(vhds.baothanhhoa.vn) - Quốc giỗ Hùng Vương là tinh hoa của hồn Việt và nhân loại, là dịp để cháu con hôm nay nghĩ suy về truyền thống cha ông, tự hào về sức mạnh cội nguồn, về sự trường tồn của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giỗ tổ Hùng Vương - tinh hoa hồn Việt và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Quốc giỗ Hùng Vương là tinh hoa của hồn Việt và nhân loại, là dịp để cháu con hôm nay nghĩ suy về truyền thống cha ông, tự hào về sức mạnh cội nguồn, về sự trường tồn của dân tộc.

Giỗ tổ Hùng Vương - trở về cội nguồn.

Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam, mà cách đây mấy ngàn năm các Vua Hùng đã có công khai sơn, phá thạch gây dựng nên bờ cõi, non sông đất nước, lập nên nhà nước Văn Lang độc lập, có chủ quyền của người Việt cổ tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững cho quốc gia sau này. Các ngôi đền, chùa Lăng tẩm trên núi Nghĩa Lĩnh đã in đậm dấu tích về thời đại Hùng Vương, là nơi các vua Hùng tiến hành cácnghi lễ tín ngưỡng, họp bàn các việc hệ trọng của đất nước. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Hùng luôn được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ Đức Quốc Tổ. Cách đây 102 năm, xét bản tấu trình của quan Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc, ngày 25/7/1917, Bộ Lễ triều Nguyễn đã chính thức định lệ ngày quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Và cách đây 65 năm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 19/9/1954, Bác Hồ kính yêu đã về thăm đền Hùng, gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho đại đoàn quân tiên phong trước khi đại đoàn về tiếp quản Thủ đô, Người căn dặn:

"Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Đó là câu dặn dò bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ đại đoàn 308 (đại đoàn quân Tiên Phong), tại đền Giếng (thuộc khu di tích lịch sử đền Hùng - Phú Thọ. Lời dặn dò ấy của Bác cất lên từ đền Hùng trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ. Lời Bác dạy đã khái quát cả mấy nghìn năm lịch sử, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “giữ nước” là toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Bởi nhân dân là gốc của đất nước. Đấy chính là “kế sâu rễ bền gốc” mà ông cha ta truyền lại. Còn nhớ khi dự lễ dâng các Vua Hùng trong dịp giỗ tổ Hùng Vương 10/3 năm Canh Thìn, Cố vấn BCH TW Đảng CSVN Đỗ Mười đã khẳng định: “Lời nói của Bác Hồ năm xưa còn ghi lại nơi này... phải chăng đó là tiếng hịch của non sông mà chúng ta mãi mãi ghi nhớ... Nhân dân cả nước hãy gìn giữ tôn tạo mảnh đất thiêng liêng này, mãi mãi là nơi hun đúc lòng yêu nước, là cội nguồn sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc, là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam chúng ta” (Đền Hùng di tích lịch sử văn hóa quốc gia của tác giả Lê Tượng và Phạm Hoàng Oanh, NXB VH-TT, 2010 trang 136).

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với những thành tựu khoa học nghiên cứu về thời đại Hùng Vương, về Khu di tích lịch sử đền Hùng; cùng với quá trình nhận thức về giá trị truyền thống lịch sử văn hóa vùng đất tổ, đền Hùng đã không ngừng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Niềm tự hào, tôn kính ấy càng được nhân lên khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6/12/2012). Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10-3 không chỉ thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Đến nay, sau 7 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang ngày càng lan tỏa và có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của những người con đất Việt, và ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại.

Với mục đích giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm Kỷ Hợi 2019, theo kế hoạch, giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng sẽ tổ chức chính trong 3 ngày, từ ngày 08/3 đến ngày 10/3 năm âm lịch tại khu di tích lịch sử đền Hùng, thành phố Việt Trì và các xã, phường vùng ven đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Phần lễ gồm lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại đền Thượng, lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ rước kiệu về đền Hùng.

Phần hội gồm: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, chương trình nghệ thuật chào mừng, hội sách Đất Tổ và triển lãm ảnh nghệ thuật “Quê hương, con người Phú Thọ”, tổ chức trình diễn Hát Xoan, biểu diễn múa rối nước...

Hướng về miền lễ hội cội nguồn dân tộc, thưởng thức, vun đắp hương thơm từ trầm tích lịch sử, kết tinh văn hóa cội nguồn dân tộc Việt Nam làm cho hương thơm ấy càng ngát hơn, đượm hơn, lan tỏa hơn cũng chính là để góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Bởi, đại đoàn kết đoàn kết toàn dân là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đại đoàn kết dân tộc luôn là một trong những yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp vĩ đại. Bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới ngày nay đòi hỏi nguồn sức mạnh bên trong rất quan trọng, hiệu quả của dân tộc Việt Nam với hơn 92 triệu người Việt Nam ở trong nước và hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhân giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm đền Hùng và 50 thực hiện Di chúc của Người, mỗi người công dân Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc - Cháu Hồng”, nguyện đoàn kết cùngmột lòng, đồng tâm hiệp lực, cống hiến tài năng, trí tuệ và công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Lần đầu tiên tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại thủ đô Vientiane

Ngày 6/4, tại trụ sở Tổng hội Người Việt Nam tại Lào ở thủ đô Vientiane, Ban vận động Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp cùng Đại sứ quán đã tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương lần đầu tiên ở Lào theo nghi lễ truyền thống. Giỗ tổ Hùng Vương là tín ngưỡng thờ cúng giúp kết nối cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Đây là lần đầu tiên lễ giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Lào. Vì vậy, trước khi tiến hành các nghi lễ truyền thống giỗ tổ Hùng Vương, Đại sứ Nguyễn Phú Bình đã đại diện Ban vận động Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu trao tượng Vua Hùng cho Tổng hội Người Việt Nam tại Lào để các nhà sư tiến hành làm lễ hô thần nhập tượng theo đúng nghi lễ truyền thống.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính xen lẫn niềm vinh dự và tự hào khi được trực tiếp tham dự lễ giỗ tổ Hùng Vương, tất cả các đại biểu đều kính cẩn chắp tay, thành tâm vái lạy trước tượng Vua Hùng, nguyện mãi ngàn đời luôn ghi nhớ công ơn vị Vua đã có công dựng nước.

Tiếp đó là phần lễ khấn và đọc văn tế của đại diện lãnh đạo Tổng hội Người Việt Nam tại Lào, Thành hội Người Việt Nam ở thủ đô Vientiane và phần dâng lễ của các đoàn đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại các địa phương trên cả nước Lào và cộng đồng người Việt Nam ở thủ đô Vientiane.

Với cộng đồng người Việt Nam tại Lào, được tham dự lễ giỗ tổ Hùng Vương, được tự tay sắp lễ vật và được tự tay thắp nén hương thơm, thành tâm khấn lạy trước tượng Vua Hùng là một điều gì đó hết sức linh thiêng và thực sự xúc động.

Giỗ tổ Hùng Vương tại Lào không chỉ giúp cho người dân Lào ngày càng hiểu biết nhiều hơn về văn hóa tín ngưỡng thờ cúng của người Việt Nam, mà còn giúp tạo sự gắn kết giữa cộng đồng người Việt Nam tại Lào với người dân Lào, qua đó giúp vun đắp cho mối quan hệ khăng khít và đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng tốt đẹp hơn.

P.V

Nguyễn Văn Thanh


Nguyễn Văn Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]