(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi được lãnh đạo tỉnh mời, thay mặt cho anh em văn nghệ sĩ tỉnh Thanh đi dự lễ tang Bác. Tôi xúc động đến phát khóc khi cầm trong tay giấy mời và danh sách đoàn đại biểu Thanh Hóa đi dự lễ tang của Bác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ ngày đi dự lễ tang Bác Hồ

Tôi được lãnh đạo tỉnh mời, thay mặt cho anh em văn nghệ sĩ tỉnh Thanh đi dự lễ tang Bác. Tôi xúc động đến phát khóc khi cầm trong tay giấy mời và danh sách đoàn đại biểu Thanh Hóa đi dự lễ tang của Bác.

Bác mất, cả nước khóc Bác, cả dân tộc khóc Bác. Miền Nam bị chia cắt chưa một lần được Bác về thăm càng khóc Bác, khóc cha già của dân tộc suốt đời hy sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Đúng 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, Bác mất trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước. (Ảnh tư liệu)

Đoàn đi dự lễ tang Bác gồm 27 thành viên, đủ các thành phần giai cấp, dân tộc. Trưởng đoàn là các đồng chí Ngô Thuyền - Bí thư Tỉnh ủy; Võ Nguyên Lượng - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính làm Phó Trưởng đoàn; Nguyễn Thị Đăn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Yên Trường (nơi Bác đã về thăm), lão dân quân Nguyễn Văn Hợp chỉ huy đội quân đã dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ; Hoàng Thị Vân - cháu ngoan của Bác đã giúp đỡ bạn học tập tốt; anh Lưu Văn Thuộc - Phó TBT Báo Thanh Hóa đổi mới...

Chúng tôi tập trung tại Hội trường lớn của tỉnh Thanh Hóa, ngày nay là khu Hội nghị 25B. Mặc dù nhiều đại biểu ở rất xa như Ngọc Lặc, Hoằng Trường vẫn đến đúng hẹn.

Kiểm tra danh sách xong, đồng chí Mai Đình Trác - Phó Văn phòng ủy ban điều hành cho xe lên đường.

Chiếc xe Volga màu đen của đồng chí Ngô Thuyền đi đầu, chiếc comangca của đồng chí Võ Nguyên Lượng đi sau cùng để hộ tống xe chở đoàn. Tôi ngồi cùng xe với Chủ tịch tỉnh. Chúng tôi đi xuyên đêm, tới Hà Nội kịp thời gian. Đoàn Thanh Hóa được bố trí nghỉ tại khách sạn Đồng Lợi trước cửa ga Hàng Cỏ, nay là ga Hà Nội.

Khách sạn được dọn dẹp sạch sẽ, mọi trang bị trong các phòng đều mới. Từ chiếc màn tuyn, chậu nhôm rửa mặt, còn dán tem... đến miếng xà phòng Dạ Hương, chiếc khăn lau đều mới cả. Hai người ngủ một phòng được kê hai giường chăn chiếu mới cứng. Cứ nói tang gia bối rối, nhưng tang lễ Bác thì quá chu đáo. Tôi nghe nói người phục vụ các phòng lễ được chọn lựa kỹ, phải là cán sự 4 trở lên mới được bố trí phục vụ các đoàn đại biểu.

Ngày ăn 3 bữa, món ăn thay đổi từng ngày, gạo tám thơm lấy từ đồng ruộng Thái Bình, bưng bát cơm đã thơm tận mũi. Cá quả to bự, kho tộ chắc, đậm, ăn hợp khẩu vị.

Chúng tôi đến Hà Nội trước lễ tang 2 ngày. Dù ăn ngon, ở tốt, nhưng lòng nặng trĩu nỗi đau đớn, vò dày tâm can. Mới 35 tuổi đầu, tôi chưa gặp một mất mát nào lớn, sự ra đi của Bác làm cho lòng ai cũng trĩu nặng tình thương yêu. Tôi chưa khóc ai bao giờ, thế mà Bác mất tôi khóc Bác. Cả dân tộc khóc thương Bác. "Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa - Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" - hai câu thơ trên là tiếng lòng của nhà thơ Tố Hữu và cũng là của toàn thể dân tộc Việt Nam khi Bác Hồ đi xa.

Trong những ngày tháng chờ đợi làm tang lễ Bác, chúng tôi thường xuyên được nghe thông báo tình hình từng giờ các đoàn khách đến dự. Đoàn Cuba do đồng chí Phidel dẫn đầu, đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia... lần lượt đến Việt Nam dự lễ tang Bác... Các bài thơ khóc Bác xúc động đau thương tột độ. Tôi nhập tâm bài “Bác ơi” của Tố Hữu. Bác đã đi rồi sao Bác ơi/Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời/ Miền Nam đang thắng mơ ngày hội/ Đón Bác vào thăm thấy Bác cười...

Đồng chí Ngô Thuyền - Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho tôi viết một bài thơ nói lên nghĩa tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa với Bác. Không thể chối từ. Đó vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của một thành viên. Trong tôi cứ tâm niệm sẽ một ngày nào đó khi Thanh Hóa đạt 5 tấn thóc trên đồng ruộng, Bác hứa sẽ vào thăm tỉnh nhà. Bao nhiêu hoài bão ước mơ đang thực hiện thì Bác lại ra đi...

Lòng tôi ngổn ngang, bao nhiêu ý tứ đan xen trong đầu chưa phát lộ thì đêm mồng 5, vào lúc 23 giờ 45 phút, tôi cầm giấy báo lên túc trực bên linh cữu Bác. Đoàn gồm 6 người, đại diện cho nhân sĩ trí thức. Tôi hồi hộp, ăn mặc thế nào đây cho phù hợp với tang lễ. Tôi mang theo ba bộ quần áo, ướm lại thấy không có bộ nào vừa cả. Loay hoay mặc vào rồi lại cởi ra thì đồng chí Võ Nguyên Lượng đưa cho tôi bộ áo com lê của đồng chí. Tôi mặc vào thấy vừa quá: Đồng chí động viên tôi: “Vậy là hai số đo của chúng ta khít nhau nhỉ. Khi vào túc trực tôi là người đứng hàng sau, được nhìn Bác nằm trong hòm thủy tinh rõ mồn một. Bộ quần áo kaki Bác thường mặc, đôi dép lốp Bác thường đi, hai tay đặt trước bụng, đôi mắt thiêm thiếp như người đang nằm ngủ. Nhìn Bác, tôi không dám khóc vì sợ đánh thức giấc ngủ của Bác. Ai cũng cắn chặt vành môi đau buốt để gim tiếng khóc. Mười lăm phút đau đớn, tiếc thương đứng túc trực bên Bác, tôi cảm thấy mười lăm phút bao la vô bến bờ, đã hình thành ý thơ trong đầu: Mười lăm phút ấy bao la/ Lòng con túc trực bên cha trọn đời.

Đêm ấy tôi cầm bút viết ngay bài thơ “Bên linh cữu Bác”. Tôi viết một mạch cho đến khi chuông đồng hồ nhà thờ Hà Nội điểm 5 tiếng thì bài thơ vừa xong. Đọc lại không chỉnh sửa câu nào. Bằng thể thơ lục bát mang âm hưởng ca dao xứ Nghệ, giàu làn điệu dân ca, hợp với tâm trạng của những con người đang khóc Bác.

BÊN LINH CỮU BÁC

Bác không còn nữa Bác ơi!

Đau thương vô hạn vô hồi thương đau

Con về viếng Bác nghẹn ngào

Đứng bên linh cữu cúi đầu lặng im

Cuộc đời trong suốt thủy tinh

Một đời hiến cả tinh anh cho đời

Con từ Thanh Hóa Bác ơi

Mang tình núi Ngọc, mang lời sông Yên

Về đây chung một câu nguyền

Xây đồng năm tấn, dâng lên giỗ đầu

Vẫn nghe Bác dặn hôm nào

Bao giờ năm tấn Bác vào Bác thăm

Ngày vui đang hẹn với lòng

Bắt đất quay vòng, khoai lúa bội thu

Rộn ràng núi Đọ sông Chu

Mong ngày đón Bác, bây giờ còn đâu?

Dẫu không được đón Bác vào

Bác ơi con chẳng lúc nào không mong

Bác đi Bác ở giữa lòng

Bác là Tổ quốc, non sông đất trời

Bác không còn nữa Bác ơi

Đau thương vô hạn vô hồi thương đau

Con về viếng Bác tự hào

Đứng bên linh cữu ngạt ngào hương hoa

Mười lăm phút ấy bao la

Lòng con túc trực bên Cha trọn đời...

...Bài thơ gồm 28 câu lục bát được thông qua Đoàn. Mọi người tâm đắc. Đó là tiếng nói đồng tình đồng chí của người Thanh Hóa dâng lên Bác. Bài thơ được viết vào sổ tang Bác bằng mực Glycerin, muôn đời không phai.

Bác đã đi xa, hình ảnh của Bác khi còn sống, lúc vào cõi vĩnh hằng còn nguyên trong tôi, trong lòng người dân Thanh Hóa và cả dân tộc.

Tôi may mắn được hai lần tận mắt nhìn thấy Bác, được nghe Bác dạy bảo, được túc trực bên linh cữu Bác. Không còn vinh hạnh nào hơn thế nữa. Những kỷ vật trong ngày lễ trọng của Bác tôi cất giữ nguyên nét. Từ danh sách Đoàn Thanh Hóa đi dự lễ tang Bác, thiếp mời lên khán đài trong ngày trọng đại, đến giọng đọc bài điếu văn xúc động, da diết thương đau của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, dù không ghi âm, nhưng trong lòng tôi vẫn vang lên điệp khúc: Bác Hồ của chúng ta không còn nữa /Tổn thất này vô cùng lớn lao /Đau thương này thật là vô hạn..

Phạm Phú Thang


Phạm Phú Thang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]