(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Bẵng hai chục năm tôi mới lại có dịp thăm bà: nữ Anh hùng LLVT Ngô Thị Tuyển, số nhà 310, phố Trường Thi (Phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa) và được bà kể lại những kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ - ngày 28/12/1966. Khi đó, Bác tới thăm Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Hà Nội. Bà Tuyển và nữ anh hùng Trần Thị Lý được ưu tiên ngồi gần Bác. Hồi ức đẹp đẽ ấy, luôn tươi mới trong tâm hồn bà, như là mới xảy ra hôm qua, hôm kia đây thôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ lời Bác dạy: ‘Hai chớ’, ‘hai nên’

(VH&ĐS) Bẵng hai chục năm tôi mới lại có dịp thăm bà: nữ Anh hùng LLVT Ngô Thị Tuyển, số nhà 310, phố Trường Thi (Phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa) và được bà kể lại những kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ - ngày 28/12/1966. Khi đó, Bác tới thăm Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Hà Nội. Bà Tuyển và nữ anh hùng Trần Thị Lý được ưu tiên ngồi gần Bác. Hồi ức đẹp đẽ ấy, luôn tươi mới trong tâm hồn bà, như là mới xảy ra hôm qua, hôm kia đây thôi.

Bà kể, ngày đó, cuối đông, trời rét lắm. Lúc tề tựu quanh Bác, nhìn Bác đơn sơ trong bộ đồ ka ki, mình phân vân hỏi: Bác ơi, Bác mặc thế không bị lạnh ạ? Cử chỉ gần gũi như một người cha, Bác giơ cao một tay, còn tay kia nâng ống tay áo lên, cười, trả lời: Bác có mặc áo len bên trong, nên không rét. Bác hỏi lại mình: Cháu Tuyển học lớp mấy? Lúc này mình luống cuống. Thấy thế, bác Phạm Văn Đồng đỡ lời: Thưa Bác, cháu Tuyển chưa được đi học. Bây giờ mới được cử đi học Trường Văn hóa Trung ương ạ. Biết thông tin mình chưa được đi học, nét mặt Bác thoáng buồn.

Buổi chiều ngày 1/1/1967, ngày bế mạc Đại hội. Cả Đại hội như vỡ òa vì vui sướng đượctới thăm nhà Bác. Khi mọi người quây quần quanh Bác, Bác chia kẹo, rồi ân cần hỏi chuyện. Bác nhìn một lượt tất cả các cán bộ, chiến sỹ rồi hỏi: Cháu nào biết “Hai chớ, hai nên” là gì nào? Mọi người im lặng. Lúc ấy, quên cả thứ bậc - mình đang là một trong số các đại biểu ít tuổi nhất của Đại hội, mình xung phong trả lời. Thưa Bác, “Hai chớ”, tức chớ xa rời quần chúng, chớ chủ quan, thỏa mãn; “Hai nên”, là nên gần gũi quần chúng, nên khiêm tốn học hỏi. Bác khen: Cháu Tuyển nói đúng rồi. Thế rồi, khi mọi người đang vây tròn, râm ran hỏi chuyện Bác, Bác đột nhiên hô to: Nghiêm, xếp hàng. Chả ai bảo ai, mọi người tắp lự xếp hàng. Khi ngẩng lên, đã thấy Bác lanh lẹ “thoát” ra khỏi “vòng vây” và vẫy tay chào tạm biệt. Chao ôi, giấc mơ ngắn ngủi. Mình và mọi người vẫn ngẩn ngơ mãi, vì chưa muốn rời Bác...

Anh hùng Ngô Thị Tuyển dân quân Nam Ngạn, Thanh Hóa vinh dự được gặp Bác. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bà Tuyển tâm sự với tôi rằng, kể từ khi gặp Bác và được Bác nhắc nhở phương châm sống và làm việc “Hai chớ, hai nên”, bà luôn tâm niệm, phải cố gắng phấn đấu, rèn luyện giữ vững phẩm chất người cán bộ, đảng viên. Ngày 1/1/1967 cũng là ngày bà được phong tặng danh hiệu AHLLVT vì thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại tọa độ lửa Nam Ngạn - Hàm Rồng. Sau khi học xong khóa học tại Trường Văn hóa Trung ương, bà về công tác tại Thị Đội Thị xã Thanh Hóa (nay là Ban Chỉ huy Quân sự TP Thanh Hóa) và được đảm nhận chức Thị Đội phó. Bà chẳng quản mưa bom, hay đêm ngày dông bão, đếncác gia đình cán bộ chiến sỹ có hoàn cảnh đặc biệt để động viên, thăm hỏi. Những đợt tuyển quân, nơi nào khó khăn là có mặt bà. Dáng người thấp nhỏ, nhưng chắc chắn, người ta thấy bà thoắt ẩn, thoắt hiện trên khắp các ngõ phố thị xã Thanh Hóa. Bà năng động, xông xáo khi tổ chức phối kết hợp chiến đấu giữa lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội cácbinh chủng phòng không, hải quân đóng trên địa bàn. Thời ấy, Thị Đội Thị xã Thanh Hóa luôn là đơn vị hoàn thành xuất sắc về huy động thanh niên nhập ngũ cũng như các hoạt động phục vụ và sẵn sàng chiến đấu.

Sau này, bà chuyển lên công tác, làm Trưởng Ban Chính sách thuộc Tỉnh Đội Thanh Hóa (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa) rồi được cử đi học tại Học viện Chính trị quân đội. Trong công việc, bà luôn là người sâu sát đời sống thực tiễn, gắn bó mật thiết với người dân và thân nhân cán bộ chiến sỹ địa phương. Nhiều chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình quân nhân, thương binh, gia đình liệt sỹ được bà và đồng đội chăm lo chu toàn. Năm 2000, bà về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Bà đã được tặng thưởng các Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba.

Người phụ nữ bé nhỏ làng Nam Ngạn lừng danh với thành tích vác 2 hòm đạn nặng 98 kg, hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể, trong cuộc chiến ác liệt bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 4/4/1965 ấy (ngày 3 và ngày 4/4/1965, quân dân khu vực Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ). Và ngay tại trận địa ác liệt Hàm Rồng, ngày 26/5/1965 bà được vinh dự kết nạp vào Đảng. Đã ở vào tuổi 70, nhưng tính tình bà vẫn sôi nổi, nhiệt tình như thời trẻ. Và cũng ít ai ngờ, phía sau người nữ cựu chiến binh vui vẻ, yêu đời ấy là một cuộc sống riêng tư gặp nhiều trắc trở. Song, trong bất cứ hoàn cảnh nào bà cũng phải cố gắng vượt lên, luôn nhớ lời Bác nhắc nhở. Từng giờ, từng ngày còn tồn tại trên cõi đời này là còn phấn đấu, học hỏi, còn tiếp tục gắn bó, phục vụ nhân dân.

Vân Điệp



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]