(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhân cách của từng người không tự nhiên có sẵn khi ra đời mà được hình thành, phát triển và hoàn thiện trong cuộc sống của người ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân cách Hồ Chí Minh

Nhân cách của từng người không tự nhiên có sẵn khi ra đời mà được hình thành, phát triển và hoàn thiện trong cuộc sống của người ấy.

Hồ Chí Minh sinh ra trong gia đình gia giáo, nhân ái, yêu thương sâu sắcnhững người lao động, một gia đình nội, ngoại đều hiếu học và đỗ đạt, có chí lớn cộng với một quê hương nghèo khó nhưng là chốn thi thư, đất văn vật, yêu quê hương và yêu đất nước, tiếp thu và nối tiếp truyền thống văn hóa dân tộc trong một thời đại với nhiều sự kiện mang nhiều ý nghĩa tác động không nhỏ đến quá trình hình thành phát triển và hoàn thiện nhân cách Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là con người của dân tộc, con người của thời đại. Thời đại đã tác động đến sự hình thành nhân cách của Người và chính nhân cách của Người tác động tích cực trở lại đối với thời đại. Người được coi là: "một biểu tượng kiệt xuất của quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội". Hồ Chí Minh đã: "đóng góp quan trọng về nhiều mặt... trong các lĩnh vực, văn hóa giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau".

Hồ Chí Minh có một tố chất đặc biệt về phẩm chất cá nhân: Là người nhạy bén có khả năng tiếp thu nhanh, nhất là cái mới và luôn luôn đổi mới, Người không bảo thủ và giáo điều, luôn có xu hướng cách tân, sáng tạo. Người đã không theo phong trào Đông Du sang Nhật như Phan Bội Châu mong muốn và tạo điều kiện, mà sang Pháp và các nước phương Tây. Mẫn cảm với thời cuộc, nhạy bén với chính trị, nhạy bén với tri thức mới, kiên định về nguyên tắc nhưng không cứng nhắc, rập khuôn.

Ngay cả việc tiếp thu và xây dựng chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh cũng trên cơ sở của hoàn cảnh cụ thể đúng lúc và đúng nơi để vận dụng sáng tạo và thực hiện ví như việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một sự kiện hệ trọng của Đảng và của dân tộc. Hay như Người viết bài nổi tiếng có một không hai báo cáo Quốc tế cộng sản "Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ" về thực tế ở Việt Nam và các nước thuộc địa và cả sau này cũng vậy.

Một số người giúp việc cho Hồ Chí Minh trong đó có đồng chí Vũ Kỳ cho biết: Trong cuộc sống thường ngày, có một số việc Người đã đưa ra cho các đồng chí giúp việc, nhưnglúc sau hoặc buổi sau, Người lại thay đổi khác đi. Các đồng chí giúp việc rất băn khoăn, thưa với Bác: Tại sao, thì Hồ Chí Minh trả lời, tình hình lúc này khác đi rồi hoặc bây giờ có cách tốt hơn.

Sự nhạy bén của Hồ Chí Minh đối với cái mới không có nghĩa là cứ thay đổi liên tục các quan điểm của mình, mà khi có thay đổi phải được đặt trên nền tảng vững chắc của tính nguyên tắc. Cái thấy đúng trước sau vẫn đúng, giữ vững, trước sao sau vậy, không hề suy suyển, nao núng. Đó chính là tư duy biện chứng và hành động của Hồ Chí Minh.

Cái nhanh nhạy, cái kiên trì, hay nói cách khác là giữ vững nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, luôn luôn sáng tạo... đó là những phẩm chất cực kì quý giá, quan trọng cần thiết đối với nhà hoạt động chính trị đồng thời là nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh.

Các đồng chí: Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen và tặng hoa cho các tập thể điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2019.(Ảnh: Thu Thủy)

Hồ Chí Minh là người có ý chí lớn lao, mạnh mẽ của dân của nước theo con đường của thời đại, khác xa với con đường thất bại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của các sĩ phu yêu nước. Hồ Chí Minh đã nói rõ vì sao không đi theo con đường cứu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám. Không lệ thuộc và tư duy phê phán của Hồ Chí Minh về các phong trào yêu nước, chứng tỏ Người có nhãn quan chính trị tinh tường về thời cuộc, sắc sảo và đúng đắn, đúng con đường phải đi, phải trải. Chính vì vậy mà Hồ Chí Minh bao giờ cũng biết làm chủ vượt qua mọi tình thế, tình huống, hoàn cảnh.

Làm chủ bản thân mình là điều không đơn giản chút nào. Hồ Chí Minh đã tổng kết về mối quan hệ cơ bản nhất của một con người; đối với người - đối với việc - đối với mình. Trong đó đối với mình là khó nhất. Đối với người có chức, có quyền làm chủ bản thân mình thì còn khó hơn nữa, bởi vì cám dỗ hơn ai hết.

Hồ Chí Minh làm chủ được mình nên sống lạc quan;

Ví không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Nghĩ mình trong bước gian truân

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.

(Tự khuyên mình).

Hồ Chí Minh là người có khả năng biến những giá trị văn hóa của dân tộc và của nhân loại thành giá trị của riêng mình, biết tiếp thu, kế thừa và phát triển. Là người mà 30 năm đến nhiều nước trên thế giới, 30 năm sống ở nước ngoài với nhiều gian truân, vất vả, nhưng Hồ Chí Minh có ý thức tìm hiểu các giá trị văn hóa của thế giới. Đi nhiều nên đãhọc được nhiều và làm được những việc lớn lao, vĩ đại cho dân tộc, cho thế giới.

Từ một người có khả năng biến những điều tiếp thu được, đúc kết thành những vấn đề có hệ thống là một học thuyết rồi tổ chức hoạt động thực tiễn biến chúng thành hiện thực.

Cuộc đời Hồ Chí Minh là quá trình không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu cho cái chân, thiện, mỹ. Người rèn đạo làm người cho đến trọn vẹn cuộc đời. Sự tu dưỡng, rèn luyện này luôn gắn với cái tâm trong sáng. Cái tâm trong Đức, trong Trí, trong Nhân, trong Dũng... Các yếu tố này có tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách đạo đức, nhân cách trí tuệ Hồ Chí Minh.

Gia đình, quê hương, đất nước đã hình thành nên ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc một nhân cáchgiàu lòng yêu nước, mang trong mình hoài bão của dân, của nước, nhân ái thương người, nhất là người bị áp bức, người nghèo khổ, và thấu hiểu sức mạnh ý chí độc lập, tự cường của dân tộc lại được bồi đắp cuộc sống ở Pháp, nhiều nước thuộc địa Châu Á, Châu Phi, khu vực Mỹ Latinh. Thực tiễn sống, hoạt động và đấu tranh phong phú trên thế giới đã hình thành ở Người những nét mới trong nhân cách; rõ nhất là niềm tin vào lương tri, lẽ phải, sức mạnh của con người và lòng nhân ái bao la giữa những con người khốn cùng bị đầy đọa đã đưa người đến nhận thức mới: 1 - Ở các nước thuộc địa, người lao động bị thực dân đế quốc đầy ải trong tủi nhục, đói nghèo... và ở đâu các dân tộc bị áp bức cũng đều có khát vọng đấu tranh đòi giải phóng. Ý thức đoàn kết quốc tế của người được hình thành từ đó. 2 - Ở các nước tư bản phát triển, tự xưng là văn minh thì có hai loại người: Tầng lớp trên sống sung sướng, xa hoa, thừa thãi còn đa số nhân dân lao động phải sống cuộc đời bần hàn, nheo nhóc. Chính sự chứng kiến và thông cảm với những người cùng khổ và lòng căm ghét bọn tư bản, đế quốc thực dân nên tình cảm và ý thức giai cấp ở Nguyễn Tất Thành từng bước được ngưỡng mộ và ngày càng lớn.

Thực tiễn cuộc sống đã không ngừng làm giàu thêm trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc, những yếu tố nêu trên đã tạo nên hành trang tư tưởng - văn hóa cho phép Người có được suy nghĩ, tư duy độc lập trong việc lựa chọn hướng đi tìm đường cứu nước, vươn tới hệ tư tưởng tiên tiến của thời đại.

Nhờ sự tôi luyện bản lĩnh, nhân cách trong lao động để tồn tại cuộc sống, những nhận thức rút ra từ thực tiễn lăn lộn tìm đường cứu nước, nên vào năm 1920 khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L"humanlite" đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những câu hỏi mình đang nung nấu, tìm tòi. Nhân cách đạo đức và đặc biệt là nhân cách trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc đã được nâng lên về chất.

Như vậy là, trải qua gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Lênin, từ một thanh niên Việt Nam yêu nước trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là một bước ngoặt, bước đột phá, bước nhảy vọt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng, một sự chuyển biến về chất, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Trên hình diện nhân cách, Hồ Chí Minh đã trở thành lãnh đạo của Đảng và dân tộc với đầy đủ những phẩm chất cần có cả về đạo đức và trí tuệ, đức và tài. Thế nhưng, cũng bắt đầu từ đây, người gặp nhiều thứ khó khăn, bản lĩnh và nhân cách.

Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 1930, Quốc tế Cộng sản coi quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là phạm sai lầm ""hữu khuynh"", ""dân tộc chủ nghĩa"" nên cử đồng chí Trần Phú về Hương Cảng tổ chức đại hội thông qua Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, bỏ tất cả những gì mà Nguyễn Ái Quốc đã làm, coi là ""phạm sai lầm về chính trị"", ""sai lầm về Điều lệ và Tổ chức Đảng"".

Như vậy, trên một số vấn đề quan điểm cơ bản, giữa Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản có sự khác nhau. Sở dĩ là do Quốc tế Cộng sản một mặt mắc sai lầm ""tả khuynh"", mặt khác do Quốc tế Cộng sản thiếu thông tin, thiếu thực tế về phương Đông, về các nước thuộc Đông Nam Á. Cho nên Nguyễn Ái Quốc bình tĩnh, về nguyên tắc Đảng là chấp hành, nhưng niềm tin tương lai sẽ được sửa đổi. Đến Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (1935) đã có sự thay đổi. Dưới ánh sáng của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Đảng ta chuyển hướng về đường lối và sách lược, tức là trên thực tế trở về tư tưởng, đường lối, sách lược mà Nguyễn Ái Quốc vạch ra từ khi mới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời kỳ này, nhân cách đạo đức, nhân cách trí tuệ Hồ Chí Minh được bổ sung, phát triển và phát huy đến cao độ, đáp ứng nhu cầu vận động không ngừng của cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

Bản lĩnh của Hồ Chí Minh trên cương vị lãnh tụ của Đảng và của dân tộc trở thành sức mạnh, niềm tin, lương tri và phẩm giá con người. Sau khi giành được độc lập, Hồ Chí Minh lãnh đạo Đảng, toàn dân vượt qua mọi thách thức, khó khăn, cùng một lúc phải chống cả ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và vận dụng sách lược mềm dẻo, khôn khéo trong ngoại giao, ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước 14/9/1946 với những nhân nhượng cần thiết để tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, kháng chiến đi đôi với kiến thiết.

Để thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng tiến hành Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ II, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ III để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược "xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà".

Trước thất bại "chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ chuyển sang "chiến tranh cục bộ", ào ạt đưa quân Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và tăng cường "Chiến tranh phá hoại” miền Bắc bằng không quân, hải quân, kể cả máy bay chiến lược B.52. Hồ Chí Minh khẳng định "dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi hoàn toàn". "Không gì quý hơn độc lập tự do" và "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào".

Quá trình hình thành nhân cách Hồ Chí Minh cũng là quá trình hình thành và phát triển tư duy lý luận cách mạng, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn Việt Nam, nên đã góp phần làm phong phú và phát triển tư tưởng cách mạng của thời đại trên một loạt các vấn đề quan trọng và cấp bách, đặc biệt là về cách mạng thuộc địa trong thời đại mới. Đó là trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách Hồ Chí Minh và cũng là trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

Về đặc trưng cơ bản nhân cách Hồ Chí Minh,theo GS.TS Mạnh Quang Thắng trong sách Nhân cách Hồ Chí Minh, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, thì Hồ Chí Minh là chuẩn mực giá trị của một nhà hoạt động chính trị, người đứng đầu nhà nước, một vị lãnh tụ lỗi lạc, một nhà hiền triết, một danh nhân văn hóa thế giới, một trí thức uyên thâm, sắc sảo, một nhân vật xuất chúng, một vĩ nhân của dân tộc Việt Nam và thời đại mới Hồ Chí Minh.

Di sản lý luận chính trị nói chung, chính trị học, đạo đức học, tâm lý học của Người nói riêng thật vô giá. Trong mục đọc sách của tác phẩm Ngục trung nhật ký (1943) hay Đường cách mạngcủa Hồ Chí Minh (1927) có thể rút ra định nghĩa Nhân cách là một hệ thống thái độ. Hồ Chí Minh dạy cán bộ phải có 23 thái độ đúng đắn đối với mình, với người, với công việc.

Như vậy nhân cách Hồ Chí Minh chính là TÂM, TÀI, LỰC. Ba thành tố này, trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc (1947) được cụ thể hóa là NHÂN, TRÍ, DŨNG, LIÊM, tiếp đến là CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ.

Bao quát đặc trưng nhân cách Hồ Chí Minh là: Đạo đức chuẩn mực và tâm trong sáng.

Về nhân cách đạo đức: Nhân trong nhân cách Hồ Chí Minh có cốt lõi là nhân ái, tình thương của Người với nhân dân với nhân loại cần lao. Nhân ái của Người khác với Kiêm ái của Mạc Tử, của Ki tô giáo, Phật giáo, của sĩ phu phong kiến Việt Nam. Nhân ái Hồ Chí Minh trước hết yêu thương, tôn trọng con người đặt vào những "Người cùng khổ".

Nhân trong nhân cách Hồ Chí Minh là sự tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền con người là sự đấu tranh quyết liệt không đội trời chung với kẻ thù chà đạp lên nhân phẩm, áp bức, bóc lột con người lao động.

Nhân được nâng cao thành nhân nghĩa ở đời, thể hiện ở hành động cứu người, cứu đời, ở cách xử thế, lối sống trong đời sống hàng ngày.

Lòng nhân ái của Hồ Chí Minh với nhân dân với nước như dòng sông chảy nặng phù sa, nó vô tận và bao la vì dòng sông có bao giờ hết chảy, có bao giờ thôi chở những hạt phù sa. Tình thương đó ăn sâu vào khối óc, con tim của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Hồ Chí Minh đã cống hiến suốt đời cho nhân dân, dân tộc, đất nước. Cả cuộc đời Người thực hiện mong muốn cho đến khi Người ra đi mãi mãi.

"Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Đó là mục đích của Người, vì hạnh phúc của con người, của dân tộc, của đất nước. Người đã kiên định mục đích đó trọn vẹn cuộc đời mình cho đến ngày cuối cùng từ giã cuộc đời. Trong Di chúc khi nói về việc riêng: "Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì hối hận, chỉ tiếc là, tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".

Về tâm trong sáng. Cái tâm cũng là cốt lõi tạo nên nhân cách Hồ Chí Minh, một nhân cách thiên tài.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, tâm thường được hiểu là tấm lòng, thiên về nghĩa tình cảm, như tâm can, tâm sự, tâm tình...

Theo nghĩa tâm lý học, tâm chỉ toàn bộ các hiện trạng tâm lý, từ nhận thức, tình cảm, ý chí, hành vi... Chữ tâm bao hàm nhiều nghĩa. Chữ tâm theo nghĩa tình cảm (tâm cảnh) được hiểu là lòng người, lòng yêu thương, khinh miệt hoặc kính trọng, hoặc đồng cảm, hoặc căm thù...

Chữ tâm theo nghĩa đức chí trong tâm lý thường đi đôi với ý chí, thể hiện khả năng tự đặt cho mình mục tiêu hành động và sự kiên trì thực hiện mục tiêu đó. Ý chí là một hoạt động của thực tiễn, năng lực làm biến đổi và cải tạo xã hội loài người.

Yếu tố đầu tiên, bất di bất dịch của cái tâm trong nhân cách Hồ Chí Minh vẫn là lòng thương người, thương yêu tới vô hạn, rộng đến bao la vô cùng. Ở Người lòng tin vào tính bản thiện, vào phẩm giá của con người được nhân lên nhờ sự nhận thức, mắt thấy tai nghe thực tế đau khổ của con người lao động Việt Nam và các nước thuộc địa, các nước đế quốc.Cái tâm nhân ái dần chuyển thành tư tưởng nhân đạo. Lòng thương yêu con người bao la mang tầm nhân loại của Hồ Chí Minh đã được chứng minh hùng hồn bằng cả cuộc đời hoạt động vì độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc của người Việt Nam và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Có thể nói, Hồ Chí Minh là hiện thân một trí tuệ lớn của thời đại, với tư chất thông minh sáng tạo và sự ham mê học hỏi, khám phá. Người đã tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của triết học và văn hóa phương Đông, các quan điểm dân chủ, nhân đạo, tiến bộ của phương Tây cũng như tư tưởng cách mạng vô sản tiên tiến của chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở sự nhận thức hiện thực xã hội, những bất công vô lý, vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc cũ và mới đối với dân tộc thuộc địa, ở sự nhận thức đúng đắn các quy luật vận động, phát triển tất yếu của lịch sử, ở sự xác định vai trò quyết định yếu tố con người trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Với kiến thức và tri thức uyên bác và trình độ tư duy siêu việt Hồ Chí Minh đã vạch ra đường đi cho dân tộc, đề ra lý luận và chiến lược, phương pháp cho cách mạng Việt Nam. Quan điểm “đại đoàn kết” “thêm bạn, bớt thù” “dựa vào dân”... của Người được hình thành từ sự đánh giá đúng đắn khả năng, nguyện vọng của mọi tầng lớp quần chúng trong và ngoài nước. Chính vì vậy, người đã quy tụ cho cách mạng Việt Nam một lực lượng tham gia đông đảo của mọi tầng lớp xã hội, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, biến cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới.

Đường lối của Hồ Chí Minh thể hiện ở cái tâm trí tuệ được khái quát thành hệ tư tưởng, đó là lý luận, chiến lược cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, kinh tế chưa phát triển. Tư tưởng này được nhiều nước thuộc địa vận dụng vào thực tiễn cách mạng của họ.

Xem xét cái tâm theo ý chí, khả năng hoạt động thực tiễn nhằm cải tạoxã hội của Hồ Chí Minh: đó là điểm nổi bật đặc biệt của Hồ Chí Minh.

Ý chí mạnh, vững vàng, bản lĩnh kiên định, ý thức tự rèn luyện bản thân để chiến thắng mọi gian lao, khổ cực, vượt qua mọi hoàn cảnh, tình thế, tình huống qua nhiều giai đoạn của cuộc đời cách mạng.

Cái tâm nhân ái, cái tâm trí tuệ, cái tâm ý chí và nhân cách đạo đức đã hội tụ ở Hồ Chí Minh, thành nhân cách Hồ Chí Minh, một trong không nhiều nhân cách vĩ đại nhất thế kỷ XX.

Hồ Chí Minh đã đi xa mãi mãi, nhưngnhân cách vĩ đại của Người vẫn mãi mãi là niềm tự hào, là tinh hoa, là biểu tượng cho cái tâm của dân tộc Việt Nam.

Nhà văn Lê Xuân Đức


Nhà văn Lê Xuân Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]