(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tôi xúc động với những câu chuyện kể về Nguyễn Khánh Duy và càng ấn tượng với em khi tiếp xúc. Duy có khuôn mặt hiền, giọng nói cứ rủ ra rủ rỉ... Duy đơn giản và dễ gần. 18 tuổi, em đã làm nên kỳ tích lớn cho quê hương và đất nước: Huy chương vàng Olympic Quốc tế môn Hóa năm 2016 được tổ chức tại thủ đô Tbilisi (Gruzia).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải thưởng lớn của cậu học trò làng

(VH&ĐS) Tôi xúc động với những câu chuyện kể về Nguyễn Khánh Duy và càng ấn tượng với em khi tiếp xúc. Duy có khuôn mặt hiền, giọng nói cứ rủ ra rủ rỉ... Duy đơn giản và dễ gần. 18 tuổi, em đã làm nên kỳ tích lớn cho quê hương và đất nước: Huy chương vàng Olympic Quốc tế môn Hóa năm 2016 được tổ chức tại thủ đô Tbilisi (Gruzia).

Hóa học và Duy...

Lần đầu tiên, Trường THPT Chuyên Lam Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung mới có một học sinh đạt giải cao nhất môn Hóa tại một cuộc thi Quốc tế. Với số điểm 86,116, xếp thứ 16 trên tổng số 280 thí sinh tham dự, Nguyễn Khánh Duy là 1 trong 2 học sinh Việt Nam xuất sắc giành HCV. Thật vinh dự và tự hào.

Thành công nào cũng bắt nguồn từ những đam mê. Với Duy, cũng vậy. Em thích môn Hóa ngay từ khi được tiếp xúc ở cấp 2, vì theo Duy, Hóa học với những biến hóa và đầy màu sắc, không chỉ có những công thức khô khan. Duy yêu và nuôi dưỡng ước mơ từ đó. Trong ký ức của cô giáo dạy Hóa, Mai Châu Phương - người thầy lớn của Nguyễn Khánh Duy, người đã giúp em có được giải thưởng như ngày hôm nay vẫn còn nhớ rất rõ về cậu học trò cưng của mình. Cô nói: “Tôi nhớ khi Duy vào học lớp 10, thời gian đầu, tôi chưa có ấn tượng gì đặc biệt với cậu. Nhưng khi hết học kỳ I, kiến thức ngày càng khó thì tôi bắt đầu để ý đến Duy. Cuối năm lớp 10, tôi nhìn thấy rõ sự nổi trội của Duy so với các bạn. Điều khiến tôi và một số giáo viên khác bất ngờ là thường khi chúng tôi đào tạo học sinh giỏi đến ngưỡng, có dạy thêm cũng không vào được nữa nhưng với Duy, rất may bộ não em chưa được đầy, nó không bị bão hòa, càng dạy càng vào...”.

Có lẽ cũng chính vì điều này đã giúp Nguyễn Khánh Duy có thêm tự tin để “say” với Hóa học và để khẳng định bản thân. Bằng chứng là em đã có một bảng thành tích khá dày về môn Hóa: Lớp 9, đạt giải Ba học sinh giỏi tỉnh, lớp 11 giải Nhì Quốc gia, lớp 12 giải Nhất Quốc gia và sau đó lọt qua vòng hai để ghi tên vào danh sách học sinh tham dự Olympic quốc tế môn Hóa với số điểm cao nhất. Với Duy, thất bại được xem là lớn nhất khi em không lọt vào đội tuyển tham dự Olympic quốc tế vào năm lớp 11. Nhưng chỉ một năm sau, với sự dìu dắt, giúp đỡ của các thầy cô và sự kiên trì, quyết tâm của bản thân, Duy đã giành chiến thắng.

Nhớ lại cái giây phút trọng đại ấy, cô giáo Mai Châu Phương vẫn chưa hết xúc động. “Khi ban tổ chức xướng tên Nguyễn Khánh Duy của Việt Nam đạt HCV, tôi nhìn thấy em úp mặt vào lá cờ của Tổ quốc, cảm xúc trong Duy đã vỡ òa...” - Cô giáo Mai Châu Phương chia sẻ.

Nguyễn Khánh Duy và cô giáo Mai ChâuPhương tại thủ đô Tbilisi cua Gruzia (ảnh do nhân vật cung cấp).

Biến đam mê thành hiện thực và đi đến thành công là cả một hành trình dài với sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi. Mừng là Duy đã làm được điều ấy. Càng mừng hơn khi Duy trong đời thường lại có những đức tính quý khiến nhiều người cảm phục.

Duy của đời thường

Nhà của Nguyễn Khánh Duy ở thôn 2, xã Quảng Minh (TX Sầm Sơn). Bố Duy là thợ cắt tóc, đi xe ôm. Mẹ Duy là giáo viên tiểu học. Sau Duy còn có một em trai đang học lớp 8. Ngày Duy đạt HCV quốc tế, bà con hàng xóm ai cũng vui. Trong họ, Duy là người con ngoan, chịu khó, không ham chơi, đua đòi... Ở nhà là vậy, còn ở lớp Duy được bạn bè đặt cho cái tên Duy “ngố” bởi tính Duy hiền lành, trong sáng nên hay bị các bạn bắt nạt, trêu đùa... Duy như không bao giờ biết buồn, luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Duy thủ thỉ: “Gặp thất bại em cũng không nản, tình huống xấu mấy cũng phải lạc quan. Em cứ dặn mình như thế để vượt qua”.

Duy đơn giản, tiết kiệm đến mức, ăn gì cũng được, mặc gì cũng được. Như mấy hôm trước, chị Lê Thị Ngân là mẹ của Duy có ra thăm em ở Lớp tài năng, khoa Hóa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Duy dặn mẹ đừng mua áo len mới, cứ mang mấy áo len cũ để em mặc. Ngày ra Hà Nội học, bố mẹ Duy muốn mua cho em một cái xe đạp mới để em đi nhưng Duy nhất định mang chiếc xe đạp cũ đã gắn bó với em từ những năm học cấp 3.

Nguyễn Khánh Duy là vậy, ngoài hội tụ đầy đủ các yếu tố của một học sinh giỏi, em vẫn mang trong mình cái chân chất của làng quê. Duy là người có tâm. Em bộc bạch: “Nếu được sang Singapo du học, em sẽ cố gắng học thật tốt để làm đúng lời cô Phương dặn: Cô không chỉ đào tạo cho mình em mà là để giúp ích cộng đồng”.

Tôi rất thích cái cách trả lời trong sáng ấy của Duy. Sau đam mê cái em có được là thành công và sau thành công vẫn tiếp tục là theo đuổi đam mê và chinh phục nó ở vị trí cao hơn. Hãy tự tin và hãy kiên trì như em đã từng nói: Trong mọi tình huống vẫn phải lạc quan và tin vào chiến thắng...

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]