(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, phát xít Nhật hoàn toàn thay thế thực dân Pháp cai trị Việt Nam. Chính sách bóc lột tàn bạo của phát xít Nhật và bọn quan lại phong kiến Nam Triều đã khiến hàng chục vạn người dân ở Thanh Hóa bị chết đói, hàng ngàn gia đình phải ly tán, tha phương cầu thực, bỏ lại xóm làng xơ xác, tiêu điều. Hậu quả của chính sách hà khắc, đã làm cho mâu thuẫn nhân dân Thanh Hóa với chế độ cai trị ngày càng trở nên gay gắt, nung nấu ý chí vùng lên đấu tranh cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Thanh Hóa

(VH&ĐS) Từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, phát xít Nhật hoàn toàn thay thế thực dân Pháp cai trị Việt Nam. Chính sách bóc lột tàn bạo của phát xít Nhật và bọn quan lại phong kiến Nam Triều đã khiến hàng chục vạn người dân ở Thanh Hóa bị chết đói, hàng ngàn gia đình phải ly tán, tha phương cầu thực, bỏ lại xóm làng xơ xác, tiêu điều. Hậu quả của chính sách hà khắc, đã làm cho mâu thuẫn nhân dân Thanh Hóa với chế độ cai trị ngày càng trở nên gay gắt, nung nấu ý chí vùng lên đấu tranh cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân.

Đỉnh cao của phong trào đấu tranh phá kho thóc Nhật cứu nước của nhân dânThanh Hóa trong những ngày tiền khởi nghĩa đã tạo ra bước phát triển mới của phong trào cách mạng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy tình thế khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Những cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, được tổ chức rộng rãi và phát triển mạnh mẽ đã tập dượt cho quần chúng cách mạng từng bước đi từ đấu tranh chính trị đến kết hợp đấu tranh vũ trang, tiến tới tổng khởi nghĩa vũ trang, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến.

UBNDCM Lâm thời do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch ra mắt tại Thị xã Thanh Hoá ngày 23/8/1945 (tranh sơn dầu)

Cuộc khởi nghĩa ở Hoằng Hóa đã mở đầu cho tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Ngày 24/7/1945, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng và ban cán sự Việt Minh, lực lượng vũ trang của huyện Hoằng Hóa đã bao vây tấn công toán quân địch đi đàn áp cơ sở cách mạng ở khu Đằng Xá, Đằng Trung bắt được tên tri phủ Phạm Trọng Bào. Sau đó, ban lãnh đạo đã phát động nhân dân trong huyện kéo về thị uy, bao vây phủ đường, buộc bọn nha lại chức dịch phải đầu hàng, giao nộp toàn bộ sổ sách ấn triện cho cách mạng.

Thắng lợi của khởi nghĩa Hoằng Hóa đã cổ vũ thúc đẩy mạnh mẽ cao trào chuẩn bị khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Cùng với Hoằng Hóa, nhiều khu căn cứ cách mạng gồm hàng trăm làng được hình thành và mở rộng ở Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Hà Trung, Hậu Lộc… Các cuộc đấu tranh với nhiều hình thức phong phú như: mít tinh tuần hành hoặc tấn công các đồn bốt của địch ngày càng dồn dập và rộng khắp địa bàn toàn tỉnh.

Ngày 13/8/1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã triệu tập hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng, làng Mao Xá, huyện Thiệu Hóa (nay thuộc xã Thiệu Toán). Căn cứ vào tình hình cách mạng ở Thanh Hóa lúc bấy giờ, hội nghị nhận định tình thế cách mạng đã chín muồi; vì vậy, đã tập trung bàn và xây dựng kế hoạch chuẩn bị tiến tổng khởi nghĩa. Chiều 15/8, khi nhận được tin Nhật đầu hàng quân đội đồng minh, hội nghị đánh giá thời cơ khởi nghĩa đã đến và đã rất nhạy bén, sáng suốt quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Nhà ông Tô Đình Bảng, thôn Mao Xá, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa nơi tổ chức Hội nghị tỉnh Đảng bộ quyết định tổng khởi nghĩa, ngày 15/8/1945. (ảnh tư liệu)

Về tổ chức, hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh gồm 7 đồng chí: đồng chí Lê Tất Đắc (Trưởng ban), Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Lê Chủ, Nguyễn Văn Huệ, Đinh Chương Lân, Ngô Đức; đồng thời quyết định thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh gồm 7 ủy viên, đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch. Hội nghị phân công cán bộ lãnh đạo khởi nghĩa ở các phủ, huyện vàchỉ định chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời các phủ huyện. Về phương pháp giành chính quyền: Hội nghị chủ trương tiến hành khởi nghĩa ở những nơi có phong trào mạnh, sau đó sẽ tập trung lực lượng hỗ trợ cho những nơi phong trào còn yếu; giành chính quyền ở miền xuôi rồi tiến đến giành chính quyền ở miền núi.

Nửa đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19/8 lệnh Tổng khởi nghĩa được ban bố trong toàn tỉnh. Theo kế hoạch đã định, khắp vùng đồng bằng miền xuôi Thanh Hóa, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa các huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, quần chúng cách mạng không phân biệt già, trẻ, nam, nữ, tôn giáo, kể cả một số thanh niên Phan Anh yêu nước, địa chủ nhỏ và vừa, tiểu thương, tiểu chủ, tri thức v.v... đều nhất tề vùng dậy bao vây, tấn công các vị trí, mục tiêu đã được phân công.

Giành chính quyền cách mạng ở huyện Thiệu Hoá, ngày 19/8/1945 (tranh sơn dầu)

Tại trung tâm các huyện lỵ, các đơn vị tự vệ vũ trang xung kích đã nhanh chóng uy hiếp, đánh chiếm phủ, huyện, đường, nhanh chóng giành chính quyền về tay cách mạng. Ở các tổng, làng, tự vệ vũ trang với những vũ khí thô sơ như: dáo, mác, gậy gộc, liềm hái v.v… được sự cổ vũ và tham gia hăng hái của các tầng lớp nhân dân đã nhanh chóng lật đổ ách thống trị của cường hào, phản động địa phương, tịch thu vũ khí, ấn tín, đồng triện.

Đến sáng ngày 19/8, chính quyền các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa đã nằm trong tay nhân dân. Chiều 19, tại các huyện này, các cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng và ra mắt chính quyền đã được tổ chức trọng thể. Một số huyện, thịnhư Tĩnh Gia, Nông Cống công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền chậm hơn nhưng cũng đạt được kết quả thắng lợi.

Sau khi giành chính quyền ở các huyện miền xuôi, thực hiện kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và sau này là của Ủy ban nhân dân lâm thời cách mạng Thanh Hóa, một số cán bộ lân cận đã lên hỗ trợ các châu miền núi giành chính quyền. Tại các châu miền núi như: Thường Xuân, Ngọc Lặc, Như Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước được sự tiếp sức của lực lượng cách mạng của các phủ, huyện miền xuôi nhân dân các dân tộc miền núiđã vùng lên đánh đổ được bọn thổ ti lang đạo để thiết lập nên chính quyền nhân dân.

Riêng tại thị xã Thanh Hóa từ sáng sớm ngày 19/8 đông đảo các tầng lớp nhân dân thị xã cùng với băng, cờ khẩu hiệu, biểu ngữ cách mạng tiến hànhbiểu tình xuất phát từ lò Chum tiến về Trường Thi, rồi đoàn biểu tình đi qua Cửa Tả, tiến vào nội thành bao vây dinh Tỉnh trưởng buộc Tổng đốc Nguyễn Trác phải giao nộp ấn tín, tài liệu và đầu hàng cách mạng vô điều kiện.

Trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhân dân, ngày 23/8/1945 tại phố Vườn Hoa, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa ra mắt trước nhân dân tỉnh nhà. Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Lê Tất Đắc đọc lời tuyên ngôn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến thực dân và thành lập chính quyền cách mạng, công bố bản chương trình của Việt Minh về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Bản tuyên ngôn kêu gọi toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy thắng lợi đã giành được, thực hiện khẩu hiệu “Chiến đấu ủng hộ chính quyền cách mạng”, “Chiến đấu ủng hộ Việt Nam độc lập”.

Sau 71 năm đấu tranh cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Hiện nay,dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Thanh Hóa đangbước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; bộ mặt đô thị, nông thôn trong tỉnh được xây dựng khang trang, hiện đại, văn minh.

Nguyễn Văn Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]