(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trên cuộc hành trình tìm kiếm về những người lính Tiểu đoàn 5, bác Nguyễn Viết Hiếu và Nguyễn Phương Ngân là những người hiếm hoi mà tôi đã may mắn được gặp, được nghe họ kể về những kỷ niệm được gặp Bác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một lần gặp Bác - Một đời không quên

(VH&ĐS) Trên cuộc hành trình tìm kiếm về những người lính Tiểu đoàn 5, bác Nguyễn Viết Hiếu và Nguyễn Phương Ngân là những người hiếm hoi mà tôi đã may mắn được gặp, được nghe họ kể về những kỷ niệm được gặp Bác.

Bác Hồ đến thăm cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tổ quốc tại Sầm Sơn.

Với mỗi người con quê hương Việt Nam yêu nước, trong trái tim đều dành cho Bác Hồ một tình cảm thiêng liêng đặc biệt. Và mỗi người thể hiện tình cảm dành cho Bác cũng khác nhau. Và với tôi, một người con quê hương Thanh Hóa, cũng dành tình cảm của mình cho Bác rất riêng. Thanh Hóa là tỉnh vinh dự được Bác Hồ bốn lần về thăm, đến nay đã có hàng trăm nghìn hiện vật về Đảng, Bác Hồ kính yêu được trưng bày nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, bất cứ ai đến Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Lê Hoàn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa đều xúc động bởi những tư liệu, hiện vật về Người. Trong số đó có bức ảnh với dòng chú thích: “Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc tại Sầm Sơn (18/7/1960) cứ ám ảnh trong tâm trí và thôi thúc tôi tìm đến những người lính Tiểu đoàn 5 năm xưa.

Và rồi, công cuộc tìm kiếm những tư liệu về những người lính Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 vinh dự được gặp Bác Hồ năm 1960 được bắt đầu từ đó. Lần theo những lời giới thiệu, mách bảo của nhiều người, tôi đã gõ cửa các cơ quan liên quan, đi khắp các huyện Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, TP Thanh Hóa, Đông Sơn nơi nào mách bảo có “lính Trung đoàn 57” tôi cũng tìm đến chỉ mong tìm ra một chút thông tin, nhưng tất cả đều là con số 0. Có những lúc thất vọng, tôi tìm đến Khu văn hóa tưởng niệm, đứng trước anh linh Người, tôi thầm thì mong Bác hãy giúp con đạt được ước nguyện tìm gặp những người lính năm xưa. Và trong tâm khảm vẫn luôn đinh ninh một điều, họ đang ở đâu đó, gần thôi và tôi sẽ gặp

Một đời không quên

Vào một ngày tháng 2. Nắng đẹp. Theo lời giới thiệu, tôi tìm đến CLB Hàm Rồng, TP Thanh Hóa. Câu chuyện của người lính Tiểu đoàn 5 Nguyễn Viết Hiếu về kỷ niệm gặp Bác Hồ kính yêu khiến trái tim tôi vỡ òa, như có hàng ngàn nốt nhạc đang vang lên.

Ngày ấy, chàng trai Nguyễn Viết Hiếu, quê xã Đông Quang, huyện Đông Sơn (nay sinh sống ở khu phố Nam Cao, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) mới chỉ mười tám đôi mươi. Tuổi trẻ tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sau 3 tháng huấn luyện tân binh tại xã Hải Lĩnh, Tĩnh Gia (Trung đoàn 53), anh binh nhì Nguyễn Viết Hiếu được điều động vào Đại đội 19, Tiểu đoàn 5, phối thuộc Trung đoàn 57. Vì sao lại gọi phối thuộc? Tiểu đoàn 5 chính là tiểu đoàn thuộc Cục Hải Quân (nay là Bộ Tư lệnh Hải quân), do yêu cầu nhiệm vụ lúc bấy giờ đã phối hợp Trung đoàn 57 (Trung đoàn bộ binh đóng quân tại tỉnh Thanh Hóa, thuộc Quân khu Hữu Ngạn) có nhiệm vụ bảo vệ bờ biển Sầm Sơn, cửa ngõ số 1 trong chiến lược của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bảo vệ bờ biển Sầm Sơn lúc bấy giờ có 2 tiểu đoàn gồm Tiểu đoàn 4 (tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 57) và Tiểu đoàn 5 pháo binh - Cục Hải quân phối thuộc Trung đoàn 57.

Binh nhì Nguyễn Viết Hiếu thuộc Đại đội 19, Tiểu đoàn 5 được giao nhiệm vụ đo xa (máy đo mục tiêu trên biển) của khẩu pháo nòng dài 105mm do Nga viện trợ cho Việt Nam. Hồi ấy, mới chỉ dừng lại công tác huấn luyện và bắn đạn thật chứ chưa được chiến đấu. Tiểu đoàn 5 gồm 5 đại đội là 16,17,18,19 và Tiểu đoàn bộ (Trung đoàn 57); đại đội 16,17 đóng trên đồi Độc Cước và đại đội 18,19 và tiểu đoàn bộ đóng dưới chân đồi.

Người lính binh nhì năm xưa Nguyễn Viết Hiếu kể lại câu chuyện gặp Bác năm 1960.

Vào buổi chiều tháng 7/1960, khi anh vừa đến trận địa tập luyện thì có lệnh tập hợp gấp, sau đó được thông báo có cán bộ Trung ương đến thăm. Tất cả cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5 có lệnh tập hợp thành hình chữ U. Sau khi Trung tá Bùi Đức Tạn (Trung đoàn trưởng) báo cáo: “Tôi Trung tá Bùi Đức Tạn - Trung đoàn trưởng tập hợp bộ đội đầy đủ, xin mời Bác Hồ nói chuyện”. Trung tá vừa báo cáo xong, Bác vẫy tay, tất cả các chiến sỹ vỡ òa, chạy ào sang Bác. Bác giơ tay lên và ân cần nói: “Các cháu làm gì cũng phải có kỷ luật”, rồi hỏi thăm tình hình đời sống cán bộ, chiến sỹ.

Câu đầu tiên Bác hỏi: “Các cháu có biết đại biểu Quốc hội khóa III trong quân đội ta có bao nhiêu người không?”. Rất nhiều đồng chí trả lời nhưng tất cả đều sai. Bác nói: “Đại biểu Quốc hội trong quân đội của ta có 21 đại biểu. Chỉ có quân đội ta mới được tham gia đại biểu quốc hội chứ quân đội của đế quốc thì không có tham gia vì nó chiến đấu không có mục đích”.

Bác dặn: “Các cháu nên tổ chức đọc báo trong nhà ăn để cho mọi người cùng biết, tăng cường làm công tác báo tường”.

Bác hỏi tiếp: “Các cháu có ăn no không”? “Các cháu có tăng gia không?”; “tăng gia thì tăng gia cái gì”?. Mọi người đồng thanh: “Có ạ”.

Bác nói: “Bác biết các cháu chưa no nhưng nhà nước ta đã cố gắng, các cháu phải cố gắng tăng gia để đảm bảo sinh hoạt. Các nước họ ăn lương thực rất ít, nhưng vẫn no, riêng nước ta các cháu ăn lương thực 24kg trên đầu người vẫn chưa no vì ta chưa có đủ nguồn thực phẩm nên năng lượng chưa đủ. Các cháu cố gắng tăng gia sản xuất để nâng cao mức sống”.

Bác dặn dò tăng gia là nuôi dê, nuôi bò, câu cá, trồng cây lương thực như củ sắn trắng, trồng lúa đồi, trồng rau muống.Bác tỉ mỉ chỉ cách lấy xịn biển ủ với phân bắc sau đó trộn đều, lấy để trồng sắn thỉ củ sắn sẽ to. Và sau khi thu hoạch sắn, trước khi ăn phải ngâm sắn với nước muối trước.

Câu thứ 3 Bác hỏi: “Các cháu có thi đua không”? “Thưa Bác có ạ”, “Thế thi đua thì thi đua cái gì”. “Thi đua ba nhất ạ”. Bác hỏi tiếp “nhất thì nhất những gì” thì chiến sỹ đều trả lời sai. Bác nhắc ba nhất là phải “nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất”, nghĩa là nhiều người tham gia nhất, tính năng, kỹ thuật tinh thông nhất; phải góp phần vào phong trào thi đua chung của cả nước là “sóng duyên hải, gió đại phong, cờ hồng ba nhất”. “Thi đua thì phải biết nội dung thi đua, bám sát nội dung thi đua để mà thi đua”. Bác căn dặn “phải thi đua, thi đua thật tốt, học tập tốt” thì Bác sẽ viết thư về khen. Bác dặn “Sầm Sơn là cửa ngõ số 1 của tổ quốc, các cháu phải bảo vệ thật tốt”.

Sau này trong trí nhớ binh nhì Nguyễn Viết Hiếu, Bác Hồ có viết thư về khen, bức thư viết bằng mực đỏ. Năm 1961 khi tiểu đoàn chuyển đi, trong thư gửi cho các chiến sỹ Tiểu đoàn 5, người dân Sầm Sơn khi thu hoạch sắn có viết thư kể sắn thu hoạch củ rất to. Năm 1961, Tiểu đoàn 5 không làm nhiệm vụ tại Sầm Sơn, 1 đại đội đi vào Vĩnh Linh, Quảng Trị làm nhiệm vụ chiến đấu; 3 đại đội 17,18,19 trở lại Hải Phòng (Cục Hải Quân) tiếp nhận vũ khí mới bảo vệ bờ biển Hải Phòng.

Giờ đây ở tuổi gần 80, anh binh nhì Nguyễn Viết Hiếu đã thành người ông, người cha mẫu mực trong gia đình. Hình ảnh và lời căn dặn của Bác là hành trang quý giá suốt cuộc đời ông, dù làm gì ông luôn nhắc nhở mình noi theo gương Bác, học Bác ở bất cứ đâu, làm bất cứ công việc gì đều tận tụy, hết mình.

Bức ảnh đen trắng hiếm hoi của những người lính tiểu đoàn 5 mà tôi chụp lại tại Khu Văn hóa tưởng niệm Hồ Chí Minh khiến ông xúc động. Ông nhận ra những người lính Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 năm xưa trong màu áo lính hải quân và lính bộ binh, quây quần bên vị cha già dân tộc. Hình ảnh Bác Hồ mặc bộ quần áo màu vàng nhạt, râu tóc bạc phơ, hiền từ, giảng giải và chỉ dạy cho những người lính về Đảng, về cách tăng gia, sản xuất là bài học đầu tiên trong đời và đáng quý nhất trong cuộc đời ông.

“Bác Hồ đẹp như một ông Tiên”

Quê ở xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, 20 tuổi - Nguyễn Phương Ngân tình nguyện lên đường nhập ngũ. Xã Đông Hòa ngày ấy có 11 thanh niên lên đường nhập ngũ năm 1959. Những người lính 1959 là lính nghĩa vụ quân sự đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Khi ấy anh là cán bộ văn hóa xã, vợ anh là cô giáo mầm mon Nguyễn Thị Gần mới sinh con gái đầu lòng chưa tròn 1 tuổi thì anh lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Cuối năm 1959 sau 3 tháng huấn luyện tân binh tại ga nghĩa trang, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, binh nhì Nguyễn Phương Ngân được điều động về làm nhiệm vụ trinh sát tại Đại đội 17, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57. Năm 1960 từ A Trinh sát anh được chuyển về tiểu đoàn bộ binh đóng ở chân đồi Độc Cước.

Ông Nguyễn Phương Ngân, từng là người lính Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 cùng vợ Nguyễn Thị Gần sống cuộc sống giản dị tại đội 12, xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn.

Cũng như binh nhì Nguyễn Viết Hiếu, với anh lính Nguyễn Phương Ngân không bao giờ quên kí ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời người lính là vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hóa lần thứ ba. Hình ảnh vị Chủ tịch kính yêu trong bộ quần áo đậu màu vàng nhạt, áo có hai túi ở vạt và một túi trước ngực, bước xuống xe, khuôn mặt phúc hậu, hồng hào trong nắng chiều Sầm Sơn thật đẹp, thân thương nhất và anh ví “Bác Hồ đẹp như một ông tiên”.

Hình ảnh đó và những lời căn dặn của Người khi đến thăm cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển Sầm Sơn là điều thiêng liêng quý giá nhất trong cuộc đời người lính. Ai cũng cảm nhận ở Bác Hồ sự giản dị bao dung trong cách nói, ân cần chỉ bảo một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Sau này ông về công tác Bộ Tư lệnh Hải quân, chuyển về làm cơ yếu của đoàn tàu không số rồi xuất ngũ năm 1984, về quê hương.

Kỷ niệm được gặp Bác Hồ được ông kể lại cho con cháu nghe đầy tự hào. Giờ đây, trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở đội 12, xã Đông Hòa, người lính binh nhì năm xưa đã ở tuổi gần 80. Hằng ngày ông cùng vợ Nguyễn Thị Gần chăm sóc vườn rau, nuôi gà, thả cá, sống cuộc sống giản dị của tuổi già.

Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất cuộc đời ông Nguyễn Phương Ngân, nhắc nhở ông sống xứng đáng với Bác Hồ kính yêu.

Ông nhớ lại, trong một lần tình cờ cầm cuốn hòa báo, ở trang bìa là bức ảnh Bác Hồ chụp cùng những người lính Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 bảo vệ bờ biển Sầm Sơn 1960. Và ông đã nhận ra mình trong bức ảnh. Ông đã cất đi để làm kỷ niệm, tuy nhiên tờ báo đã bị mất và ông cứ tiếc mãi không thể chỉ cho tôi. Tôi đưa bức ảnh chụp về những người lính Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 tại Khu văn hóa tưởng niệm Hồ Chí Minh, ông thốt lên vui mừng: “Bức ảnh giống ở bìa bài báo mà tôi từng cất đi đây”.

Trước khi tôi ra về, ông hỏi đi hỏi lại tôi về địa chỉ bức ảnh mà tôi chụp lại rồi quả quyết “nhất định bác phải xuống thành phố một chuyến”.

Và trên cuộc hành trình tìm kiếm về những người lính Tiểu đoàn 5, có thể bác Nguyễn Viết Hiếu và Nguyễn Phương Ngân là những người hiếm hoi mà tôi đã may mắn được gặp, được nghe họ kể về những kỷ niệm được gặp Bác. Nhưng tin rằng, không chỉ riêng ở xứ Thanh mà trên dải đất chữ S thân thương sẽ còn những người lính Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5 một thời đóng quân trên bãi biển Sầm Sơn ngày nào cũng sẽ không bao giờ quên kỷ niệm quý giá nhất trong cuộc đời họ là được gặp Bác.

Trở lại biển Sầm Sơn. Bước chân thăm lại hòn Trống Mái, đền cô Tiên, đền Độc Cước, thoáng nghe trong tiếng gió vi vu, trong tiếng sóng biển vỗ vào bờ đá, bất chợt tôi lại nhớ đến câu nói của bác Nguyễn Phương Ngân về hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ, mặc bộ quần áo màu vàng nhạt bước xuống xe trong ánh nắng chiều năm xưa đẹp như một ông tiên thấp thoáng hiện ra Và với tôi cuộc hành trình tìm kiếm về những người lính Tiểu đoàn 5 có thể chưa dừng lại, nhưng những gì tôi gặp, cảm nhận đủ để tôi tin rằng trái đất luôn tròn, nếu có duyên thì dù khó khăn mấy rồi cũng sẽ tìm được, điều cốt yếu là hãy cứ tin vào những điều tốt đẹp diễn ra xung quanh ta.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]