Xứ Thanh là vùng đất rất cổ, khi xét trên phương diện địa chất, lẫn truyền thống lịch sử, văn hóa. Qua nghiên cứu về sự hình thành vùng đất từ cách đây hàng triệu năm, đến diễn trình văn hóa được khởi phát từ buổi bình minh lịch sử, gắn với các dấu vết người nguyên thủy được tìm thấy ở núi Đọ, núi Nuông..., các nhà sử học đã đưa ra một ví dụ hết sức sinh động để minh chứng cho tính “cổ” của vùng đất này.

Đó là nếu “ví lịch sử Thanh Hóa - mà lịch sử Việt Nam cũng vậy - là sợi dây dài 5m, trên đó mỗi thế kỷ tương ứng với 1 mm, thì từ Núi Đọ đến văn hóa Sơn Vi, dưới lớp hang Con Moong, đã mất đi gần 4m90. Từ văn hóa Hòa Bình đến nay chỉ còn 10 cm, trong đó văn hóa Đông Sơn chỉ cách chúng ta khoảng 2,5 cm đến 2 cm. Còn từ khi Bà Triệu phất cờ nghĩa đến nay thì chỉ còn dài hơn 17 mm một chút”. Lối so sánh ấy, đã phần nào cho hậu thế hình dung về thời kỳ tiền sử và sơ sử dài đằng đẵng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ “đã chứng kiến cuộc đấu tranh gay go, ác liệt của tổ tiên chúng ta với mọi trở lực của thiên nhiên; chính nơi đây đã chứng kiến những mầm mống đầu tiên của tài năng và sự sáng tạo của con người” (Lịch sử Thanh Hóa tập I - thời tiền sử và sơ sử).

Có thể khẳng định, xét ở tầm cao của khát vọng vươn lên, hay chiều sâu của giá trị truyền thống tỏa xuống, thì mảnh đất vốn là một trong những cái nôi của loài người này vẫn xứng đáng được vinh danh và ngợi ca. Bởi, nơi đây đã chứng kiến vô số những kỳ tích vĩ đại, mà nhờ đó cuộc hành trình vạn dặm để dựng xây xã hội loài người, có vẻ như cũng trở nên gần hơn, với nhiều dấu ấn thành tựu còn vang danh hậu thế. Đỉnh cao của kỳ tích ấy không thể không nhắc đến văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa “gắn liền với sự hình thành một cốt lõi dân tộc Việt cổ và một quốc gia có thể đã có nhiều thành phần tộc người”. Văn hóa Đông Sơn được xem là một sự hòa nhập, hội tụ của các văn hóa tiền Đông Sơn; hay nói cách khác, có thể xem Đông Sơn là “biển lớn” đón nhận các dòng văn hóa tiền Đông Sơn. Ở đó, Thanh Hóa - nơi mà dấu ấn văn hóa Đông Sơn xuất hiện dày đặc; cũng là nơi mà đời sống vật chất và tinh thần đã phát triển đến một trình độ cao - đã hình thành một dòng sông văn hóa riêng đổ vào “biển” Đông Sơn. Và rồi, cũng từ đây mà Cửu Chân - Thanh Hóa càng trở thành một bộ phận khăng khít của nhà nước Văn Lang.

Cũng trên cái “nền” của quá khứ hết sức dày dạn và vững chắc ấy, mảnh đất rất cổ xứ Thanh đã trở thành “vũ đài” của vô số những cuộc tranh đấu để giành và giữ quyền tự quyết dân tộc; nơi nắm giữ vị trí trọng yếu đến mức có khả năng tác động đến sự tồn vong, thịnh suy của quốc gia - dân tộc trong nhiều thời khắc, nhiều dấu mốc, nhiều giai đoạn lịch sử. Đó cũng là nơi mà trải qua ngàn năm văn hiến, từ Đinh - Lý - Trần - Lê - Nguyễn... đến tận ngày nay, vẫn luôn chắt chiu, đắp đổi nên một nền tảng văn hóa - tinh thần hết sức quý báu của truyền thống yêu nước thương nòi, của lòng tự hào dân tộc, của ý chí tự cường... Dấu ấn văn hóa ấy còn được “khắc” vào từng phiến đá, từng thớ gỗ nơi đền đài, miếu lạo, lăng tẩm tráng lệ, linh thiêng; hay trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đậm đà bản sắc; và cả trong cảnh sắc tươi đẹp mà ai từng một lần qua đây cũng phải thảng thốt “Thanh Hóa thắng địa là nơi/ Rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân thành”...

Xứ Thanh trải qua các triều đại đều xưng là trọng trấn. Triều Lê dựng nước lấy Lam Sơn là đất cội nguồn gốc rễ. Triều Nguyễn phát tích từ núi Thiên Tôn, lại là đất thang mộc. Đất ấy sơn kỳ thủy tú, khí thiêng hội tụ thực là danh thắng đẹp đẽ khác thường. Đó là lời cảm khái của Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh khi “trải nghiệm” về vùng đất này. Để rồi, “bắt” rất sâu vào cái nền móng căn bản ấy, Danh xưng “Thanh Hóa” có được nội hàm giàu giá trị, bởi sâu trong lòng nó là lớp lớp văn hóa ẩn tàng của sức sống mãnh liệt, của tư tưởng và tình cảm, của đạo đức và phẩm giá, của trí tuệ và tài năng, thậm chí là của sức đề kháng và sức chiến đấu để bảo vệ chính mình, bảo vệ quốc gia - dân tộc. Đó cũng là danh xưng của cái đẹp khi được bồi đắp bằng “vô lượng lịch sử” của truyền thống yêu nước, yêu hòa bình, lòng nhân ái, khoan hòa của vùng đất và con người xứ Thanh. Danh xưng ấy thân thuộc và đẹp đẽ đến nỗi khi cất lên, mỗi con người của xứ sở này đều có quyền tự hào khi được “tạc” cho một “diện mạo” đầy bản lĩnh, khí phách.

Ngẫm lại quá khứ của vùng đất có núi sông tươi đẹp, tiếng anh linh sâu xa, có người đã phải cảm khái “mong tấc đất giang sơn này mãi mãi xếp vào hàng danh hương”. Để rồi, đắm mình trong niềm hân hoan giữa những ngày Xuân Giáp Thìn đang chiếu rọi ánh sáng rạng rỡ, ta càng có thêm niềm tin và hy vọng về tương lai hưng thịnh, hạnh phúc rồi đây sẽ tỏa rạng khắp xứ sở này. Và để thắp lên trong mỗi người với trái tim Đanko của tình yêu quê hương xứ sở và nhiệt huyết cống hiến, cùng chung sức đồng lòng làm nên một cuộc chuyển mình ngoạn mục cho xứ Thanh trong mùa xuân mới - mùa xuân đánh dấu 995 năm Danh xưng Thanh Hóa hiện hữu và trở thành cái tên của lịch sử, của văn hóa, của những giá trị và vẻ đẹp bất biến!

Nội dung: Khôi Nguyên

Ảnh: Mai Huyền TH

Đồ họa: Mai Huyền