(vhds.baothanhhoa.vn) - Các điểm di tích tâm linh tại Thanh Hóa đang bước vào cao điểm, khi tiếp đón hàng nghìn lượt người dân, du khách thập phương mỗi ngày. Điều này cũng dấy lên quan ngại về nạn “chặt chém”, chèo kéo du khách tại một số địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chấn chỉnh tình trạng “chặt chém” tại các di tích tâm linh

Các điểm di tích tâm linh tại Thanh Hóa đang bước vào cao điểm, khi tiếp đón hàng nghìn lượt người dân, du khách thập phương mỗi ngày. Điều này cũng dấy lên quan ngại về nạn “chặt chém”, chèo kéo du khách tại một số địa phương.

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, đồng thời tạo sức thu hút du khách, góp phần quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch tại nhiều địa phương, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, tại không ít các lễ hội, di tích tâm linh, việc tăng giá các dịch vụ khiến du khách không khỏi bất bình.

Nhằm hạn chế tình trạng “chặt chém” tại các điểm du lịch, khu di tích, lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp, phương án, như tăng cường thanh kiểm tra, yêu cầu báo giá trên bảng niêm yết tại các cơ sở kinh doanh, cung cấp đường dây nóng hỗ trợ du khách. Tập trung bố trí, phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong ban quản lý di tích, ban tổ chức tại các địa phương, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm...

Tuy nhiên, tại một số điểm di tích, khu du lịch vẫn còn những “điểm trừ” không đáng có, những điểm trông giữ xe mang tính thời vụ mọc lên “như nấm”, tranh thủ chặt chém tiền gửi phương tiện du khách.

Cụ thể, tại Khu di tích Quốc gia Am Tiên (Tân Ninh, Triệu Sơn), một số du khách bức xúc, giá vé gửi xe niêm yết 3.000 đồng/lượt, nhưng khi thanh toán họ phải trả 10.000 đồng/lượt. Hơn nữa hoạt động dịch vụ xe đưa đón khách tận nơi của BQL cũng khiến du khách không hài lòng.

Anh N.V.T (Thiệu Hóa) cho biết: “Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ đưa đón tận nơi này, đều phải mua vé với mức giá 50.000 đồng/lượt, bao gồm cả lên và xuống. Tuy nhiên, chúng tôi không thật sự thoải mái khi chứng kiến cảnh tượng nhồi nhét, chờ đợi khi ra xe về”.

Có một thực tế, trong khi nhiều điểm du lịch tâm linh, giá vé trông gửi xe được niêm yết rất công khai, có dấu đỏ, nhưng khi khách thanh toán đều phải trả gấp đôi số tiền được ghi trong vé.

Nhiều hàng quán trong khuôn viên đền Sòng (Bỉm Sơn) được mùa “hái quả”.

Ghi nhận tại Di tích Quốc gia đền Sòng (TX Bỉm Sơn), nhiều dịch vụ kinh doanh cũng được đà “phát triển”, phục vụ khách đến làm lễ, ăn uống, nghỉ ngơi. Ở đây, có những quán hàng trong khuôn viên di tích, dựng tạm bằng một chiếc ô nhỏ, bố trí vài bộ bàn ghế nhựa, đồ ăn, thức uống chỉ dăm chai nước lọc, ấm trà nóng, vài túi mía, dứa gọt sẵn...

Theo quan sát, bình thường những đồ ăn, thức uống kể trên có giá rất “bình dân”, song do là đầu năm, lượng khách kéo đến đông, chủ quán không ngần ngại tăng giá “nhẹ” một số mặt hàng...

Ông Vũ Văn Xuyên, Trưởng Ban quản lý di tích đền Sòng Sơn (TX Bỉm Sơn), cho biết: “Để phòng chống tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách tham quan, hành hương bái phật, chính quyền địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về niêm yết, tăng giá bán các sản phẩm”.

Cách đền Sòng chưa đầy 1km về phía Đông là đền Cô Chín cũng thu hút đông đảo du khách. Do chưa có bãi đậu xe tập trung, nên mỗi lần đến đền Cô Chín, khách thập phương đều bị lực lượng bảo vệ chặn xe ngay từ ngoài đường, yêu cầu đóng phí mới được vào đền. Giá vé ô tô vào đền là 30.000 đồng/lượt.

Bãi gửi xe thu phí 30.000 đồng/lượt luôn trong tình trạng quá tải tại đền Cô Chín ( TX Bỉm Sơn).

Một cán bộ BQL di tích đền Độc Cước (TP Sầm Sơn), nhấn mạnh, từ đầu năm đến năm, khu di tích thu hút từ 20.000 - 30.000 lượt du khách. Điều đáng nói, Sầm Sơn là điểm du lịch bốn mùa, nên công tác quản lý, kiểm tra luôn được cấp có thẩm quyền tại đây quan tâm. Tại các điểm di tích như đền Độc Cước, đền Cô Tiên... đều gắn các biển báo, kèm theo đường dây nóng quanh khu vực, trong đó 100% tiểu thương buôn bán, đơn vị vận tải phải ký cam kết tuân thủ không tăng giá bán, niêm yết giá công khai các mặt hàng, sản phẩm, dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của UBND thành phố, Đội Quản lý Thị trường số 2 đóng trên địa bàn.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng cường xử lý các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu tăng giá, “chặt chém” du khách, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người bán hàng, bán đúng giá quy định, công khai, niêm yết. Từ đó, tạo ra môi trường văn minh, xóa bỏ những định kiến không hay của du khách...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]