(vhds.baothanhhoa.vn) - Gần 60 năm hoạt động cách mạng trọn đời vì nước, vì dân của Bác đã để lại cho lịch sử nhiều bài học vô giá. Đó là những di sản quý báu mà mỗi người dân Việt Nam yêu nước học tập và làm theo. Một trong những bài học đó là ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân

Gần 60 năm hoạt động cách mạng trọn đời vì nước, vì dân của Bác đã để lại cho lịch sử nhiều bài học vô giá. Đó là những di sản quý báu mà mỗi người dân Việt Nam yêu nước học tập và làm theo. Một trong những bài học đó là ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân.

Thực tiễn quá trình giành và giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước trong mấy chục năm qua là minh chứng hùng hồn về quan điểm lấy dân làm gốc, nhân dân là nền tảng cách mạng, nhân tố quyết định thành hay bại của cách mạng.

Nhờ quán triệt sâu sắc quan điểm vì dân, vì nước nên mấy chục năm qua Đảng, Nhà nước ta đã tập hợp, cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta đã làm nên những kỳ tích trong Cách mạng Tháng Tám 1945, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp đem lại hòa bình cho miền Bắc, thực hiện đấu tranh thống nhất nước nhà. Chính quyền cách mạng thành lập năm 1945 dựa trên khối liên minh công nông có sự tham gia của nhiều tầng lớp thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc. Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc do tin tưởng nhân dân, phát huy sức mạnh lòng dân chúng ta đã giành và giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Bước vào giai đoạn cải tạo, xây dựng đất nước sau hậu quả nặng nề của chiến tranh nhờ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, chúng ta dần thoát khỏi sự bao vây cấm vận của kẻ thù, chăm lo ổn định đời sống nhân dân. Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng lãnh đạo (từ Đại hội VI: 1986), nhờ vận dụng sáng suốt và khéo léo tư tưởng của Bác: “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Đảng, Nhà nước đã động viên được sức mạnh cộng đồng 54 dân tộc trong xây dựng, phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nhờ tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân chúng ta tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội. Bởi sức mạnh đoàn kết thống nhất đã giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị.

Trong xây dựng, phát triển đất nước Đảng, Nhà nước ta luôn tin tưởng, tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân nên các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng tới quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng đại đa số người dân. Chính quyền của chúng ta là chính quyền cách mạng “của dân, do dân, vì dân” nên việc quản lý, điều hành mọi công việc cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải khắc ghi lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Người cán bộ, đảng viên nếu chỉ biết lo thu vén lợi ích cá nhân, cơ quan, đơn vị, lợi ích nhóm nhất định trước sau cũng bị dư luận xã hội không đồng tình, phê phán. Dù sớm hay muộn thì những việc làm “hại nước, hại dân” đó cũng bị đào thải khỏi sự phát triển của xã hội.

KKT Nghi Sơn được đầu tư xây dựng, đã góp phần tạo việc làm ổn định và nâng cao mức sống của nhân dân. (Ảnh: N.T)

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cái gì có lợi cho nhân dân, cho dân tộc là chân lý. Bởi vậy người xem việc hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là chân lý. Người cán bộ làm công bộc, người đầy tớ tận tụy cho dânlà việc làm cao thượng. Người nói: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Nếu đi theo cách mạng với suy nghĩ là để “làm quan phát tài”, “quan cách mạng” thì những người đó không bao giờ được nhân dân tôn trọng. Thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở, chăm lo đời sống nhân dân. Bác thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân nên Bác luôn trăn trở nghĩ suy phải phát huy dân chủ, thực hành dân chủ cho dân.

Qua thực tiễn Bác nhận thấy sức mạnh và sự sáng tạo vô cùng to lớn của nhân dân. Người từng nói: “dân ta rất thông minh, biết giải quyết mọi công việc một cách nhanh chóng mà nhiều cán bộ nghĩ mãi không ra,” hay: “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy nhân dân cũng làm được”. Người khuyên cán bộ phải học lời ăn tiếng nói của nhân dân với những từ ngữ bình dị, ý nhị chống khoa trương, hình thức. Người cũng khuyên cán bộ “cần thamgia tổng kết những kinh nghiệm quí báu ấy”.Người tôn niệm: “Nhà nước được lập mà dân không được hưởng tự do, dân vẫn cứ chết đói, chết rét thì độc lập ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Ở cương vị cao nhất của đất nước Người vẫn giữ nếp sống bình dị, luôn thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cách làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học và Bác thực hiện đã trở thành lẽ sống làm tấm gương tiêu biểu cho mọi thế hệ học tập và noi theo. Chăm lo cho dân muốn mọi người dân được no ấm yên vui vẫn là niềm mong ước đau đáu thường trực: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và điều mong ước cuối cùng của Bác là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Người suốt mấy chục năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội nhằm xây dựng đất nước phát triển hùng cường sánh vai cùng bè bạn năm châu bốn biển. Đảng đã ban hành các Chỉ thị 06, 03, 05 về học tập và làm theo tấm gương của Bác. Nhiều cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai nội dung học và làm theo Bác với nhiều hình thức phong phú, thiết thực phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương đơn vị. Mỗi tập thể, mỗi cá nhân đều xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn sát thực có tính khả thi như ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện: Việc học và làm theo Bác theo quan điểm lấy dân làm gốc, “dân là chủ”, “mọi quyền hành đều ở nơi dân” nên người dẫn đã thực sự phát huy quyền làm chủ trong tham gia, bàn bạc thảo luận, góp ý những vấn đề quốc kế dân sinh.

Thấm nhuần quan điểm của Bác: “Nước ta là nước dân chủ, mọi người đều có quyền làm, có quyền nói” hay “Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân” nên nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là các thủ tục hành chính. Thực hiện công khai các thủ tục hành chính, giải quyết mọi công việc qua trung tâm hành chính công giảm các thủ tục phiền hà cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân. Nhiều cán bộ đã sâu sát gần dân với phương châm: chân đi, mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, tay làm, bỏ lối chỉ đạo, điều hành theo cách “chỉ tay năm ngón” nên được người dân ủng hộ, tin tưởng và làm theo. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm: “Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ” nên chính quyền của ta những năm qua đã thực sự đem lại quyền làm chủ cho dân, trao cho dân mọi quyền hành.

Do phát huy tốt sức mạnh lòng dân nên thời gian gần đây kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và người dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã có nhiều chuyển biến tiến bộ. Thu nhập, mức sống của người dân từng bước được nâng cao, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền. Trên địa bàn tỉnh nhiều công trình được đầu tư khởi công xây dựng đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Những công trình phúc lợi công cộng đã đáp ứng nhu cầu học tập, lao động, vui chơi, chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân. Việc thực hiện chính sách người có công được quan tâm đúng mức thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”...

Hiện nay đất nước ta ngày càng hội nhập sâu vào khu vực và thế giới. Chúng ta được tiếp thu nhiều thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, tinh hoa văn hóa nhân loại. Chính trị, kinh tế thế giới thời cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều vận hội, thời cơ để đất nước bứt phá, tăng tốc. Song, bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy cơ khó lường như xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh thương mại... Đất nước dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nhưng còn phải đối mặt với các thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta. Hơn lúc nào hết cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy làm chủ, chăm lo đời sống nhân dân để tạo sức mạnh tổng lực đưa đất nước phát triển sánh vai cùng bè bạn.

Phạm Minh Trị


Phạm Minh Trị

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]