung tướng. Năm 1992 ông được thăng quân hàm Thượng tướng. Ngày 26/12/1997, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) ông được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến tháng 4/2001. Ông cũng được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội 2 khóa IX và X.

56 năm tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn là người chiến sỹ bình thường đến lúc trở thành một vị tướng, một Tổng Bí thư, ông đã cống hiến góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, lãnh đạo quân đội, xây dựng, lãnh đạo Đảng và đất nước ta ngày càng vững mạnh tiến lên.

Đặc điểm nổi bật ở ông là người chiến sỹ, người cán bộ rất mực trung thành với Đảng, có bản lĩnh, có ý chí và tinh thần chiến đấu cao, luôn gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân, được dân quý trọng, yêu mến. Từ lúc chuyển về làm công tác Đảng, nhất là trong những năm giữ trọng trách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông đã hết sức quan tâm vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống tệ quan liêu, tham những, lãng phí, đảm bảo làm trong sạch vững mạnh tổ chức Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Trong 1 lần vào thăm quê Bác, chúng tôi thật xúc động khi được thấy bút tích của ông ghi trong sổ lưu niệm tại khu di tích: “cháu và các đồng chí trong Bộ chính trị, trong Trung ương, trong Chính phủ nguyện là người học trò nhỏ của bác, quyết tâm cùng cả nước đi tiếp con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn: Độc lập, dân tộc, chủ nghĩa xã hội, nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh”.

Tháng 5/1999 trong dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị cán bộ cả nước để triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng chỉnh đốn Đảng và cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng do chính ông cùng Bộ Chính trị khởi xướng, ông đã phát biểu: “Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đã đánh giá thành tựu lớn, những khuyết điểm, nhược điểm vẫn còn nhiều. Một bộ phận cán bộ đảng viên từ Trung ương đến cơ sở trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới còn biểu hiện thiếu vững vàng về quan điểm chính trị, tư tưởng, thậm chí thoái hóa biến chất, đánh mất phẩm chất của người cộng sản, làm mất lòng tin với dân. Hiện tượng tham ô, tham những, quan liêu xa rời quần chúng ở một bộ phận đảng viên và tổ chức Đảng nhất là ở những đảng viên có chức, có quyền, ở những cơ quan nắm kinh tế, pháp luật, ở các cấp chính quyền đã làm cho quần chúng giảm lòng tin với Đảng”.

Về biện pháp thực hiện cuộc vận động ông nêu rõ: “trong cuộc vận động này, trong phê bình tự phê bình lần này phải làm rõ cái gì có, cái gì không, sai thì sửa chữa, ai cũng phải sửa và tùy mức độ để xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh. Phải lắng nghe ý kiến của dân. Dân phê bình đúng phải sửa ngay, dân bị xử oan sai phải sửa ngay và xin lỗi dân... không thể chấp nhận một người cộng sản được dân bầu lãnh đạo làm sai, dân khiếu nại lại làm ngơ, không sửa chữa”.

Về phong cách ông là người thẳng thắn, trung thực, khiêm nhường, sâu sát thực tế, sâu sát cơ sở và quần chúng, nói đi đôi với làm. Ngoài những lúc họp hành, làm việc với Bộ chính trị, Ban bí thư, các bộ, ban, ngành Trung ương ông dành nhiều thời gian đi các địa phương. Mà đã đi thì thế nào ông cũng đi xuống tận cơ sở, không ồn ào, không trống dong, cờ mở, bình thường và dân dã. Vào Quảng Bình, ông xuống xã Vạn Ninh đến dự họp với chi bộ thôn Thống Nhất để cùng bàn với họ giải quyết vấn đề chống hạn tìm nguồn nước cho ruộng đồng, cho sinh hoạt của dân...

Về Thanh Hóa, vâng có lẽ ông về Thanh Hóa nhiều lần, vì quê hương mà. Nhưng dự là về làm việc chính thức hay ghé qua, hay về thăm quê nhà ông vẫn giữ thói quen đi tiếp xúc tận cơ sở. Đến vùng mía đường Lam Sơn, Tổng Bí thư đã xuống tận đồng mía truyện trò với những người nông dân về năng suất, về sản lượng, về giá bán cùng với những vấn đề xung quanh việc thực hiện hợp đồng với nhà máy trong việc trồng và thu mua mía.

Đến Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, sau khi nghe báo cáo về những khó khăn, hạn chế, Tổng Bí thư nói: Tôi muốn nghe các đồng chí công nhân trực tiếp sản xuất phát biểu, lãnh đạo nói như thế đã đúng chưa. Một số công nhân, cán bộ, nhân viên trong nhà máy đã mạnh dạn phát biểu. Qua đó Tổng Bí thư đã hiểu ra thêm rằng xi măng Bỉm Sơn, một nhà máy đã từng là đơn vị lá cờ đầu của miền Bắc trước đây, giờ đang có nguy cơ tụt hậu. Từ đó cần phải dồn sức để củng cố, tổ chức lại, phải đầu tư chiều sâu để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống công nhân để xứng đáng là doanh nghiệp nhà nước, là lực lượng chủ công trong nền kinh tế nhiều thành phần.

Xuống các làng xã ở vùng biển Hậu Lộc, Sầm Sơn, Tổng Bí thư đã trực tiếp gặp gỡ các ngư dân. Từ ý kiến của những người dân trực tiếp làm nghề chài lưới, đi biển đánh bắt xa bờ phản ánh về những biểu hiện sai trái, tiêu cực của một số cán bộ, nhân viên, một số ngành chức năng, ông đã nói trước nhân dân rằng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng các cấp ủy, chính quyền các cấp kiên quyết làm rõ và xử lý nghiêm những tiêu cực nói trên ở bất cứ người nào, cấp nào... phải làm được như vậy để nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Về hoạt động đối ngoại trong việc tiếp xúc, làm việc với các nguyên thủ quốc gia, các chính khách có tên tuổi cùng những cuộc đi thăm các nước phương đông, phương tây những lời nói, bài viết thẳng thắn, chân tình, cởi mở của ông đều được hoan nghênh, ca ngợi, đã có tác động nâng cao vị thế của nước Việt Nam, đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè trên thế giới đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta trên con đường hội nhập và tiến lên.

Những phẩm chất và hành động vì dân vì Đảng không những chỉ thể hiện trong thời kỳ còn đương chức mà kể cả sau khi không còn làm Tổng Bí thư Đảng vẫn tiếp tục tỏa sáng trong ông. Ông vẫn lặng lẽ, miệt mài nghiên cứu, đi về cơ sở để có những đóng góp cùng với Trung ương Đảng và các cấp các ngành trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước.

Năm 2012 trong dịp lực lượng cựu TNXP Thanh Hóa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, biết nguyên Tổng Bí thư đang có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh nhà, chúng tôi đến nhà khách của tỉnh để mời ông đến dự vào buổi lễ đón nhận phần thưởng cao quý. Ông vui vẻ nhận lời và đã đến. Tại buổi lễ long trọng này trên 300 đại biểu cựu TNXP Thanh Hóa chúng tôi đã xúc động lắng nghe những lời động viên dặn dò chân tình thân thiết của ông: Các đồng chí cần phát huy những phẩm chất tốt đẹp của các thời kỳ gian lao mà anh dũng, đừng quên quá khứ, phải giữ gìn, phải phát huy và tiếp tục cống hiến theo khả năng, sức lực còn lại để làm gương cho thế hệ trẻ.

Sau khi Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay được ban hành, ông đã biểu lộ sự đồng tình với những nhận định về tình hình và những biện pháp giải quyết. Ông nhấn mạnh phải “nói thật, làm thật, để ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.

Có một số người đã cho rằng giá như trước đây ông còn làm Tổng Bí thư ít ra là một nhiệm kỳ nữa thì vấn đề “nói thật, làm thật” đã trở thành hiện thực và bây giờ chắc là không còn có “những vấn đề cấp bách” phải đưa ra.

Tin rằng trong Đảng ta còn nhiều cán bộ đảng viên chân chính, bất khuất, sẵn sàng đấu tranh để gạt bỏ mọi khó khăn trở ngại để xây dựng Đảng ta mãi mãi là một Đảng Cộng sản, đảng Mác xít - Lêninnit, đảng của Bác Hồ sáng lập để đảm bảo sứ mệnh lãnh đạo nhân dân ta phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, văn minh sánh vai với các nước anh em, bạn bè trên thế giới như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Xin cùng tỏ lòng tri ân, mến thương vô hạn tới hương hồn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và gia quyến.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]