(vhds.baothanhhoa.vn) - Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày nhân dân ta giành được thắng lợi rực rỡ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều kỳ diệu của đại thắng mùa Xuân 1975 là thời gian càng lắng đọng thì tầm vĩ đại của chiến thắng càng thêm rực rỡ. Điều đó càng nói lên sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta trong việc đưa đất nước thoát hoàn toàn khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng - Thiên anh hùng ca vĩ đại

Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày nhân dân ta giành được thắng lợi rực rỡ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều kỳ diệu của đại thắng mùa Xuân 1975 là thời gian càng lắng đọng thì tầm vĩ đại của chiến thắng càng thêm rực rỡ. Điều đó càng nói lên sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta trong việc đưa đất nước thoát hoàn toàn khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc...

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu)

Ôn lại chiến thắng vang dội của chiến dịch Hồ Chí Minh, ta lại nhớ đến bài thơ Mừng Xuân 1969 của Bác Hồ:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên! chiến sỹ, đồng bào

Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!

Đây là bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác trước lúc Người đi xa. Lời thơ đọng mãi trong lòng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta như một lời di chúc thiêng liêng của Bác.

Từ năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào một giai đoạn mới. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của đồng bào ta ở miền Nam hồi Tết Mậu Thân (1968), Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã buộc phải từ chức và chấp nhận mở cuộc đàm phán ở Paris để giải quyết vấn đề hòa bình ở Việt Nam. Thế nhưng các thế lực hiếu chiến và phản động trong giới cầm quyền Mỹ vẫn chưa chịu rút ra bài học thất bại, mà ngược lại càng cay cú và liều lĩnh. Ních-xơn lên thay Giôn-xơn, vừa bước vào Nhà Trắng đã lộ rõ là một Tổng thống cực kỳ phản động và gian ác.

Ních-xơn đề ra kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, hà hơi tiếp sức cho quân Ngụy, dùng quân Ngụy tiếp tục cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ ở Việt Nam, thay thế cho quân Mỹ một ngày nào đó sẽ rút dần về nước. Đế quốc Mỹ đã thúc ép Ngụy quyền Sài Gòn phải ra sức bắt lính, đưa tổng số quân Ngụy lên tới mức cao nhất là 1 triệu 50 vạn tên.

Từ năm 1970 đến 1973, Mỹ hối hả trao cho Ngụy tới hơn nửa triệu vũ khí, 40.000 xe quân sự, trong đó có 4.000 xe tăng và xe bọc thép, 1.650 tàu xuồng chiến đấu, 1.850 máy bay các loại. Đến năm 1973, sau khi buộc phải rút khỏi Việt Nam, Mỹ còn để lại cho quân Ngụy hàng 100 máy bay chiến đấu F5E loại mới nhất, hàng trăm khẩu pháo 175 mm, loại lớn nhất và có tầm bắn xa nhất.

Báo chí Mỹ nhận xét: Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam thì bọn Ngụy đã có số quân đông hơn bất cứ một nước nào ở Đông Nam Á. Số xe tăng và xe bọc thép của Ngụy vượt xa Nam Triều Tiên (Hàn Quốc). Số máy bay quân sự của Ngụy nhiều hơn cả Nhật Bản. Đó còn chưa kể trên 1 vạn cố vấn quân sự Mỹ đội lốt “cố vấn dân sự” nhằm giúp cho quân Ngụy tiếp tục cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tình hình và số liệu trên chứng minh rằng, đây là thách thức rất lớn đối với quân và dân ta lúc bấy giờ. Thế nhưng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã có tầm chiến lược đối phó hữu hiệu.

Để thăm dò phản ứng của Mỹ - Ngụy, đầu năm 1974 ta tập trung lực lượng đánh và giải phóng tỉnh Phước Long, một trong 11 tỉnh bảo vệ vành đai Sài Gòn từ xa. Cùng với Phước Long, Mỹ Ngụy còn mất thêm một căn cứ quan trọng ở núi Bà Đen (Tây Ninh) cách Sài Gòn khoảng 100km. Như vậy cả một vùng cửa ngõ phía Bắc và Đông Bắc Sài Gòn bị uy hiếp nghiêm trọng.

Chấp hành quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định dùng lực lượng chủ lực mạnh, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên.

Ngày 10/3/1975 ta tập trung lực lượng tiến công thẳng vào Buôn Ma Thuột. Sau 2 ngày chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột, đập vỡ một mảng lớn hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên.

Ngày 16/3, bộ đội chủ lực ta nhanh chóng tổ chức đánh chặn và truy kích địch rút chạy theo đường số 7. Đến ngày 21/3 toàn bộ quân địch rút chạy bị tiêu diệt. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, ta giải phóng toàn bộ vùng cao nguyên chiến lược rất quan trọng trên chiến trường miền Nam.

Phối hợp với Tây Nguyên, các chiến trường khu 5, Trị Thiên, Nam Bộ đều mở các chiến dịch hoặc đẩy mạnh tiến công địch thu được thắng lợi.

10h30’ ngày 25/3 quân dân ta giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên. Ngày 29/3 ta giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Phối hợp với phong trào quần chúng nổi dậy, các lực lượng tiến công của ta đã giải phóng Bình Định với thành phố Quy Nhơn (1/4), tiêu diệt phần lớn Sư đoàn 1 của Ngụy; giải phóng tỉnh Phú Yên với thị xã Tuy Hòa (1/4); giải phóng tỉnh Khánh Hòa với thành phố Nha Trang và Quân cảng Cam Ranh (3/4); giải phóng tỉnh Quảng Đức với thị xã Gia Nghĩa (21/3), tỉnh Lâm Đồng với thị xã Bảo Lộc (2/4); giải phóng tỉnh Tuyên Đức với thành phố Đà Lạt (4/4).

Cũng thời gian này ở Nam bộ, quân và dân tỉnh Bình Long tiến công và nổi dậy chiếm thị xã An Lộc, đánh chiếm khu quân sự quận lỵ Chơn Thành, giải phóng toàn bộ tỉnh Bình Long. Quân và dân các tỉnh Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Long An, Long Khánh, Bình Tuy giải phóng một vùng rộng lớn, liên hoàn ở phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên đường tiến quân, Quân đoàn 2 đã tiêu diệt toàn bộ quân địch phòng thủ ở Phan Rang (16/4), sau đó kết hợp với lực lượng quần chúng nổi dậy lần lượt giải phóng tỉnh Bình Thuận với thị xã Phan Thiết (19/5), tỉnh Bình Tuy với thị xã Hàm Tân. Ngày 21/4 quân địch ở Xuân Lộc buộc phải rút chạy, ta giải phóng tỉnh Long Khánh.

Đến ngày 26/4/1975, các cánh quân chủ lực và binh khí kỷ thuật đã tập kết đúng thời gian và vị trí tiến công trên các hướng tiến vào Sài Gòn.

17 giờ ngày 26/4 các lực lượng của ta trên các hướng Đông và Đông Nam bắt đầu nổ súng, tiến công vào tuyến phòng ngự phía Đông của địch. Sau 2 ngày chiến đấu ta chiếm Long Khánh, Bà Rịa, khu trường thiết giáp ở Nước Trong, Trảng Bom, bắn phá làm tê liệt sân bay Biên Hòa. Đặc công lọt vào đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, cầu xa lộ Đồng Nai, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 của chúng bỏ chạy về Gò Vấp. Ta tiếp tục phát triển về phía Biên Hòa.

Trên hướng Tây Nam, Đoàn 232 đánh chiếm đoạn Bến Lức - Tân An, đoạn Trung Lương - Tân Hiệp - Long Định và đoạn Cai Lậy - An Hữu, cắt đứt hoàn toàn đường 4. Trên hướng Tây Bắc, ta cắt đường 22 đoạnBầu Nâu - Trà Võ, đường 1 đoạn Phước Mỹ - Trảng Bàng.

Ngày 29/4 ta tiến hành tổng công kích trên toàn mặt trận. Sau một ngày chiến đấu ta chiếm được các căn cứ vòng ngoài Sài Gòn - Gia Định, ngăn chặn và tiêu diệt các sư đoàn chủ lực Ngụy, không cho chúng co về, tiếp tục đánh chiếm các bàn đạp để từ đó tiến vào nội thành khiến địch bị tan vỡ lớn.

Ngày 30/4 các binh đoàn đột kích, thọc sâu, kết hợp với các lực lượng bên trong đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành. Cùng ngày, trên tất cả các hướng, các binh đoàn, đơn vị nhanh chóng tiến đánh và chiếm lĩnh các mục tiêu chủ yếu như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, căn cứ Hải quân Cảng Bạch Đằng, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát Ngụy. Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập lúc 10h45, bắt toàn bộ Ngụy quyền trung ương, buộc chúng phải ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đơn vị chiến thắng đã treo cờ cách mạng trên nóc tòa nhà phủ Tổng thống Ngụy mang cái tên mỉa mai “DinhĐộc Lập” vào lúc 11h30’. Đây là thời điểm lịch sử báo hiệu sự cáo chung chế độ tay sai của đế quốc Mỹ xâm lược.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã toàn thắng, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 30 năm chống đế quốc xâm lược đã toàn thắng. Đó chính là thiên anh hùng ca vĩ đại thật diệu kỳ của nhân dân ta, đất nước ta.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]