(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ niềm tin tín ngưỡng, đi lễ chùa đã trở thành nhu cầu tinh thần, nét văn hóa của người Việt nói chung. Vậy nhưng, câu chuyện văn hóa nơi cửa chùa của không ít người đi lễ: “đẹp và chưa đẹp” thì lại vẫn cứ là đề tài tưởng rằng ai cũng biết, song thực thế thì không hẳn vậy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện đi lễ chùa

Từ niềm tin tín ngưỡng, đi lễ chùa đã trở thành nhu cầu tinh thần, nét văn hóa của người Việt nói chung. Vậy nhưng, câu chuyện văn hóa nơi cửa chùa của không ít người đi lễ: “đẹp và chưa đẹp” thì lại vẫn cứ là đề tài tưởng rằng ai cũng biết, song thực thế thì không hẳn vậy.

Niềm tin hướng thiện

Với hàng trăm di tích và điểm chùa trên khắp địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã, đang đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của hàng triệu phật tử nói riêng và người dân xứ Thanh nói chung. Trong dịp đầu xuân thì các điểm chùa cũng vô cùng hút khách đến đi lễ, dâng hương, vãn cảnh...

Thật khó để thống kê, song quả thực số lượng người dân đến với cổng chùa như một nhu cầu tín ngưỡng tâm linh là vô cùng lớn. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp bởi cửa chùa luôn rộng mở. Và bạn, tôi, chúng ta đến chùa khi nào? Khi ta buồn, bế tắc, hoang mang... khổ sở, ta tìm đến đức Phật như tìm cho mình những lời khuyên để thoát khỏi sự sợ hãi, khốn khổ, để tâm ta được an nhiên giữa dòng đời xô bồ, hối hả. Phải vậy chăng?

Câu chuyện kể rằng có vị thiền sư luôn mang câu chuyện con sư tử đeo lục lạc để răn dạy đệ tử: ở khu rừng nọ có con sư tử vô cùng hung dữ, trên cổ nó có đeo một chiếc lục lạc và chiếc lục lạc khiến sư tử càng thêm đáng sợ. Nó đi đến đâu với tiếng lục lạc cũng khiến cho mọi muông thú, con người sợ hãi. Muôn loài bèn cùng nhau bàn bạc và thống nhất, phải tháo được chiếc lục lạc trên cổ sư tử. Vậy nhưng, ai sẽ đi làm việc đó? Mọi thứ dường như lại đi vào bế tắc khi chẳng ai đủ dũng cảm. Sư tử không thể tự mình đeo chiếc lục lạc vào cổ, phải có ai đó đeo lục lạc vào cổ nó. Và ai đã đeo được thì đương nhiên cũng có thể cởi ra được. Vậy đấy!

Chỉ một câu chuyện đơn giản nhưng đã giúp nhiều người hiểu ra chân lý cuộc sống. Con người ta vì chạy theo những nhu cầu, ham muốn bản thân mà vô hình chung khiến mình trở nên bị áp lực, mệt mỏi. Bởi vậy, để thoát khỏi ưu sầu thì chỉ có thể chính mình tự buông bỏ bớt những tham, sân, si... có như vậy tâm ta khắc bình an.

Vì thế, đến với cửa chùa, đức Phật chẳng đòi hỏi ở ta mâm cao cỗ đầy, lễ lạt đồ sộ, chỉ cần một tâm hướng thiện, chân thành... rồi tự khắc khổ đau sẽ qua, an yên, niềm vui sẽ đến.

Và đức Phật cũng luôn răn dạy đệ tử về ngũ giới: không trộm cắp; không sát sinh; không nói dối; không tà dâm; không uống rượu (ngày nay được hiểu là các chất kích thích gây hại). Phải chăng hiểu được điều đó khi đi lễ chùa, ta thấy người xung quanh mình thực sự chuẩn mực trong từng hành động ứng xử, lời ăn tiếng nói.

Tin vào luật nhân quả và nói không với mê tín dị đoan

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng không phải tất cả mọi người đi lễ chùa đều thấu hiểu được giáo lý, lời dạy của đức phật từ bi. Vì thế mới có những hình ảnh thiếu đẹp, phản cảm chốn cửa chùa tâm linh: tranh cướp lộc, xả rác bừa bãi, ăn mặc thiếu vải... làm ảnh hưởng mỹ quan cửa chùa.

Trao đổi với Đại đức Thích trúc Thông Tánh, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng về câu chuyện đi lễ chùa của người dân: Đến chùa là để tu tập, chỉnh sửa chính mình. Vì thế, đến chùa, ta cầu xin đức Phật từ bi hỉ xả, nhưng thực chất là ta phải tự cầu xin chính mình, bởi đức Phật đã dạy “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Đức Phật dạy con người biết tin vào luật nhân quả, nhân quả do chính con người gieo trồng mà ra. Mọi thứ đều có nguyên do mà khi hiểu được điều đó, con người sẽ tự tu sửa được hành vi của mình, để tránh gieo những nhân xấu, tạo quả ác. Chính bởi vậy, trong giáo lý nhà Phật hoàn toàn không có chuyện cúng sao giải hạn, rồi đốt vàng mã, xem bói dưới mọi hình thức... tất cả những điều đó đều bị coi là mê tín dị đoan.

Tuân theo quan điểm, giáo lý của Đức phật nên tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng không xây lò hóa sớ, kiên quyết nói không với những du khách và phật tử có ý định mang đồ mã đến Thiền viện. Và với quan điểm của mình, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng còn cho rằng: đốt vàng mã ngoài việc mê tín dị đoan còn gây ảnh hưởng rất lớn đến môi sinh, gián tiếp phá hoại môi trường. Mỗi năm để có số giấy làm ra vàng mã là bao nhiêu hecta rừng bị đốn trụi và phải bao nhiêu năm mới có thể tái sinh, trồng mới. Còn về việc cầu cúng, xin xỏ của nhiều người đi lễ hiện nay sẽ chỉ “tiền mất tật mang” nếu con người ta không chịu tự thay đổi, chỉnh sửa hành vi của chính mình. Khi hiểu và tin sâu vào luật nhân quả của đạo Phật thì con người ta sẽ tránh khỏi việc bị dẫn dắt vào những u mê, mê tín dị đoan. Sau 7 năm xây dựng và sinh hoạt, với trên 5.000 phật tử đã quy y thì tất cả phật tử của Thiền viện đã phát nguyện lời hứa trước Phật sẽ không đi xem bói toán, cầu cúng, dâng sao giải hạn. Tin vào đức Phật và giáo lý đạo Phật, cùng sự nỗ lực tự thân... đó sẽ là con đường ngắn nhất đưa con người đến với niềm vui.

Như vậy, đạo Phật vốn không u minh, thần bí và cao siêu như nhiều người vẫn nhầm tưởng khi đi lễ chùa trước và nay. Hiểu được điều này, mỗi người hãy tự điều chỉnh suy nghĩ, hành vi khi đến chốn cửa chùa tôn nghiêm.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]