(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trận lũ lịch sử trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Vừa tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, Thanh Hóa đang chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 11.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó với bão số 11

(VH&ĐS) Trận lũ lịch sử trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Vừa tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, Thanh Hóa đang chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 11.

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thanh Hóa: Tính đến thời điểm 17h ngày 14/10, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 15 người thiệt mạng, 5 người bị thương, 5 người vẫn còn mất tích. Toàn tỉnh có 26.754 ngôi nhà bị ngập, 49 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 1.112 ha lúa bị ngập, 85,45 ha lúa bị cuốn trôi; hơn 6.000 ha ngô, 1.900 ha mía, 11.338 ha hoa màu, 410 ha cây lâu năm... bị thiệt hại.

Mưa lũ làm sạc lở nghiêm trọng nhiều điểm trên sông Lò qua huyện Quan Sơn.

Mưa lũ cũng cuốn trôi 5.180 con gia súc, 175.000 con gia cầm, gây ngập lụt 747 trang trại. Bên cạnh đó, nước lũ dâng nhanh, chảy xiết đã làm sạt lở 25 đập, tràn thủy lợi, vỡ 24 đập thủy lợi nhỏ, hư hỏng 19 trạm bơm, sạt lở trên 10.000m kênh mương. Nhiều tuyến quốc lộ như: 217B, 15, 15C, 16, 217, 47, các tuyến đường tỉnh 521C, 521E, 519B..., nhiều tuyến đường huyện, đường tuần tra biên giới bị sạt lở, hư hỏng, gây ách tắc cục bộ.

Qua tổng hợp, các tuyến đê cấp III đến cấp I trên địa bàn tỉnh có 8 điểm sạt lở; 7 điểm đùn sủi, thẩm lậu, lỗ rò; 2 điểm nước tràn, gần tràn; 3 cống phát sinh sự cố chảy lồng, cửa bị kẹt, nước vượt ngưỡng cửa chảy vào đồng...

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Hiện tại, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang huy động tối đa công suất các trạm bơm, cống tiêu để tiêu úng. Bộ CHQS tỉnh đã điều động hơn 623 cán bộ, chiến sỹ lực lượng thường trực, hơn 8.500 lượt dân quân tự vệ, 770 cán bộ, chiến sỹ lực lượng hiệp đồng, cùng nhiều trang thiết bị để hỗ trợ các địa phương. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh cũng đang huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đến hỗ trợ các địa phương trong công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ. Ngành Công thương huy động gần 2.000 thùng mì tôm, 1.800 kg lương khô, gần 5.500 lít nước uống để hỗ trợ người dân vùng lũ. Hội Chữ thập đỏ đang thực hiện phân phối hàng cứu trợ cho người dân các huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Yên Định...

Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa tiếp nhận ủng hộ từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. (Ảnh Ngọc Huấn)

Cùng chia khó với người dân vùng lũ, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Phật giáo thành phố Thanh Hóa cùng đoàn viên thanh niên, phụ nữ xã tổ chức nấu cơm, cấp phát 2.000 suất ăn mỗi ngày cùng nước sạch tới tận tay nhân dân đang bị nước cô lập do lũ ở xã Thiệu Dương. Huyện Lang Chánh hỗ trợ 10 hộ dân bị sập nhà, lũ cuốn trôi, tổng 200 triệu đồng để tạo dựng lại nhà ở. Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận 50 triệu đồng từ tập thể Sở Công thương hỗ trợ nhân dân các địa phương bị ngập lụt. Đoàn cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên, trao quà cho bảy gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ngập lụt tại xã Tượng Sơn và trao 232 thùng mì tôm cho các gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ tại xã Trung Thành, huyện Nông Cống.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, lực lượng chức năng giúp nhân dân tu sửa, vệ sinh nhà cửa, tiêu độc, khử trùng, xử lý nguồn nước, sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn; tập trung huy động lực lượng, phương tiện để tu sửa, khắc phục các sự cố về giao thông, thủy lợi.

Chuẩn bị ứng phó với bão số 11

Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng tập trung triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 11 đang hướng vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.

Đời sống nhân dân vùng lũ đang gặp nhiều khó khăn. (Ảnh Sao Mai)

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương và các ngành thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại nơi tránh trú. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng và bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, hồ đầy nước. Sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn, kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu...

Hải Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]