(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Với tầm nhìn xa trông rộng của một thiên tài vào đúng dịp tết đến xuân về ngày 20/2/1947 - Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa và nói chuyện tại núi Rừng Thông lịch sử.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồ Chí Minh và bước ngoặt mùa xuân năm 1947 với xứ Thanh

(VH&ĐS) Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Với tầm nhìn xa trông rộng của một thiên tài vào đúng dịp tết đến xuân về ngày 20/2/1947 - Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa và nói chuyện tại núi Rừng Thông lịch sử.

Sau khi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Bác đã có cuộc gặp với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào của tỉnh. Tại cuộc gặp mặt lịch sử này Người nói “Lần này là lần đầu tiên tôi đến thăm Thanh Hóa, được các ngài tới dự đông đúc, tôi lấy làm hân hạnh. Trước tôi tới thăm đồng bào, sau tôi có nhiệm vụ báo cáo công việc kháng chiến... Trước lúc tôi tới đây, tôi đã được cụ Lê Thước nói về công việc kiến thiết tỉnh Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu”.

Trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến với Thanh Hóa, Người đã chuẩn bị rất kĩ những gì mình sẽ nói trước cán bộ và đại biểu nhân dân trong tỉnh ở thời điểm dân tộc ta đã bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp. Đầu tiên Bác đã khẳng định: “Tỉnh Thanh Hóa có tiếng là văn vật”, “Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển và sắp đặt”. Người nhấn mạnh về nền tảng tinh thần “Văn hóa: không phải tôi chỉ nói điều tốt, điều hay, và cũng phải nói sự thực, nói thực hay mất lòng... tỉnh Thanh Hóa có tiếng là văn vật nhưng nay xét số người biết chữ còn ít hơn số người chưa biết chữ... Tôi có ý kiến ra kì hạn trong một năm phải thanh toán cho xong nạn mù chữ”. Lời của Bác thật ấm áp và chân tình chỉ ra những mặt mạnh cũng như những tồn tại của tỉnh Thanh - lời nói chan chứa ân tình đúng như lời thơ của nhà thơ Tố Hữu khi nói về tiếng nói của Bác Hồ trước nhân dân: “Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngàn xưa và cả tiếng mai sau”.

Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, đường Lê Hoàn, thành phố Thanh Hóa.

Là lãnh tụ tối cao của dân tộc, tuy bận trăm công ngàn việc điều hành đất nước nhưng Bác Hồ vẫn luôn nhìn thấu những non kém của cán bộ chính quyền các cấp. Lần đầu tiên người dân Thanh Hóa được nghe Bác nói “Từ ngày thành lập chính phủ, trong nhân viên còn có nhiều khuyết điểm. Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ, chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia”. Đó là tiếng chuông cảnh báo của Người về sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất. Hồ Chí Minh nói về chính trị rất giản dị: “Tóm lại chính trị là: Đoàn kết; Thanh khiết từ to đến nhỏ”. Với dự báo thiên tài, Bác biết Thanh Hóa sẽ trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác nói: “Ở Hà Nội có nhiều người tay đốt nhà mình, phá nhà mình mà đi... Nay đồng bào hậu phương có ăn mà để họ đói, có áo mà để họ rét, có đúng không? Mong đồng bào ủng hộ đồng bào đó, giúp đỡ đồng bào tản cư tức là giúp đỡ kháng chiến, giúp cho kẻ có vốn để có thể tự lực được, kẻ không vốn thì giúp họ có công ăn việc làm, chỗ ở”.

Vâng lời Bác! Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa đã trở thành hậu phương, pháo đài thép của cuộc kháng chiến. Hàng vạn các gia đình ở các tỉnh thành Hà Nội, Nam Định, Hà Nam... đã được nhân dân Thanh Hóa đùm bọc sinh sống tại các huyện và thị xã. Nổi bật là làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn đã trở thành cái nôi của văn hóa kháng chiến. Nơi đây, bà con đã giúp đỡ hàng chục gia đình văn nghệ sĩ phía Bắc vào tản cư, nhiều gia đình cán bộ tỉnh. Đặc biệt là gia đình của Hoàng thân Xuphanuvong lãnh tụ tối cao của nhân dân Lào.

Tròn 70 mùa xuân đã trôi qua nhưng những lời nói của Bác Hồ với nhân dân Thanh Hóa vẫn còn vang vọng ấm áp ân tình. Người đã chỉ giáo những công việc hết sức cụ thể, Người rất hiểu dân, tin dân, gần dân. Kết thúc bài nói chuyện, Bác Hồ đã kết luận: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi...”.

Buổi nói chuyện của Bác Hồ với đại biểu nhân dân Thanh Hóa đến nay đã tròn 70 xuân. Từ ngày đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã lấy đó làm kim chỉ nam, làm ngọn đuốc soi đường để tiến lên thực hiện mong ước của Người. Thanh Hóa đã trở thành hình ảnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu và sản xuất. Trong hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc chống Pháp và chống Mỹ - cùng với cả nước, Thanh Hóa đã góp sức người, sức của lớn nhất làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Hơn 30 năm đổi mới dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Thanh Hóa đang phơi phới bay lên với Tứ Sơn “Sầm Sơn, Nghi Sơn, Lam Sơn, Bỉm Sơn” cùng với én bạc Sao Vàng. Thanh Hóa đã có hơn 100 xã trở thành xã nông thôn mới, một huyện trở thành huyện nông thôn mới. Một khu Liên hợp Lọc hóa dầu trọng điểm kinh tế của tỉnh và của cả nước sắp đi vào hoạt động cùng với hàng trăm nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động hiệu quả với năng suất, chất lượng cao. Chắc chắn những mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Thanh Hóa kiểu mẫu sẽ được Đảng bộ nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Lê Đăng Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]