(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với tấm lòng trân quý đối với Bác Hồ kính yêu, những người con quê hương Thanh Hóa được gặp Bác, được Bác tặng quà, nghe Bác nói chuyện, căn dặn có lẽ là điều thiêng liêng, quý giá nhất trong cuộc đời họ. Những người con vinh dự được gặp Bác, được Bác tặng kỷ vật, họ nâng niu gìn giữ vật quý giá ấy suốt bao nhiêu năm và rồi đến ngày hôm nay, họ sẵn sàng trao tặng cho Đảng, Nhà nước để làm những tư liệu lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những hiện vật thiêng liêng ‘trở mình’ nhớ Bác

(VH&ĐS) Với tấm lòng trân quý đối với Bác Hồ kính yêu, những người con quê hương Thanh Hóa được gặp Bác, được Bác tặng quà, nghe Bác nói chuyện, căn dặn có lẽ là điều thiêng liêng, quý giá nhất trong cuộc đời họ. Những người con vinh dự được gặp Bác, được Bác tặng kỷ vật, họ nâng niu gìn giữ vật quý giá ấy suốt bao nhiêu năm và rồi đến ngày hôm nay, họ sẵn sàng trao tặng cho Đảng, Nhà nước để làm những tư liệu lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Nửa đời gìn giữ huy hiệu Người tặng

Trên mảnh đất xứ Thanh anh hùng, nơi đâu cũng in đậm những chiến công của một thời hoa lửa. Mảnh đất Đông Ngàn, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nào ghi lại chiến công của 14 nữ dân quân 3 lần bắn rơi máy bay của đế quốc Mỹ xâm lược và được Bác Hồ gửi thư khen, trao tặng huy hiệu của Người năm 1967. Nửa thế kỷ trôi qua, 14 nữ dân quân tuổi mười tám, đôi mươi ngày nào giờ đã ngoài 70, người còn, người mất, những chiến công năm xưa mãi là niềm tự hào của họ, đặc biệt là kỷ vật quý giá được Bác Hồ trao tặng. Năm nay đã ngoài 70, bà Nguyễn Thị Thứ, thôn 3, xã Hoa Lộc từng là khẩu đội trưởng, khẩu đội 2 - Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Suốt bao nhiêu năm, bà gìn giữ chiếc huy hiệu vinh dự được Bác Hồ tặng khi đơn vị lập chiến công vang dội năm 1967. Với bà, chiếc huy hiệu được xem là vật quý giá, bà gìn giữ suốt nửa thế kỷ qua.

Bà Hoàng Thị Mợi và Nguyễn Thị Thứ là những nữ dân quân Hoa Lộc vinh dự được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người khi lập được chiến công vang dội bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967.

Lần giở chiếc túi đã bạc màu, bà lấy chiếc huy hiệu của Người trao tặng, theo thời gian, chiếc huy hiệu đã đổi màu, giờ chỉ còn màu trắng bạc. Bà kể: “Sau khi Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc lập nên thành tích vang dội bắn rơi máy bay Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng mỗi người chiếc huy hiệu. Ngày đi nhận huy hiệu Người tặng dưới tỉnh chúng tôi cũng phải đi trong bí mật bởi chiến tranh, đạn lạc. Sau khi xe đưa chúng tôi xuống tỉnh, vào hội trường lớn mới biết mình được đi nhận huy hiệu Bác tặng, ai cũng rơm rớm xúc động, vui mừng. Chiếc huy hiệu ngày ấy với hình ảnh chiếc cờ đỏ sao vàng nổi bật, nền huy hiệu màu xanh và hình ảnh Bác Hồ giản dị trong chiếc áo ka ki màu vàng nhạt”. Đi qua chiến tranh rồi trở về thời bình, chiếc huy hiệu Bác tặng người còn giữ, người làm mất. Và bà Thứ là người duy nhất còn giữ được chiếc huy hiệu, bà xem đó là kỷ vật vô giá. Bà chia sẻ: “Tôi đã gìn giữ chiếc huy hiệu nửa thế kỷ qua và luôn nhắc nhở bản thân sống xứng đáng với niềm tin Bác dành cho mình cũng như các cô gái Hoa Lộc năm xưa, nếu được trao tặng lại cho Đảng, Nhà nước để làm tư liệu lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau, thì đó là việc làm ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Mặc dù chiếc huy hiệu ấy, với tôi đó là vật báu".

Cũng như bà Thứ, bà Nguyễn Thị Lữ - nguyên Giám thị Trại giam Công an Thanh Hóa, 3 lần vinh dự gặp Bác Hồ và chụp chung cùng Bác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh năm 1961 nhân dịp Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ 4. Ba lần vinh dự được gặp Bác với vai trò là người chiến sỹ công an là mỗi lần bà học được từ Bác ý chí của người chiến sỹ cách mạng kiên trung, vượt qua mọi khó khăn thử thách, cống hiến hết mình cho Đảng, Nhà nước. Và bức ảnh bà và người con gái đầu (lúc ấy 4 tuổi) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp chung với Bác năm 1961 là điều tự hào, bà nâng niu gìn giữ suốt những năm qua. Và đến hôm nay, bà cũng sẵn sàng trao lại vật quý giá ấy cho tỉnh để làm tư liệu lịch sử. Cũng như bà Thứ, điều gì gắn bó lâu năm thì không dễ gì cho đi, trao tặng, đặc biệt là vật quý giá gắn với bản thân, nhưng bà Lữ mong muốn để thế hệ sau biết đến lịch sử nhiều hơn, trân trọng lịch sử thì những thế hệ đi trước phải là những người tiên phong "trao lại lịch sử".

Bà Nguyễn Thị Lữ - Nguyên Giám thị Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa gìn giữ bức ảnh bà và các đồng chí lãnh đạo tỉnh may mắn được chụp chung với Bác Hồ nhân dịp Người về thăm Thanh Hóa năm 1961.

Một lòng với Bác kính yêu

Có thể nói, những năm qua, việc sưu tầm, lưu giữ hiện vật, kỷ vật về Bác, Đảng bộ Thanh Hóa được các cấp, các ngành quan tâm và luôn được các tập thể, cá nhân hưởng ứng. Tất cả đều thể hiện tình cảm thiêng liêng, đặc biệt dành cho Đảng, Bác Hồ kính yêu. Tại Bảo tàng tỉnh, đã có gần 40 hiện vật liên quan đến Bác Hồ. Đặc biệt như chiếc sanh đồng mà bà Hà Thị Nú, xã Quang Hiến (huyện Lang Chánh) được Bác Hồ tặng nhân dịp bà Nú vinh dự ra Hà Nội đón Bác và đoàn quân chiến thắng Điện Biên Phủ trở về thủ đô. Sau ngày bà Nú mất, nguyện vọng của bà cũng như con cháu trong gia đình là tặng lại cho Bảo tàng tỉnh với mong muốn, kỷ vật Bác tặng mãi được lưu giữ. Tháng 5/2011, chiếc sanh đồng được chuyển về Bảo tàng tỉnh; hay đó là chiếc máy cày DT 24 Bác Hồ tặng cho HTX Yên Trường, huyện Yên Định khi Người về thăm năm 1961. Sau này vì mục đích, ý nghĩa lịch sử, HTX đã bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh. Nay, chiếc máy cày được trưng bày ở ngoài sân có mái che vàđược bảo dưỡng cẩn thận. Trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của dân tộc ta nhiều cam go, thử thách, quân và dân Thanh Hóa đã lập nhiều chiến công hiển hách, trong đó có Đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa. Bác từng nói, “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Bác đã tặng Cờ cho Đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa mang dòng chữ “Đã ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ Thu - Đông 1953”. Được tiếp thêm sức mạnh, quân và dân Thanh Hóa tiếp tục lập nhiều chiến công và nhiều lần được Bác Hồ gửi thư chúc mừng. Năm 1967, quân, dân Thanh Hóa bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.700 và 1.701 của giặc Mỹ, đã được Bác gửi thư khen ngợi. Nhiều năm nay, bức thư ấy đã được trưng bày trang trọng trong tủ kính của Bảo tàng tỉnh như lời nhắc nhở các thế hệ người con Thanh Hóa biết trân trọng và luôn nỗ lực cố gắng vì những hy sinh và công lao đóng góp to lớn của thế hệ cha anh đi trước.

Triển lãm "Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác" nhân kỷ niệm 70 năm ngày lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (20/2/1947- 20/2/2017) thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan.

Đến nay, đã có hàng trăm nghìn hiện vật, kỷ vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử liên quan đến Bác Hồ, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được các tập thể, cá nhân sưu tầm, hiến tặng. Thanh Hóa có vinh dự lớn đã được Bác Hồ 4 lần về thăm cùng nhiều bức thư, điện của Người gửi cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Những hiện vật, kỷ vật lịch sử của Đảng bộ và của Bác Hồ gắn liền với những dấu ấn lịch sử cách mạng, những chiến công của các tập thể, cá nhân qua các thời kỳ, góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Cuộc vận động sưu tầm và hiến tặng những hiện vật, kỷ vật về “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác” đã được các cấp, các ngành, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân hăng hái tự nguyện hưởng ứng, tham gia cuộc vận động. Đó là sự thể hiện tình cảm, trách nhiệm với quê hương, đất nước, với Đảng bộ tỉnh, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở nên tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]