(vhds.baothanhhoa.vn) - Chùa Mèo có tên gọi khác là Đỉnh Miêu Thiền Tự, nằm trên quả đồi thuộc khu phố Chiềng Ban I, thị trấn Lang Chánh (Lang Chánh). Bên tả ngôi chùa là dãy núi Pù Bằng, bên hữu là dãy núi Pù Rinh, trước mặt là dòng sông Âm.

Lên Đỉnh Miêu Thiền Tự nghe kể chuyện vua Lê

Chùa Mèo có tên gọi khác là Đỉnh Miêu Thiền Tự, nằm trên quả đồi thuộc khu phố Chiềng Ban I, thị trấn Lang Chánh (Lang Chánh). Bên tả ngôi chùa là dãy núi Pù Bằng, bên hữu là dãy núi Pù Rinh, trước mặt là dòng sông Âm.

Lên Đỉnh Miêu Thiền Tự nghe kể chuyện vua LêMột góc chùa Mèo.

Theo trụ trì Đại đức Thích Nguyên Hải, chùa Mèo được xây dựng từ thế kỷ XIII, do công chúa nhà Trần- Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếnh xây dựng (lúc này chùa có tên là chùa Chu). Tương truyền vào mùa xuân năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống lại quân xâm lược nhà Minh. Hay tin, quân Minh đã tập trung mọi lực lượng đàn áp, hòng tiêu diệt lực lượng nghĩa quân. Dù lực lượng mỏng, nghĩa quân Lam Sơn đã kiên cường chiến đấu, nhưng do tương quan quá lớn, Lê Lợi đã chủ động vừa chiến đấu vừa lui quân về Mường Mọt rừng sâu, địa thế hiểm trở (nay là xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân) để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Giai đoạn này, trước sự truy sát gắt gao của quân giặc, Lê Lợi không ít lần đưa quân về địa bàn rừng núi Lang Chánh. Một lần nghĩa quân Lam Sơn lánh nạn trong chùa Chu trước sự truy lùng của giặc Minh, thấy trong chùa chỉ còn lại con mèo, ông đã sai nghĩa quân đem theo con mèo cùng đi. Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi, sau đó cho tu sửa chùa Chu và đổi tên thành chùa Mèo.

Ông Lê Chính Thống, khu phố Chiềng Ban I, thị trấn Lang Chánh, cho biết: “Ngày còn nhỏ, tôi và các bạn cùng lứa thường xuyên đến chùa chơi. Năm 1956 ngôi chùa bị sập hoàn toàn. Khi ấy nhìn thấy ngôi chùa trở thành phế tích, bà con trong xã ai cũng xót xa, nhưng vì đời sống còn nhiều khó khăn, không có điều kiện xây dựng lại. Sau này, được sự quan tâm của chính quyền địa phương chùa được xây dựng lại, nhưng cũng chỉ là căn nhà cấp 4, hai gian”.

Lên Đỉnh Miêu Thiền Tự nghe kể chuyện vua LêToàn cảnh chùa Mèo (Lang Chánh) nhìn từ trên cao.

Trải qua bao biến cố của lịch sử và thời gian, thứ duy nhất trong ngôi chùa còn giữ được nguyên vẹn là chiếc chuông đồng. Quả chuông có kích thước khá lớn, cao 1,09m, đường kính miệng 0,5m, mang nét nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng với quai chuông tạo hình đôi rồng đối xứng quấn đuôi nhau, mũi sư tử, bờm dài, tai dơi, thân phủ đầy vây cá, 3 móng nhọn. Chuông có 6 núm để gõ. Bài minh chuông chùa Mèo có đoạn ghi: “Âm vang của tiếng chuông có thể nói vào hàng đầu, vì nó có thể thức tỉnh được những cơn mê của đông đảo chúng sinh. Tiếng chuông có thể phát huy được ý niệm lương thiện của con người, do đó từ xa xưa người ta đã dùng tiếng chuông đồng làm công cụ trợ giúp cho những lời giáo hóa của các bậc thánh nhân"...

Với những giá trị đặc sắc về giá trị văn hóa, lịch sử, năm 2005 chùa Mèo được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và huyện Lang Chánh lấy ngày mùng 6-7 tháng Giêng hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống chùa Mèo. Từ đó, Nhân dân trong vùng thường đến đây cầu an, cầu phúc; chư tăng, phật tử chung tay, góp sức trùng tu, tôn tạo các công trình thờ tự, trở thành địa điểm sinh hoạt tâm linh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Lang Chánh và du khách thập phương.

Năm 2013 được sự đồng thuận của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Lang Chánh, Đại đức Thích Nguyên Hải về làm trụ trì, cùng chính quyền địa phương phục dựng Di tích lịch sử văn hóa chùa Mèo. Từ phế tích hoang tàn, sau 8 năm với nỗ lực chung tay của các cấp, ngành chức năng, phật tử và Nhân dân địa phương, chùa Mèo được phục dựng và xây mới thêm nhiều hạng mục, trở thành quần thể tâm linh. Đây cũng là ngôi chùa duy nhất ở xứ Thanh có thờ phật, thờ mẫu và thờ cả vua.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Thiết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lang Chánh, cho biết: Cùng với chùa Mèo, huyện Lang Chánh còn có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp tỉnh, như: Danh lam thắng cảnh thác Ma Hao (xã Trí Nang), danh lam thắng cảnh thác Hón Lối (xã Giao Thiện)... Ngoài ra, huyện Lang Chánh còn có nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, như: Núi Chí Linh - nơi nghĩa quân Lam Sơn năm xưa đã “nằm gai nếm mật”; suối Huối - nơi tướng, quân “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”; bản Năng Cát - thác Ma Hao với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ...

Với một không gian đẹp được bao quanh bởi núi non hùng vĩ, chùa Mèo là điểm hẹn của du khách khi đến tham quan huyện Lang Chánh, bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hải Anh


Hải Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]