(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2017, Thanh Hóa tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo. Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất, PV Báo VH&ĐS đã ghi lại những chia sẻ, nhìn nhận về thành tựu và những ý kiến đóng góp, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển quê hương của nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mỗi ý kiến, mỗi tấm lòng

Năm 2017, Thanh Hóa tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo. Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất, PV Báo VH&ĐS đã ghi lại những chia sẻ, nhìn nhận về thành tựu và những ý kiến đóng góp, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển quê hương của nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh.

Phát triển đảng viên phải có sự kế thừa và liên tục

Đồng chí Trần Đình Lăng - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa

Tôi rất vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển KT-XH của đất nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Để đạt được kết quả quan trọng thì sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định sự thắng lợi về mọi mặt.

Về công tác xây dựng Đảng hiện nay ở một số nội dung như công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác kiểm tra các hoạt động của Đảng, công tác phát triển đảng viên, công tác dân vận, tổ chức cán bộ... đều đạt được những thành quả nhất định. Nhiều Nghị quyết, chính sách của Đảng hợp lòng dân; Tình hình đảng viên sinh hoạt ở chi bộ thôn, xóm, khu phố được duy trì đều đặn, nền nếp; Đảng viên công tác ở các cơ quan, đơn vị về nghỉ hưu đều gương mẫu, tích cực tham gia công tác, hoạt động ở khu dân cư. Tuy nhiên, hiện nay việc chỉ đạo về đổi mới sinh hoạt ở cơ sở còn chậm; nội dung các buổi sinh hoạt chưa thật thiết thực; việc truyền đạt, đưa các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống còn chưa nghiêm túc, dẫn đến nhiều nghị quyết đảng viên không nắm được. Hàng năm, việc kiểm điểm, bình bầu đảng viên còn thiếu sự linh hoạt, cần có sự động viên, khuyến khích đối với đảng viên lớn tuổi.

Vấn đề đặt ra đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay là chống tiêu cực và đào tạo cán bộ. Việc chống tiêu cực nêu ra nhiều nhưng giải quyết chưa triệt để, vấn đề không phải làm ngày một, ngày hai mà phải làm kiên trì, thường xuyên, có hiệu quả. Đối với công tác đào tạo cán bộ không rõ ràng, cần phải có lớp cán bộ có trình độ lý luận, đi sâu vào thực tiễn. Nhiều đồng chí xuống dân hỏi lúng túng, cán bộ đào tạo ngành nào thì cần đi sâu ngành đó, tránh tình trạng trái ngành, trái nghề, dẫn đến làm việc không hiệu quả. Công tác đào tạo cán bộ rất quan trọng, làm không cụ thể qua loa là dẫn đến mất đoàn kết. Bên cạnh đó, bệnh nể nang đề bạt cán bộ là người thân, con em gia đình khá phổ biến.

Hiện nay, ở các khu phố, làng bản, doanh nghiệp không phát triển được đảng viên và không kết nạp được đảng viên trẻ. Muốn Đảng ngày càng lớn mạnh thì công tác phát triển đảng viên cần đặc biệt chú trọng, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác xây dựng, phát triển đảng viên cần có sự kế thừa, liên tục. Vừa chú trọng phát triển đảng viên trẻ, vừa phát huy được lớp đảng viên lớn tuổi, là cán bộ, công chức nhà nước nghỉ hưu trở về địa phương, khu phố sinh hoạt. Đây chính là những đảng viên có năng lực, kiến thức, kinh nghiệm cần phát huy làm tốt, làm gương và khuyến khích tham gia cấp ủy, mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị ở khu phố, thôn. Có như vậy, Đảng mới thực sự vững mạnh, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần ổn định tình hình chính trị, phát triển KT-XH, QP-AN.

Nông nghiệp nông thôn phát triển nhờ cơ chế chính sách phù hợp

Đồng chí Nguyễn Văn Thát - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã có bước phát triển khá toàn diện, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ nhằm nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng các cây trồng chủ lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất các loại cây trồng chủ lực để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, thực hiện quy trình thâm canh, ứng dụng đồng bộ nhiều tiến bộ kỹ thuật, được ứng dụng rộng rãi như ICM, IPM, SRI, phân viên nén, phân chuyên dùng, cơ giới hóa đồng bộ vào quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai xây dựng và phát triển các vùng sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo vệ sinh ATTP. Đáng chú ý, để kích cầu phát triển một trong số các cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Hiện tại, ngành nông nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua việc đôn đốc các địa phương tích cực thực hiện mục tiêu, giải pháp đề ra trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là tập trung tích tụ ruộng đất...

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo tôi nông nghiệp nông thôn trong tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn đó là: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phát triển thiếu bền vững, thu nhập của nông dân chậm được cải thiện; chất lượng nông sản, ATTP chưa đáp ứng yêu cầu, phần lớn sản phẩm chưa có thương hiệu và thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là khi đưa vào sản xuất quy mô lớn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn khó khăn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ tồn tại ở dạng mô hình thử nghiệm và đa phần có sự bảo trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao, có tay nghề trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu.

Để nông nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển bền vững, theo tôi trong thời gian tới tỉnh ta cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh ATTP và xây dựng nông thôn mới; tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn; tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất thâm canh. Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển thủy sản cả nuôi trồng, đánh bắt, gắn với chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Cần thực hiện tốt việc cải cách hành chính

Đồng chí Phạm Bá Dung - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Trước hết muốn cải cách hành chính thì phải cải cách bộ máy. Điều đó yêu cầu cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở phải vào cuộc. Tình trạng bộ máy hành chính còn chồng chéo, nhiều tầng, chức năng không phân định rõ ràng dẫn đến không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Thứ hai về công tác bố trí cán bộ hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, áp lực về vấn đề lao động việc làm lớn. Thứ ba, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà nhiều loại giấy tờ.

Vừa rồi chúng ta có thực hiện một số bước để cải cách thủ tục hành chính tiêu biểu là việc đưa vào hoạt động mô hình một cửa, một cửa liên thông. Tất nhiên đã từng bước giảm được những hạn chế, bỏ bớt được nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, song vẫn chưa đồng bộ. Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII cũng đang từng bước giải quyết vấn đề bộ máy, sau đó từng bước giải quyết vấn đề cán bộ. Tuy nhiên đây là vấn đề không thể “một sớm một chiều” mà giải quyết xong.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, ưu điểm của chúng ta đó là việc cải cách hành chính đang được thực hiện rất quyết liệt. Ví dụ như việc triển khai cổng thông tin điện tử, giao ban trực tuyến ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố nhằm giảm chi phí và thời gian. Về thủ tục hành chính, chúng ta đang cố gắng giảm bớt những thủ tục trong phạm vi quyền hạn cho phép. Về bộ máy cũng đang rà soát lại, sắp xếp lại, ví dụ ghép các trường, nhất nguyên hóa chức danh Bí thư - Chủ tịch, sắp xếp lại thôn, bản nhằm giảm đầu mối.

Về công tác cán bộ, có thể nói Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong việc thi tuyển cán bộ, công chức từ cấp xã trở lên đến cấp tỉnh, thi công chức được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Những việc làm trên bước đầu mang lại chuyển biến tốt, dấu hiệu tốt trong công tác cải cách hành chính hiện nay.

Nói riêng về Trung tâm Hành chính công Thanh Hóa, đây là mô hình còn rất mới. Chính vì thế, tôi suy nghĩ cần làm thế nào đó để chống hình thức, đòi hỏi cán bộ làm việc tại trung tâm phải là người giỏi, đa năng, nắm rõ chuyên môn.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay cũng như thực trạng chung nằm ở vấn đề bộ máy, sự đấu mối giữa các cấp, các ngành chưa hiệu quả dẫn đến không tránh khỏi sự chồng chéo, chưa phân công trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng.

Giải quyết vấn đề này cần có quá trình, song trong đó vấn đề con người là quan trọng nhất. Cần có những cán bộ được đào tạo, thường xuyên cập nhật thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách mới, cán bộ phải được tuyển dụng theo yêu cầu mới đảm bảo nhiều yếu tố như: Chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin, tinh thần ham học hỏi, tìm hiểu, bồi dưỡng để nắm vững những kiến thức mới... Và theo tôi, cải cách hành chính là cần thiết, nếu không cải cách hành chính thì không thực hiện được những nhiệm vụ khác.

Tiếp tục xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất và người xứ Thanh

Đồng chí Nguyễn Đức Thắng - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Có thể khẳng định trong những năm qua, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới để tiếp tục có nhiều đổi mới hơn nữa trong lĩnh vực này, tỉnh ta cần tiếp tục phát huy giá trị truyền thống, đặc biệt là giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa có lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường dũng cảm, có ý chí vượt khó vươn lên, có tấm lòng nhân ái. Đó là những giá trị được đúc kết từ ngàn năm, là vốn quý mà cha ông ta để lại. Phải lấy truyền thống lịch sử đất và người xứ Thanh là dòng chủ đạo để tạo nên sự đồng thuận, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đồng thời tiếp nhận những giá trị mới của con người hiện đại thông minh, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có tri thức khoa học, tiếp cận những cái mới của nhân loại để xây dựng quê hương, đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với đó, Thanh Hóa cần tiếp tục tập trung cho xây dựng, hoàn thiện các thiết chế, cơ sở vật chất, công trình văn hóa để ngày càng phát huy các tác dụng trong đời sống xã hội. Giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống, tiếp cận văn hóa hiện đại hài hòa, xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp trong các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng con người Thanh Hóa mang bản sắc, phát huy nét đẹp riêng của người Thanh Hóa. Và muốn xây dựng được con người văn hóa cần phải có giải pháp từ kinh tế, chính sách xã hội, đào tạo giáo dục, tạo môi trường để mọi người có điều kiện phát triển cao nhất khả năng. Nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể để con người Thanh Hóa phát huy được giá trị truyền thống tốt đẹp đó.Đồng thời đấu tranh chống lại những tiêu cực, nhất là những suy thoái về giá trị đạo đức, tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm làm phương hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách bài bản hơn nữa để cuộc vận động xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất và người xứ Thanh ngày càng lan tỏa cả bề rộng và chiều sâu...

Đổi mới và tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ

Đồng chí Văn Như Tước - Nguyên Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy

Để làm tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ có nhiều việc phải làm. Tôi xin được nêu thêm đôi điều suy nghĩ mà tự bản thân thấy là hết sức cần thiết:

Trước hết phải có quan điểm và phương pháp đúng trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ. Muốn đánh giá đúng cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ đối với cán bộ được phân công, phải căn cứ vào kết quả công việc mà cán bộ đã làm. Mặt khác phải quán triệt đầy đủ nội dung, tiêu chuẩn cán bộ. Trong tình hình hiện nay phải hết sức chú trọng vấn đề phẩm chất, đạo đức.

Khi đã có nhận xét, đánh giá rõ cần phân loại để có biện pháp bố trí, sắp xếp cụ thể, sát hợp với từng loại cán bộ. Những cán bộ có sai lầm nghiêm trọng, những người bất tài, kém đức, thiếu trách nhiệm, không trung thực, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc cố tình làm sai thì phải kiên quyết xử lý. Những người tuy không có sai phạm, nhưng chỉ thấy chung chung, ba phải, vô thưởng vô phạt, an phận thủ thường, không dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng, không tỏ rõ chính kiến, dao động, nghiêng ngả, “gió chiều nào che chiều ấy” cũng phải xem xét để điều chỉnh, thay thế.

Việc nói “có lên có xuống, có vào có ra” là điều bình thường trong công tác cán bộ, là quy luật tất yếu của sự vận động, phát triển nhưng vận dụng thì không đơn giản. Do vậy trong chỉ đạo, cấp trên phải nắm vững tình hình, nắm vững cán bộ, có thái độ công minh, khách quan và kiên quyết.

Trong sắp xếp bộ máy, kiện toàn tổ chức, bầu cử cấp ủy cần vận dụng hài hòa giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Phải biết kết hợp các thế hệ một cách đúng đắn. Trong tình hình hiện nay phải ra sức đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện từng bước việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Đồng thời phải biết sử dụng, phát huy đối với những cán bộ lớn tuổi mà còn có sức khỏe, có khả năng tiếp tục cống hiến. Nếu biết trọng dụng, biết kết hợp đúng đắn, cán bộ cũ, cán bộ già với cán bộ mới, cán bộ trẻ sẽ tạo thành sức mạnh đồng bộ. Đối với cán bộ đã nghỉ hưu cũng cần tạo điều kiện để họ có thể tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng tùy theo khả năng và điều kiện sức khỏe của mỗi người.

Điều quan trọng là phải làm tốt quy hoạch cán bộ. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, nhiệm vụ và thực trạng đội ngũ cán bộ, căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn mà có chương trình, kế hoạch huấn luyện, đào tạo kế cận, bố trí chuyển đổi, phân công hợp lý, nhằm tăng cường sức trẻ, tăng cường chất lượng. Đồng thời tích cực tổ chức động viên để tận dụng, phát huy kinh nghiệm của cán bộ lớn tuổi, bảo đảm được tính kế thừa, liên tục trong cơ cấu đội ngũ cán bộ, tránh tình trạng hẫng hụt, bị động, chắp vá.

Các yêu cầu về cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có học vị, bằng cấp cũng hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, nhưng cơ bản vẫn là phải đảm bảo tiêu chuẩn, tránh việc áp đặt chỉ tiêu theo cách hình thức, máy móc.

Đổi mới và tăng cường công tác cán bộ là trách nhiệm chính của các cấp ủy Đảng, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ngành, các địa phương, đặc biệt là những người đứng đầu.

Phương pháp tiến hành là phải tập thể, dân chủ, phát huy tự phê bình và phê bình, lắng nghe ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng. Cơ quan giúp cấp ủy làm công tác cán bộ như tổ chức, kiểm tra phải bao gồm những người trung thực, thẳng thắn, có lập trường, bản lĩnh, động cơ đúng đắn, không định kiến hẹp hòi, không cảm tình thiên vị, không giao động, ngập ngừng, lệch hướng bởi những tác động của sức ép và can thiệp mờ ám.

Kiên quyết chống mọi tình trạng vì động cơ cá nhân nên sinh ra thiên vị, nể nang, tùy tiện trong việc tuyển dụng, bố trí, đề bạt, cất nhắc theo cung cách “tứ ệ” (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ), “5 C” (con cháu các cụ cả), hoặc ưu ái“không trong sáng” mà cho thăng tiến cấp tập hay bổ nhiệm thần tốc bất chấp các điều kiện về quy trình và tiêu chuẩn, cùng mọi hành động tiếp tay, ủng hộ cho những kẻ cơ hội luồn lọt để mưu cầu danh vị, mua bán chức quyền.

Làm được như vậy cũng là để góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.

Nhóm PV


Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]