(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Vào dịp 21, 22, 23 tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân nhiều vùng miền trong nước lại trẩy hội Lam Kinh. Đây là quê hương, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Anh hùng giải phóng dân tộc, đức Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi, các vua và hoàng hậu triều Lê Sơ. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh được đầu tư tu bổ, tôn tạo ngày càng khang trang. Mạch nguồn của hào khí Lam Sơn vẫn cuộn chảy gần 600 năm qua thôi thúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa vươn lên xây dựng, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền quốc gia, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích và lễ hội Lam Kinh

(VH&ĐS) Vào dịp 21, 22, 23 tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân nhiều vùng miền trong nước lại trẩy hội Lam Kinh. Đây là quê hương, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Anh hùng giải phóng dân tộc, đức Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi, các vua và hoàng hậu triều Lê Sơ. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh được đầu tư tu bổ, tôn tạo ngày càng khang trang. Mạch nguồn của hào khí Lam Sơn vẫn cuộn chảy gần 600 năm qua thôi thúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa vươn lên xây dựng, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền quốc gia, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nghi lễ rước kiệu tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. (Ảnh: Đỗ Đức)

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Khu di tích lịch sử, văn hóa Lam Kinh nằm trên địa phận thị trấn Lam Sơn, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách TP Thanh Hóa gần 60 km về phía Tây. Đây là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Sau 10 năm nếm mật, nằm gai trải bao đau thương, đổ bao máu xương đã đem lại nền thái bình thịnh trị cho đất nước, dứt mối chiến tranh muôn thuở. Sau gần 6 năm làm vua trị vì đất nước đức Thái Tổ băng hà và được về táng tại Lam Kinh. Nhiều vị vua và hoàng hậu của triều Lê Sơ cũng được táng tại đây. Vùng đất Lam Sơn đã trở thành Sơn lăng của triều Hậu Lê. Các vua sau Thái Tổ hàng năm đều về Lam Kinh bái yết lăng miếu nên cho xây dựng khu Sơn lăng khá quy mô bề thế. Tại khu di tích Lam Kinhhiện còn một số khu lăng mộ, bia ký tiêu biểu như: Lăng Phật Hoàng được dân gian truyền tụng là nơi nhà sư Trịnh Bạch Thạch đã mách bảo cho Lê Lợi táng hài cốt tổ tiên vào đây nên dòng họ Lê mới phát vương lâu như vậy. Lăng Lê Thái Tổ (Vĩnh Lăng) nằm ở phía nam núi Dầu cách thành bắc điện Lam Kinh chừng 50m. Vĩnh Lăng được đặt ở vị trí có thế đất long chầu, hổ phục lại có thế tụ, thủy. Đây là nơi có vượng khí tốt tươi núi sông kỳ tú, là huyệt đạo quan trọng thần diệu nhất trong khu Sơn lăng Lam Sơn. Bia Vĩnh Lăng lại được dựng ở phía đông Tây Hồ, phía tây nam thành điện Lam Kinh cũng là bia lớn nhất trong khu Lam Kinh ghi lại nét tiêu biểu về gia tộc, thân thế sự nghiệp của đức Thái Tổ với lời văn cô đọng, hùng hồn do Nguyễn Trãi phụng soạn. Ngoài ra có Hựu Lăng, bia Hựu Lăng của vua Lê Thái Tông; lăng và bia Khôn Nguyên Chí Đức của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao; Chiêu Lăng và bia Chiêu Lăng của Lê Thánh Tông; Dụ Lăng và bia Dụ Lăng của vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng và bia Kính Lăng của vua Lê Túc Tông.

Ngoài các công trình lăng mộ trên trong khu di tích còn có Ngọ Môn (Nghi Môn), sân Rồng, Giếng Ngọc, hồ Tây, thành điện Lam Kinh. Quan trọng hơn cả là khu chính điện Lam Kinh bố trí theo hình chữ công. Thứ tự các tòa từ ngoài vào là các điện Quang Đức, Sàng Hiếu, Diễn Khánh. Sau 3 tòa điện trên là 9 tòa Thái miếu có kích thước gần bằng nhau là nơi thờ các Thái hoàng, Thái phi. Chạy dài hai bên sân rồng là các tòa Tả vu và Hữu vu. Phía đông khu chính điện là khu cư xá của các quan và binh lính trông coi khu Sơn Lăng. Các công trình điện, thái miếu, cư xá, tả vu, hữu vu ở Lam Kinh đều là kiến trúc gỗ nên dễ xảy ra hỏa hoạn. Theo ghi chép của lịch sử thì từ đời vua Tương Dực trở sau không thấy ghi chép các vua nhà Hậu Lê về Lam Kinh để bái yết lăng miếu. Trải qua binh lửa chiến tranh Lam Kinh đã nhiều lần bị đốt phá và ngày càng hoang vắng. Khi hòa bình trở lại ở miền Bắc, năm 1962 Lam Kinh đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm đến bảo tồn, phát huy tác dụng di tích. Năm 1994 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 609 về tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích Lam Kinh. Năm 2012 Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng Lam Kinh là di tích Quốc gia đặc biệt. Những năm qua ngành văn hóa đã tích cực tham mưu cho tỉnh, Bộ VHTT (nay là VH,TT&DL) tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục công trình trong khu di tích như đền thờ Lê Thái Tổ, các khu lăng mộ, nhà che bia sông Ngọc, hồ Tây, cầu Bạch, giếng Ngọc, khu trưng bày hiện vật qua nhiều đợt khai quật khảo cổ học, nghi môn, sân Rồng, tòa Thái miếu, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai và gần đây nhất là 3 tòa điện Quang Đức, Sùng Hiếu, Diễn Khánh. Tỉnh cũng tích cực đôn đốc các địa phương tích cực trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng theo qui hoạch được phê duyệt.

Ngoài nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp góp công sức, tiền của để tu bổ di tích như Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn đầu tư hàng chục tỷ đồng để phục dựng Nghi môn, đường vào di tích Trung Túc Vương Lê Lai ở Kiên Thọ (Ngọc Lặc). Công tác quản lý và phát huy tác dụng di tích cũng được quan tâm chú trọng. Ban Quản lý di tích Lam Kinh đã nỗ lực cố gắng trong công tác nghiệp vụ như bổ sung hiện vật trưng bày, trình chiếu, giới thiệu các điểm di tích trong khu di tích, tuyên truyền trong nhân dân về ý thức bảo vệ, gìn giữ di tích. Nhờ đó khu di tích Lam Kinh ngày càng thu hút nhiều lượng khách đến tham quan.

Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Lam Kinh

Lam Kinh là khu Sơn lăng nơi yên nghỉ vĩnh hằng của đức Thái Tổ Lê Lợi, các vị vua, hoàng hậu triều Lê Sơ. Trước đây các vua nhà Lê Sơ hàng năm đều tổ chức các đoàn xa giá từ Đông Kinh (Hà Nội) về Tây Kinh (Lam Kinh) để bái yết các lăng miếu nơi quê cha đất tổ. Mỗi lần hành hương như vậy (thường vào dịp đầu xuân) đoàn tuỳ tùng gồm các vị quan trọng triều và tỉnh Thanh Hóa cùng voi, ngựa đi theo xa giá của nhà vua rất đông, cờ lọng rợp cả đường. Đại Việt sử ký toàn thưchép: “Tháng 2 năm Mậu Thân (1448) vua Lê Nhân Tông khi ấy mới 5 tuổi: vào ngày Giáp Tuất Vua ngự về Lam Kinh, Thái hậu và các Vương đều đi theo”. Dân Thanh Hóa vui mừng đổ ra hai bên đường đón rước và thường tổ chức hát rí ren (lý liên) ở hành tại. Tục này một bên con gái một bên con trai dắt tay nhau hát, hoặc tréo chân, treo cổ nhau gọi là cắm hoa, kết hoa, thói rất là xấu. Đài quan Đồng Hanh Phát bẩm với Thái úy Khả rằng: “Lối hát ấy là thói xấu, không cho người hát nhảm trước xa giá”. Khả liền cấm hẳn. Lần thứ 2 về Lam Kinh vào năm (1456) nhà vua đã qui định về vũ nhạc trong tế lễ như sau: quan võ múa “Bình Ngô phá trận” quan văn múa “Chư hầu lai triều”. Đại Việt sử ký toàn thư chép về khúc “Bình Ngô phá trận” như sau: “Trước kia Thái Tổ dùng vũ công định thiên hạ, Thái Tông nhớ lại công trước, làm khúc nhạc múa “Bình Ngô phá trận”. Đến đây vua nghĩ đến việc sáng nghiệp khó nhọc, không quên công của tiên tổ, lại sao múa khúc nhạc ấy, công thần có người cảm xúc đến phải phát khóc”. Rất tiếc đến nay cả hai khúc nhạc nêu trên đều đã thất truyền. Một số nhà nghiên cứu cho rằng bóng dáng của hai khúc nhạc trên còn lưu lại ở trò Xuân Phả ở Xuân Trường, Thọ Xuân, ở trò Ngô Cổ Bôn xã Đông Thanh, Đông Sơn, lễ hội chạy chữ “Thiên hạ thái bình” ở phường Quảng Thắng, TP.Thanh Hóa…

Lễ hội Lam Kinh là lễ hội cung đình do đích thân vua đứng ra làm chủ lễ mỗi khi có dịp xa giá về Lam Kinh. Nghithức tế lễ được các đại thần soạn thảo theo điển lễ rất nghiêm ngặt chứ không phải là lễ hội dân gian diễn ra ở nhiều làng quê thời đó. Thời Hậu Lê, Nho giáo giữ vai trò độc tôn với những qui định về lễ nghĩa rất nghiêm ngặt. Bởi vậy hát rí ren với những lời lẽ, động tác được cho là phồn thực, dâm tục nên bị các nho thần bài bác, cấm đoán. Để bảo đảm nghi thức tế lễ chặt chẽ, trang trọng nhà vua đã cho soạn thảo vũ khúc “Bình Ngô phá trận” dành cho quan võ “Chư hầu lai triều” dành cho quan văn, âm nhạc cử hành trong tế lễ có đánh trống đồng. Từ cuối thời Lê Sơ chiến tranh loạn lạc liênmiên nên đền đài, điện miếu, thành quách đổ nát vì thế ít người tới Lam Kinh dẫn đến hương tàn, khói lạnh. Việc tế lễ từ đó không còn được tổ chức trang trọng như trước. Song trong tâm thức dân gian sự nghiệp lừng lẫy của nhà Hậu Lê vẫn không phai mờ. Từ lễ hội cung đình do triều đình tổ chức vào tháng 2 âm lịch, lễ hội chuyển sang mùa thu nhằm ngày húy kỵ (giỗ) của đức Thái Tổ Cao Hoàng đế. Từ lễ hội cung đình đến lễ hội dân gian là một bước chuyển tất yếu của lịch sử. Hình thức lễ hội dân gian đó còn lưu lại ở lễ hội đền thờ Lê Thái Tổ ở làng Chạm xã Xuân Lam và đền Lê Bố Vệ. Lễ hội Lam Kinh thường được tổ chức từ 3 ngày trở lên với lời dặn của Lê Lợi làm giỗ Lê Lai trước giỗ ông một ngày do có công đổi áo cứu nghĩa quân thoát nạn và giỗ bà hàng dầu sau ông một ngày để tưởng nhớ bà đã có công thắp đèn “chiêu quân” chỉ đường cho nghĩa quân từ những ngày đầu gian khó ở núi rừng miền Tây Thanh Hóa.

Các ngày lễ diễn ra theo trình tự:ngày 21/8 dâng hương ở đền Trung Túc Vương Lê Lai, tối 21/8 rước kiệu Lê Lai xuống đền Lê Thái Tổ ở làng Cham, xã Xuân Lam. Ngày 22/8 rước linh vị Lê Lai và thánh vị Lê Thái Tổ vào sân điện Lam Kinh. Sau phần nghi thức dâng hương, tế lễ trang trọng, thành kính, phần hội sẽ tiếp diễn với nhiều trò chơi dân gian trong vùng như kéo co, chọi gà và diễn trò Xuân Phả. Kết thúc phần tế lễ các kiệu được rước trở về yên vị tại các đền thờ. Từ lễ hội cung đình đến lễ hội dân gian, mỗi năm vào kỳ lễ hội dẫu thời tiếtnắng hay mưa nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân của hàng vạn lượt du khách đủ mọi thành phần dân tộc, lứa tuổi nô nức trẩy hội, Lam Kinh dâng hương tri ân, tưởng nhớ đức Thái Tổ Cao Hoàng đế và các vị vua, hoàng hậu nhà Lê Sơ. Từ năm 2000 đến nay vào các năm chẵn tỉnh tổ chức lễ hội Lam Kinh long trọng, huy động một số trò chơi, trò diễn của các địa phương nhưdàn trống hội Phú Khê, múa Sanh Ngô, Hoằng Hóa, múa đèn Đông Anh, Đông Sơn, trò Triềng, Yên Ninh, Yên Định hát múa Xuân Phả, múa rồng của Thọ Xuân, Triệu Sơn, múa chuông, múa bắt rùa của Ngọc Lặc. Ở đền Lê, Bố Vệ, TP.Thanh Hóa lễ hội trong năm được tổ chức hai lần vào rằm tháng Giêng và 20, 21, 22/8 âm lịch. Thời Nguyễn các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu đều tổ chức “quốc tế” còn các năm khác do dân làng tổ chức. Phần hộicó chạy chữ “Thiên hạ thái bình”, trò phá trận. Quân ta và quân Ngô dàn quân đánh nhau) và hội tung cù. Những năm gần đây lễ hội ở Lam Kinh, đền Trung Túc Vương Lê Lai, đền Lê Bố Vệ đều thành lập ban tổ chức với đủ các thành phần chức năng tham gia. Những nghi thức tế lễ rườm rà được giản tiện. Các hình thức bói toán, mê tín dị đoan được ngăn chặn. Nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các đoàn văn công chuyên nghiệp, các đội văn nghệ quần chúng được tổ chức thu hút nhân dân tham dự đông đảo. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinhthực phẩm, an ninh trật tự trong lễ hội được chú trọng nên mọi người tham dự lễ hội ngày càng an tâm và nâng cao ý thức trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Việc bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị truyền thống cũng như kết hợp hài hòa với các sinh hoạt văn hóa, thể thao hiện đại trong lễ hội Lam Kinh là dịp để tỉnh ta quảng bá sâu rộng với bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh, vị thế, tiềm năng, truyền thống lịch sử, văn hóa, gắn với du lịch của xứ Thanh. Việc làm “Uống nước nhớ nguồn” này góp phần khơi dậy lòng tự tôn, tự hào trong mỗi người dân, thôi thúc họ vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước.

Phạm Minh Trị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]