(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau một năm chuyển quyền quản lý từ UBND huyện Hậu Lộc về Trung tâm Bảo tồn di sản Thanh Hóa, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu đã thực sự có những đổi thay mạnh mẽ. Trong đó đặc biệt phải kể đến công tác tổ chức lễ hội và quản lý di tích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý đền Bà Triệu

Sau một năm chuyển quyền quản lý từ UBND huyện Hậu Lộc về Trung tâm Bảo tồn di sản Thanh Hóa, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu đã thực sự có những đổi thay mạnh mẽ. Trong đó đặc biệt phải kể đến công tác tổ chức lễ hội và quản lý di tích.

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và lễ hội Bà Triệu được tổ chức với quy mô cấp tỉnh thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Dấu ấn di tích

Án ngữ dưới chân núi Gai, đền Bà Triệu, nơi thờ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh đã và đang dần trở thành điểm đến tham quan và tín ngưỡng tâm linh điểm nhấn của xứ Thanh. Nhắc đến Bà Triệu, hậu thế nhớ đến hình ảnh một nữ tướng tuổi ngoài đôi mươi, tài năng, khí phách hơn người đã lãnh đạo lực lượng, dấy cờ khởi nghĩa khiến giặc Đông Ngô xâm lược bao phen hoảng loạn. Cuộc khởi nghĩa tuy cuối cùng thất bại nhưng ý nghĩa thì vẫn còn vẹn nguyên. Qua 1770 năm kể từ ngày Bà Triệu hi sinh anh dũng trên đỉnh núi Tùng (cách khu vực núi Gai gần 500m), lịch sử giữ nước của dân tộc cũng đã đi qua biết bao cuộc chiến cùng những sự kiện, đau thương. Nhưng cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu khởi xướng, công ơn của Bà Triệu, dấu tích xưa cũ vẫn được nhân dân tri ân tưởng nhớ. Để những ngày đầu xuân tháng 2 hàng năm, kỷ niệm ngày mất của vị vua Bà, nhân dân xứ Thanh lại cùng nhau náo nức hòa trong không khí lễ hội tại đền thờ Bà, cùng cầu chúc những điều tốt đẹp. Nhưng hơn cả, nhìn lại quá khứ, lịch sử dựng nước và giữ nước của các đấng tiền nhân để cùng tự hào, ngưỡng vọng và trân trọng.

Năm 2015, khu di tích đền Bà Triệu chính thức được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt. Nằm bên cạnh Quốc lộ 1A, đền Bà Triệu đã và đang được quan tâm, đầu tư nguồn kinh phí cho trùng tu, tôn tạo để trở thành điểm đến tham quan, chiêm bái thực sự ấn tượng, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Và mục tiêu ấy đã và đang trở thành hiện thực khi vào mỗi dịp đầu năm, di tích đón hàng vạn lượt du khách về dâng hương, vãn cảnh. Đông đúc là vậy, song đền Bà Triệu cũng là điểm đến tâm linh ghi nhận sự hài lòng của hầu khắp du khách với không gian tâm linh, linh thiêng đúng nghĩa: tĩnh lặng, sạch sẽ và trang nghiêm.

Nâng tầm vị thế từ công tác quản lý

Có được kết quả đó và sự ghi nhận đó, không thể không nhắc đến sự thay đổi trong công tác quản lý.

Năm 2017, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu đã chính thức được chuyển quyền quản lý về Trung tâm Bảo tồn Di sản Thanh Hóa. Đây được xem là một trong những quyết định quan trọng thể hiện sự quan tâm, đánh giá đúng tầm giá trị di tích của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, đơn vị được UBND tỉnh trực tiếp giao quyền quản lý khu di tích cho biết: phải khẳng định và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của UBND huyện Hậu Lộc (đơn vị quản lý khu di tích trước đây). Tuy nhiên, việc chuyển di tích về cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quản lý phần nào nâng tầm và khẳng định vị thế của khu di tích. Sau khi tiếp quản, trung tâm đã tăng cường thêm đội ngũ nhân viên có chuyên môn tại di tích, gắn liền với việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu... từ đó có những thông tin, phát hiện “chuẩn”. Để không chỉ có những cứ liệu chắc chắn, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của người dân và kịp thời phản bác lại những thông tin, luận điệu xuyên tạc ngoại lai, bịa đặt về di tích cũng như vị nữ tướng Triệu Thị Trinh. Bên cạnh đó việc bổ sung đội ngũ chuyên môn trong công tác quản lý trực tiếp di tích cũng góp phần điều chỉnh, định hướng sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cho người dân và du khách được đúng chuẩn theo quy định của Luật Di sản. Để công tác bảo tồn gắn liền với phát huy giá trị di tích.

Thực tế, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu không chỉ có ngôi đền uy nghi nằm dưới chân núi Gai. Bên cạnh đó còn có Đình làng Phú Điền (nơi Bà Triệu được suy tôn là Thành hoàng làng); khu lăng mộ Bà Triệu trên đỉnh núi Tùng; mộ Ba ông Tướng; miếu Bàn thề; nghè Đệ tứ... trong đó đình làng Phú Điền là một công trình kiến trúc gỗ thời Nguyễn vô cùng giá trị. Được biết, trong thời gian tới di tích Đình làng Phú Điền sẽ được tu bổ một số hạng mục phù hợp. Đình làng Phú Điền cùng với đền, lăng mộ Bà Triệu sẽ tạo nên những điểm nhấn thực sự cho khu di tích.

Có thể, ở thời điểm hiện tại những con số thống kê số lượng du khách, nguồn thu tại di tích chưa phải là những số liệu ấn tượng. Dẫu vậy, với những giá trị to lớn của khu di tích, những nỗ lực trong công tác tổ chức quản lý của cơ quan chuyên môn, cùng định hướng, cách làm đúng đắn, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu sẽ từng bước đổi thay, để thực sự trở thành điểm đến tham quan, chiêm bái hấp dẫn du khách gần, xa.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]