Nhận thức được lợi thế, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất. Nhờ đó đến nay, nền nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Đồng thời, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích và thu nhập cho nông dân.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp cao nhất từ trước đến nay đạt 4,16% (vượt 1,16% kế hoạch), giá trị sản xuất đạt 73.000 tỷ đồng. Sản lượng lương thực toàn tỉnh giữ vững mức 1,6 triệu tấn/năm, diện tích gieo trồng lúa duy trì 225.000 ha - đứng thứ nhất khu vực Bắc Trung bộ và miền Bắc. Trong chăn nuôi, đàn trâu có 170.000 con, xếp thứ 2 toàn quốc (sau Nghệ An); đàn lợn 1,3 triệu con, xếp thứ 3 (sau Đồng Nai, TP Hà Nội); đàn gia cầm 25,8 triệu con, xếp thứ 4 (sau TP Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai); đàn bò 265.000 con, đứng thứ 5 (sau Gia Lai, Nghệ An, Sơn La, Bình Định). Đặc biệt 2 năm liên tiếp trên địa bàn tỉnh không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Phát triển lâm nghiệp giữ vững ổn định an ninh rừng, diện tích rừng 650.000 ha, đứng thứ 5 cả nước (sau Nghệ An, Quảng Nam, Sơn La, Gia Lai), tỷ lệ che phủ rừng 53,65%, không để xảy ra cháy rừng. Khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng 214.000 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Công tác chống khai thác IUU đạt kết quả tích cực, không có tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ xử lý, ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển an toàn.

Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn. Toàn tỉnh đã có 467 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (đứng thứ 2 cả nước, sau TP Hà Nội). Đặc biệt, lô vải không hạt (vải Ngọc) đầu tiên trồng tại huyện Ngọc Lặc của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Vương quốc Anh, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường, tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã nhạy bén hơn với kinh tế thị trường, thay đổi tư duy sản xuất chú trọng đến nhu cầu thị trường tiêu thụ. Nhiều hình thức sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ được người dân đầu tư phát triển đã và đang phát huy hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với quy mô diện tích 82.000 ha. Trong đó, mía nguyên liệu 14.000 ha, sắn nguyên liệu 11.000 ha, lúa 48.000 ha, rau củ quả các loại và cây trồng khác 7.200 ha... Người dân ở các địa phương đã đầu tư phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, như Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam - Thanh Tam BamBoo Ecopark, Nông trại Ánh Dương, Làng du lịch Yên Trung... Các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hữu cơ, công nghệ cao kết hợp với du lịch thu hút đông đảo du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm nông nghiệp. Qua các mô hình cho thấy người nông dân đã gắn kết các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương với du lịch, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đầu tư ít hơn, hiệu quả cao hơn. Để chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, cần tích cực hơn công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trước mắt, ngành nông nghiệp tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém và các điểm nghẽn của năm 2023 đã được chỉ ra với phương châm “rõ người, rõ việc”. Định hướng cho các địa phương xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phải gắn với thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng “được mùa mất giá” hoặc không có nơi tiêu thụ. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tập trung tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; sử dụng hiệu quả bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lấy doanh nghiệp, HTX làm trung tâm của sự thay đổi tư duy sản xuất, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, ngành nông nghiệp khuyến khích các tổ chức, cá nhân chú trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm nông sản, để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao năng lực dự báo thị trường làm cơ sở định hướng cho người dân phát triển sản xuất.

Nội dung: Lê Hợi

Ảnh: Lê Hợi và Tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền