(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ngày 18/8/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết số 05-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. VH&ĐS xin giới thiệu nội dung nghị quyết này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

(VH&ĐS) Ngày 18/8/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết số 05-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. VH&ĐS xin giới thiệu nội dung nghị quyết này.

I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến và đạt kết quả bước đầu. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng lên; các phong trào bảo vệ môi trường ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; nhiệm vụ bảo vệ môi trường được đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương; ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường được chú trọng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm được coi trọng; các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được quan tâm chỉ đạo xử lý; công tác bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, môi trường và công tác bảo vệ môi trường hiện nay ở tỉnh ta chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế bền vững; nhiều vấn đề về môi trường chưa được giải quyết triệt để, tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, có nơi rất nghiêm trọng. Ở các khu đô thị và chất lượng nước mặt ở hầu hết các sông, ao, hồ đều bị ô nhiễm do chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; hoạt động xây dựng làm gia tăng lượng bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của nhân dân. Ở khu vực nông thôn, tình trạng xả chất thải chăn nuôi không qua xử lý hoặc xử lý không triệt để, việc lạm dụng các loại phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp khá phổ biến... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các khu du lịch chưa có khu xử lý chất thải rắn và hệ thống xử lý nước thải tập trung. Công tác phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản còn chậm. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế, chất thải nguy hại còn thấp; các điểm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm được xử lý.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân chưa đầy đủ, còn vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hệ thống tổ chức và năng lực quản lý môi trường các cấp chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ môi trường còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, một số vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề còn thiếu. Việc huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn hạn chế. Không ít cấp ủy đảng, chính quyền chưa coi trọng đúng mức các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ưu tiên cho phát triển kinh tế song chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường.

Trước tình hình trên, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Bảo vệ môi trường vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, là nền tảng đảm bảo cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững; do đó, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực, có hiệu quả của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

- Bảo vệ môi trường gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân; là văn hoá, là đạo đức, kế thừa và phát huy truyền thống yêu thiên nhiên của nhân dân ta.

- Bảo vệ môi trường lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với huy động các nguồn lực trong xã hội; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống; khắc phục tư tưởng chú trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ bảo vệ môi trường, xác định đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

2. Mục tiêu chung

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ môi trường; gắn thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc đẩy lùi ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, xây dựng tỉnh Thanh Hóa có môi trường tốt, nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường và sống thân thiện với môi trường.

3. Mục tiêu cụ thể

3.1- Mục tiêu đến năm 2020

a) Giảm cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường:

- 70%đô thịloạiIV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung;

- 50% các khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

- 30% các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung;

- 50% làng nghề đạt yêu cầu về môi trường;

- 75% số cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường;

- 55% hộ chăn nuôi ở nông thôn có chuồng trại hợp vệ sinh;

- 75% hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh;

- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 91%;

- Tỷ lệ thu gom, xửlý chất thải rắn nông thôn đạt 75%;

- Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn 80%;

- Tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn 100%;

- 100% các khu công nghiệp xây dựng mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn/quy chuẩn về môi trường;

- 100% các dự án đầu tư về sản xuất, cơ sở hạ tầng mới phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường.

b) Khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện điều kiện sống của người dân.

- 40% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để;

- 95% dân số đô thị được dùng nước sạch theo chuẩn mới;

- 95% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh;

- 55% số xã có công trình xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh.

c) Giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53% vào năm 2020; duy trì chất lượng và tỷ lệ che phủ rừng đạt 53% các năm tiếp theo.

- Diện tích các khu rừng ngập mặn năm 2016 và các năm tiếp theo không suy giảm so với năm 2015.

d) Tăng cường khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ mức độ gia tăng phát thải khí nhà kính.

- Tỷ lệ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án có tính đến các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đạt 80%;

- Giảm lượng phát thải khí nhà kính so với phương án phát triển bình thường là 7,5%.

3.2- Định hướng đến năm 2025

- 100% đô thịloạiIV trở lên và 20% đô thị loại V có hệ thống xử lý nước thải tập trung;

- 100% các khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

- 70% các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung;

- 70% làng nghề đạt yêu cầu về môi trường;

- 80% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn môi trường;

- 80% hộ chăn nuôi ở nông thôn có chuồng trại hợp vệ sinh;

- 90% hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh;

- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 95%;

- Tỷ lệ thu gom, xửlý chất thải rắn nông thôn đạt 85%;

- 70% số xã có công trình xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh;

- Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn 100%;

- Trên 80% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý;

- 100% dân số đô thị được dùng nước sạch theo chuẩn mới; 100% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh;

- Tỷ lệ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án có tính đến các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đạt 100%;

- Giảm lượng phát thải khí nhà kính so với phương án phát triển bình thường là 13%. Mức giảm phát thải tăng lên khi có sự hỗ trợ của quốc gia và quốc tế.

III. NHIỆM VỤ

1. Bảo vệ môi trường khu vực đô thị và nông thôn

1.1- Khu vực đô thị

Tập trung đầu tư các công trình xử lý nước thải, rác thải, ưu tiên các đô thị loại IV trở lên; thúc đẩy hợp tác đầu tư để xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung theo quy hoạch được duyệt.

Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các khu dân cư do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, rác thải sinh hoạt. Đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư nhưng không có giải pháp khắc phục hiệu quả. Xử lý cơ bản rác thải y tế, nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường trong các bệnh viện.

Kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực đô thị, thành phố có mật độ dân cư cao. Nâng cao độ che phủ cây xanh, trồng cây xanh dọc các tuyến phố, phát triển các thảm thực vật xanh tại các khu vực đô thị và vành đai xung quanh đô thị, tạo không gian xanh để bảo vệ môi trường. Xây dựng ý thức, trách nhiệm của người dân giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường đô thị.

Xây dựng mô hình thí điểm quản lý rác thải tại nguồn với sự kết hợp đồng bộ từ khâu phân loại tại nguồn, vận chuyển và đầu tư công nghệ xử lý rác bằng phương pháp đốt, làm phân bón vi sinh nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày ở khu vực đô thị.

1.2- Khu vực nông thôn

Tổ chức thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các thôn, bản, xã, cụm xã cơ bản đảm bảo vệ sinh môi trường.

Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường công tác khuyến nông, huấn luyện kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp, nhằm hạn chế dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng.

Cải thiện điều kiện vệ sinh chuồng trại chăn nuôi ở nông thôn; đẩy mạnh thu gom và xử lý các loại phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp và chăn nuôi; chuyển giao công nghệ và hỗ trợ xây dựng các mô hình sử dụng đệm lót sinh học và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân vi sinh, than hoạt tính...;

Khắc phục cơ bản ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, cải thiện chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân. Xây dựng các mô hình tự quản về môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh.

Quy hoạch nghĩa trang, khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng, hạn chế hung táng. Xử lý triệt để các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.

2. Bảo vệ môi trường Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề

Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành công trình xử lý nước thải tập trung tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Xây dựng lộ trình để đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung ngay khi hoàn thành.

Rà soát, đánh giá công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp cải tiến, đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ thân thiện với môi trường. Thành lập các tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường trong các làng nghề và ban hành các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, đóng góp thuế, phí, tài chính cho việc xử lý, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường. Xây dựng và triển khai đề án bảo vệ môi trường làng nghề.

Nâng cao độ che phủ cây xanh, phát triển các thảm thực vật xanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

3. Bảo vệ môi trường khu vực khai thác khoáng sản

Thường xuyên giám sát việc thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khai thác khoáng sản; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản; kiên quyết thu hồi, đóng cửa các mỏ khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xử lý nghiêm các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản; lập bản đồ địa chất khu vực, địa chất tai biến, địa chất môi trường, địa chất khoáng sản biển, các bản Tổ chức thực hiện quy định về ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, đảm bảo đủ kinh phí để phục hồi và cải tạo môi trường sau khai thác.

4. Bảo vệ môi trường các khu du lịch

Rà soát, đánh giá công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; xây dựng các quy định bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch theo hướng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện xanh hóa các khu, điểm du lịch; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ phát thải khí nhà kính tại các khu, điểm du lịch.

Xây dựng quy định xử lý hành chính đối với các tập thể, cá nhân gây ô nhiễm môi trường ở các khu, điểm du lịch.

5. Bảo vệ môi trường biển, trên các sông, suối, hồ, đập, kênh mương

Tăng cường bảo vệ môi trường biển; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường lưu vực các sông lớn trên địa bàn gồm: sông Mã, sông Yên, sông Hoạt, sông Chu...; chủ động điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của các sông làm cơ sở cho việc cấp phép xả nước thải đảm bảo tiêu chuẩn vào nguồn nước. Ngăn chặn việc đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các hệ thống sông, suối, kênh, mương, ao, hồ.

Đầu tư các trạm quan trắc ở khu vực đầu nguồn các sông giáp ranh với các tỉnh lân cận, ở các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và kết nối với trung tâm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Rà soát, đánh giá các dự án thủy điện trên lưu vực các sông, yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện đúng thiết kế của dự án và phương án bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt.

Rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải ở khu vực ven biển và dọc theo các hệ thống sông lớn, xử lý nghiêm tình trạng các cơ sở sản xuất ven sông, suối gây ô nhiễm môi trường.

Lập dự án cải tạo, nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các tuyến sông chảy qua khu vực đô thị, khu dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

6. Bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính

Bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; hạn chế đến mức thấp nhất việc gây tổn hại đến tài nguyên rừng; đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc và khôi phục rừng ngập mặn.

Kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc săn bắn, khai thác và buôn bán, sử dụng các loài động vật, thực vật hoang dã, nhất là các loài quý hiếm.

Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

IV. GIẢI PHÁP

1. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về bảo vệ môi trường

Các cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, đổi mới nội dung, xác định đối tượng ưu tiên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ trang trại, cơ sở sản xuất...; chủ động xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức thực hiện tại đơn vị. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường.

Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Văn hóa và Đời sống, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, nêu gương, khích lệ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và có công trình, dự án, giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả; đồng thời, tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phong trào toàn dân bảo vệ môi trường gắn với các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường; tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phát huy truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi với thiên nhiên.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về môi trường

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về môi trường các cấp, xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp cụ thể cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị về quản lý và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật bảo vệ môi trường các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cấp huyện, cấp xã.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là việc xử lý nước thải theo quy định; phát hiện sớm và kịp thời xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị thi công không tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, có hành vi gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng và buộc các đơn vị vi phạm phải thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường theo quy định. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Rà soát, phân loại các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư buộc phải dừng hoạt động hoặc di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các cơ sở, doanh nghiệp ít nghiêm trọng hơn yêu cầu thời gian khắc phục.

Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý quy hoạch; trong đó phải tính đến các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi xây dựng, phê duyệt các dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp; gắn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của các ngành và địa phương. Nâng cao chất lượng thẩm định tiêu chí môi trường trong công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; theo đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận, xem đây là công cụ quan trọng trong việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Tăng cường hoạt động quan trắc, dự báo diễn biến môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh; phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường.

3. Thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường của Đảng, Nhà nước; vận dụng ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh về bảo vệ môi trường

Cụ thể hóa, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện của tỉnh; tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường; khuyến khích xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo hình thức hợp tác công tư, đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách về bảo vệ môi trường sau đây:

- Ban hành đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu xử lý rác thải tập trung; khu vực đô thị, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút nhà đầu tư đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, công nghệ sạch; khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn công nghệ đồng bộ, tiên tiến cho hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải để tạo ra nguyên liệu và năng lượng.

- Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn đối với các cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sạch, ít chất thải.

- Cơ chế, chính sách về đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

4. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường

Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt.

Đảm bảo mức chi cho sự nghiệp môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh; kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho bảo vệ môi trường như: thúc đẩy hiệu quả hợp tác công tư trong đầu tư bảo vệ môi trường; quy định mức chi cho bảo vệ môi trường theo tỷ lệ vốn đầu tư của các dự án.

Quán triệt và vận dụng có hiệu quả cơ chế cho phép chủ đầu tư được trực tiếp thu để bù chi phí xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”, coi đây là giải pháp căn bản để huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước.

MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở địa phương, đơn vị. Đa dạng hoá các loại hình hoạt động bảo vệ môi trường; phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường; nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường; chú trọng xây dựng và thực hiện các hương ước, quy định, cam kết bảo vệ môi trường tại khu dân cư, nhân rộng các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động bảo vệ môi trường.

5. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đặc biệt là các công nghệ xử lý, tái chế và tái sử dụng chất thải. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sản phẩm sạch; hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường, tạo thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển dịch vụ môi trường.

Ứng dụng và phổ biến, nhân rộng các công nghệ xử lý chất thải với chi phí thấp trong xử lý chất thải khu vực nông thôn. Hạn chế phát triển mới và có lộ trình giảm dần các hoạt động kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.

6. Thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường

Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho bảo vệ môi trường; chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất các sáng kiến hợp tác quốc tế; tham gia, tổ chức thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Phối hợp triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường tại vùng thượng nguồn sông Mã, sông Chu với các tỉnh bạn.

Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương nhằm học hỏi kinh nghiệm về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên quan.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Căn cứ nội dung nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

2- Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cụ thể hóa nghị quyết thành kế hoạch hành động (có dự án đầu tư, cơ chế, chính sách, phân công nhiệm vụ cho các ngành, các cấp); đấu mối với các bộ, ngành Trung ương thu hút các nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về bảo vệ môi trường cho phù hợp với các mục tiêu của nghị quyết; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

3- Đảng đoàn HĐND tỉnh, MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện nghị quyết; hằng năm báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

4- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết. Các ban của Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết để đạt kết quả cao.

5- Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng chương trình hành động, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết. Hằng tháng, quý, năm, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ phải đánh giá, kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường; biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; phê bình, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ môi trường; những địa phương, đơn vị không hoàn thành kế hoạch hằng năm và để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thì tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm và tự nhận hình thức kỷ luật trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện nghị quyết, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

T/M BAN CHẤP HÀNH

BÍ THƯ

Trịnh Văn Chiến

(Đã ký)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]