(vhds.baothanhhoa.vn) - Tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7/8/2020 tại Hà Nội... Thông tin như tiếng dội đau buồn vào quê hương, vào toàn thể Đảng bộ và nhân dân xã Đông Khê, (huyện Đông Sơn - quê nhà của nguyên Tổng Bí thư) nói riêng, cũng như Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trước sự ra đi của một người con ưu tú!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày ấy bác về thăm quê!

Tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7/8/2020 tại Hà Nội... Thông tin như tiếng dội đau buồn vào quê hương, vào toàn thể Đảng bộ và nhân dân xã Đông Khê, (huyện Đông Sơn - quê nhà của nguyên Tổng Bí thư) nói riêng, cũng như Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trước sự ra đi của một người con ưu tú!

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết đề tựa một trong những cuốn sách của nhà giáo Trần Văn Thịnh tại tư gia (ảnh nhà giáo Trần Văn Thịnh cung cấp).

Quê hương nhớ bác!

Sáng 7/8, ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch UBND xã Đông Khê bần thần cho hay, dù chưa nhận được chỉ đạo cụ thể từ cấp trên về mọi công tác chuẩn bị, thế nhưng, tin bác Phiêu mất khiến toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong xã ai cũng đau buồn, hẫng hụt. Sáng nay, cán bộ, đoàn viên thanh niên cũng như các đoàn thể và người dân, xóm giềng không ai bảo ai, tất cả đều gác lại những chuyện việc thường nhật để đến tư gia, thăm lại căn nhà nhỏ, nơi sinh thời, lớn lên của bác để tỏ bày, vĩnh biệt người con ưu tú của quê hương về với đất mẹ.

Mọi người đã đến chung tay dọn lại vườn tược, chăm bón cây cối... Mỗi người một tay, người dọn dẹp sân vườn, người tỉa gọt cây cối. Tiết trời sáng nay u buồn đến lạ, như tiễn đưa người con quê hương! Những gốc cây bác trồng năm xưa như mít, bưởi... nay lại rộ chín!

Cũng tại tư gia của bác, bà Lê Thị Cúc cùng làng Thạch Khê Tượng nghẹn ngào: "Lâu nay, chúng tôi vẫn thường xuyên mong ngóng tin bác. Nếu bác khỏe thì năm nào bác cũng về quê, thăm người dân trong làng, xã vài ba bận. Nay nghe tin bác mất, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, hẫng hụt”. Chị Nguyễn Thị Duyên - Bí thư Đoàn xã Đông Khê thì bùi ngùi: “2 lần vinh dự được gặp bác Lê Khả Phiêu, lần nào bác cũng căn dặn các cháu phải chăm ngoan, cố gắng phát huy và gìn giữ truyền thống của Đảng bộ xã. Giờ nghe tin bác mất, đoàn viên ai cũng không cầm được nước mắt đến tư gia dọn dẹp, mong ngóng".

Ông Nguyễn Quang Lân - bạn học thuở thiếu thời xem lại bức ảnh chụp cùng Tổng Bí thư năm xưa.

Vừa lúc đó, ông Nguyễn Quang Lân (SN 1930) bước vào căn nhà và thảng thốt: “ông Phiêu - bạn tôi mất rồi sao”. Ông Lân là người bạn thuở nối khố còn hiếm ở làng Thạch Khê Tượng vớibác Phiêu. Bùi ngùi, hẫng hụt, ánh mắt nhăn nheo nhắm nghiền như để kìm nén trước sự ra đi của người bạn thân.

"Nhớ lại thuở ấu thơ, khi đó chừngmới 5 - 6 tuổi, nhà gần vách nên hôm nào tôi với anh Phiêu cũng rủ nhau cắp tập sách đến nhà cụ đồ giáo Ứớc học. Trưa về thì ra hồ nước trước nhà tắm đẫy. Anh Phiêu (ít hơn tôi 1 tuổi nhưng gọi anh quen rồi) là người tài năng, thông minh và học giỏi. Năm 14 tuổi, anh ấy tham gia Đội thiếu niên cứu quốc, làm đội trưởng. Năm 18 tuổi kết nạp Đảng và là trưởng ban thông tin tuyên truyền của xã. Chúng tôi cùng nhau lớn lên, hoạt động tại xã cho tới năm 1950 tôi và anh ấy nhập ngũ" - ông Nguyễn Quang Lân nhớ lại.

Ông Lân kể tiếp: "Những năm tháng chiến đấu, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Cho đến năm 1953, khi ta thành lập 1 tiểu đoàn sang Lào đi giải phóng đồn Chiền Chia để trận viện cho Chiến dịch Điện Biên, anh Phiêu ở Trung đoàn 9, thuộc thị xã Sầm Nưa còn tôi Trung đoàn 120 đóng ở Sầm Tớ cũng có duyên gặp 1 lần. Anh ấy là người tài, trực tiếp cầm súng và được tôi luyện thực tiễn nên sớm được Đảng và Nhà nước giao phó cho nhiều trọng trách, cao nhất là Tổng bí thư. Anh ấy cũng được nhân dân suy tôn là nhà chính trị - quân sự xuất sắc, nhà hoạt động thực tiễn nhiệt huyết"...

"Dẫu vậy, dù là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng anh ấy chân chất lắm, gần gũi lắm, không phải chỉ với tôi mà với tất cả người dân. Hôm rồi, cũng mới đận Tết Canh Tý, tôi có bảo con cháu lần giở danh bạ điện thoại gọi cho anh ấy! Khi đấy cháu Hồng (con gái đầu của bác Phiêu) cầm máy bảo bố cháu ốm. Nay nhận tin này mà lòng buồn thắt"! Nói rồi ông Lân lại lủi thủi về nhà, ông bảo về lần giở những tấm hình, những kỷ vật với nguyên Tổng Bí thư lần nữa!...

“Bác Phiêu sống mãi trong tôi!”

Như lệ, sau giờ lên sinh hoạt câu lạc bộ Hàm Rồng về, bác Phạm Văn Tích - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lại mở máy tính để theo dõi tin tức. Tin bác Phiêu mất như nhói sâu vào tâm can ông. Vậy là bác Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí Thư - người con ưu tú của tỉnh nhà đã trở thành người thiên cổ, và sẽ không còn một cuộc gặp, cuộc dự, cuộc sẻ chia nào với ông cũng như câu lạc bộ Hàm Rồng nữa. Tại tư gia, bác Tích vỗ vai tôi, thở dài và chia sẻ: "Bác Phiêu là người rất gần gũi với nhân dân, gần như giữa bác với chúng tôi, với người dân không có khoảng cách. Bác về, bác gặp lãnh đạo tỉnh, gặp người dân xã nhà, bác giống như một người cha, người chú, thậm chí là người bạn".

"Đặc biệt, trong những lần bác về thăm câu lạc bộ Hàm Rồng, bác luôn dành một tình cảm trân quý đặc biệt. Bác đã chụp rất nhiều ảnh với câu lạc bộ. Những năm còn khỏe, gần như năm nào bác cũng về thăm câu lạc bộ, cũng dự mừng thọ đầu năm. Thậm chí có lần bác bảo: hay các cậu kết nạp mình làm hội viên câu lạc bộ Hàm Rồng đi. Lúc đó, chúng tôi hớt hãi bảo: Ấy chết, anh mà vào câu lạc bộ thì phải bầu anh làm chủ tịch chứ ai lại làm hội viên. Nói vậy, chứ bác bận lắm! Sức khỏe bác lúc đó cũng đã yếu đi nhiều" - bác Phạm Văn Tích kể tiếp.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - Phạm Văn Tích nói, bác Phiêu sống mãi trong tôi, trong lòng người dân Thanh Hóa.

Bác Tích nhớ, trước đây, những lần bác Phiêu về, nơi bác ở chính luôn là nhà khách Tỉnh ủy. Dù có sự kiện lớn của tỉnh, dù bố trí cho bác ở một nơi khác khang trang, tiện nghi hơn nhưng bác trước sau như một. Mãi hỏi thì hay, bác ở đây đã thành quen! Ở đó, bác được gặp gỡ, tâm tư với anh chị em tại nhà khách. Họ... những người bác bảo gần gũi thành quen, về không hỏi han không đặng. Đặc biệt các cháu giúp việc ở nhà khách Tỉnh ủy cũng rất quý mến bác. Đồ ăn, thức uống cho bác mỗi khi về đây gần như đã thành nếp mà không ai cần phải hỏi.

Gần đây nhất, là dịp kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, Ban tổ chức đã bố trí cho bác nghỉ ở khách sạn Mường Thanh, thế nhưng một lần nữa bác lại về nhà khách Tỉnh ủy. Sau đó các đoàn khách Trung ương khác về, biết bác không ở khách sạn mà về nhà khách thì các đoàn cũng xe về ở cùng bác...

Là một trong những người nhiều lần gặp gỡ, làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhà giáo Trần Văn Thịnh, Chủ tịch Liên chi hội khoa học lịch sử lực lượng vũ trang Thanh Hóa khi hay tin bác mất lòng không khỏi bùi ngùi. Ông còn nhớ, lần gặp đầu vào năm 1997 khi tác giả viết bài về quê hương và tiểu sử Tổng bí thư, sau đó được đích danh bác Lê Khả Phiêu duyệt và khen ngợi. Cái “duyên” với nguyên Tổng Bí thư của nhà giáo cũng bắt đầu từ đó. Nhà giáo Trần Văn Thịnh khẳng khái: "Tổng Bí thư là người kiên định, nhiệt huyết, tâm tình, gần gũi, quần chúng và mang đậm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ. Kể từ khi tham gia cách mạng, là người chiến sỹ cầm súng cho tới khi trở thành một vị tướng, một Tổng Bí thư, bác đã cống hiến to lớn vào công cuộc xây dựng, lãnh đạo quân đội, xây dựng, lãnh đạo đất nước. Trong quân đội, bác Phiêu là một vị tướng kiên định với lập trường, quan điểm việc bảo vệ và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Khi giữ chức vụ cao nhất trong Đảng, bác dồn sức quan tâm đến các vấn đề xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh với quan liêu, tham nhũng.. Trong cuộc sống, bác là người thẳng thắn, trung thực, khiêm nhường, sâu sát thực tế, cơ sở, quần chúng, nói đi đôi với làm"...

Với Thanh Hóa, bác Phiêu gần gũi, chân tình, gần như không có khoảng cách với nhân dân. Không đâu xa, trong những lần về công tác, đến thăm Nhà máy Mía đường Lam Sơn, bác trực tiếp xắn quần lội ruộng, trò chuyện với người dân về hiệu quả, năng suất, giá bán... Đến Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn lúc gặp khó khăn, Tổng bí thư bảo muốn nghe trực tiếp công nhân, cán bộ nhà máy nói... rồi bác cho lời khuyên, cho chỉ đạo!...

Vậy mà! giờ đây bác Lê Khả Phiêu đã đi xa... Nhà giáo Trần Văn Thịnh ngậm ngùi, xót xa...

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]