(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 2/10, Ban Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến vào báo cáo tình hình KT-XH, QP-AN, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019; Báo cáo đề nghị bổ sung biên chế giáo viên mầm non tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh và nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bổ sung 3.507 biên chế giáo viên mầm non năm học 2019 - 2020

Ngày 2/10, Ban Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến vào báo cáo tình hình KT-XH, QP-AN, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019; Báo cáo đề nghị bổ sung biên chế giáo viên mầm non tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh và nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện một số ban của Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng ước đạt 20,25%

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 9 tháng qua tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tiếp tục đà tăng tưởng mạnh mẽ, ước đạt 20,25%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 đợt thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, sản xuất và cơ sở hạ tầng, ước thiệt hại khoảng 1.333 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương khắc phục thiệt hại; chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục kịp thời, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng công nghiệp với GTSX ước đạt 92.824 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có thêm 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc. Thu NSNN 9 tháng ước đạt 19.727 tỷ đồng, bằng 74% dự toán và tăng 47% so với cùng kỳ. Một số khoản thu tăng cao như: Thu từ khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước Trung ương… Chi NSNN ước đạt 22.595 tỷ đồng đã kịp thời đáp ứng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh.

Về đầu tư phát triển, hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới và theo hướng thiết thực, hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tham dự các hội nghị, diễn đàn về xúc tiến đầu tư và tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Nhật Bản, Liên Bang Nga. Theo thống kê, đã thu hút được 152 dự án đầu tư trực tiếp (11 dự án FDI), so với cùng kỳ chỉ bằng 84,4% về số dự án nhưng số vốn đăng ký tăng cao.

Hoạt động VH-XH có nhiều chuyển biến. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, nổi bật là các hoạt động kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, các sự kiện kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay về số Huy chương vàng Olympic. An ninh chính trị, trật tự ATXH được giữ vững.

Báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ rõ, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2019, 3 tháng cuối năm 2019 cần tập trung vào một số chỉ tiêu chưa hoàn thành như: Tốc độ tăng trưởng GRDP, kim ngạch xuất khẩu, huy động vốn đầu tư phát triển, thu NSNN và số doanh nghiệp thành lập mới.

Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019 và định hướng năm 2020 báo cáo đề xuất, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã dành nhiều thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nội dung này.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế của tỉnh nhìn chung đều rất tốt. Đây thực chất là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện từ nhiều nhiệm kỳ, được đặt nền móng từ nhiều khóa trước. Bên cạnh các kết qủa đạt được trong phát triển KT-XH, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đảm bảo trên tất các các lĩnh vực. Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước trong thực hiện các Nghị quyết số 18, 19 và 37 của Trung ương.

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, để khắc phục các hạn chế, yếu kém đã nêu, cần phải tập trung bàn từng chuyên đề, từng hạn chế, yếu kém để tìm ra giải pháp. Những hạn chế yếu kém này phần đa thuộc về điều hành của UBND tỉnh vì vậy yêu cầu UBND tỉnh giao các ban, ngành cụ thể hóa từng hạn chế để có hướng giải quyết, khắc phục, nếu vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo lại Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cách làm là phải quyết liệt, chỉ rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp, từng tổ chức, cá nhân; xử lý vi phạm nếu có. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện hoàn thành kế hoạch GPMB; thu hồi các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, vi phạm quy định của pháp luật; tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công một số dự án UBND tỉnh đã thông báo; giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác đá; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng bóng đá Thanh Hóa; quản lý báo chí và giải quyết các thông tin báo chí đưa tin không đúng gây dư luận không tốt.

Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2019, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với các chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra trong báo cáo. Trên cơ sở đó, các ngành các cấp cần tổ chức thực hiện thắng lợi tất cả mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2019.

Riêng đội bóng đá Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây là thời điểm khó khăn của đội bóng, UBND tỉnh phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, chăm lo cho đội bóng, dứt khoát phải trụ hạng bởi đội bóng Thanh Hóa chính là niềm tin yêu, hâm mộ của đông đảo người dân xứ Thanh. Nếu đội bóng tụt hạng, các tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Vế kế hoạch, định hướng năm 2020, trên cơ sở rà soát lại tất cả mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, những mục tiêu, chỉ tiêu, nghị quyết có khả năng vượt kế hoạch thì xây dựng mục tiêu vượt cao hơn, nếu có khả năng đạt thì phải xây dựng kế hoạch vượt, nếu chưa đạt thì phấn đấu xây dựng đạt kế hoạch năm 2020. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thống nhất với các mục tiêu, chỉ tiêu đã trình hội nghị và yêu cầu đơn vị soạn thảo hoàn chỉnh phần nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở các ý kiến đóng góp.

Bổ sung 3.507 biên chế giáo viên mầm non

Hội nghị cũng nghe và cho ý kiến vào Báo cáo xin ý kiến về việc giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non tại các trường mầm non công lập của UBND tỉnh các huyện, thị xã, thành phố. Theo đánh giá chung về tình hình sử dụng, quản lý biên chế mầm non năm 2019 trên địa bàn tỉnh, số biên chế mầm non được HĐND tỉnh giao, phê duyệt đảm bảo bằng số được Bộ nội vụ thẩm định; việc thực hiện chỉ tiêu biên chế mầm non được giao của UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đều thấp hơn chỉ tiêu biên chế được HĐND tỉnh giao. Cụ thể, chỉ tiêu biên chế mầm non được giao năm 2019 là 12.916 biên chế, thực hiện đến 31/5/2019 là 10.850 biên chế, còn thiếu so với số giao là 2.066 biên chế.

Quá trình thực hiện biên chế mầm non vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Số biên chế mầm non thực hiện còn thiếu so với biên chế được giao nhưng không được tuyển dụng vì phải cân đối bù trừ cho số giáo viên THCS còn thừa; một số địa phương còn lúng túng, chậm thực hiện trong tuyển dụng biên chế còn thiếu, chậm trễ trong việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng; biên chế mầm non giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa đảm bảo theo đúng định mức tại Quyết định số 3185/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Dựa trên Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non năm học 2019- 2020 của các huyện, thị xã, thành phố, nhu cầu biên chế năm học 2019- 2020 được tính toán là 19.199 biên chế. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho UBND các huyện, thị xã, thành phố năm học 2019-2020 là 3.507 biên chế, đúng bằng số biên chế được Bộ Nội vụ thẩm định bổ sung năm 2019 cho tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận về nội dung này, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất trên và lưu ý: Đối với các huyện miền núi cần ưu tiên tuyển dụng con em miền núi; yêu cầu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tuyển dụng quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, trình tự thủ tục tuyển dụng, tuyệt đối không làm hợp lý hóa số giáo viên hiện nay đã kí hợp đồng;quy trình tuyển dụng phải tiến hành chặt chẽ, công khai; giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham gia phối hợp với UBND tỉnh để thực hiện.

Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh cũng báo cáo, xin ý kiến đối với một số chính sách nông nghiệp, gồm: Cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025; chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; bãi bỏ một số nội dung của cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020.

Hội nghị dự kiến diễn ra trong 2 ngày, tại ngày làm việc thứ 2 (3/10), Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung khác.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]