(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Gà, tiếng dân tộc Mường phát âm là Kha (car, khal, khar...). Từ xưa nếp sống văn hóa giao tiếp đã được thấm nhuần từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lối ứng xử thật thà, chân chất, cụ thể, gắn bó, gần gũi coi như một nhà, lá lành đùm lá rách, sống có trước, có sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Con gà trong dân gian dân tộc Mường

(VH&ĐS) Gà, tiếng dân tộc Mường phát âm là Kha (car, khal, khar...). Từ xưa nếp sống văn hóa giao tiếp đã được thấm nhuần từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lối ứng xử thật thà, chân chất, cụ thể, gắn bó, gần gũi coi như một nhà, lá lành đùm lá rách, sống có trước, có sau.

Mọi lối ứng xử nền nã đó được thông qua con gà vừa tầm của cải, vừa sát thực tâm, thực tế. Đó là cung cách khi người quen, thân, nội ngoại đến nhà nhau thì lúc về nhà chủ cũng có nom (quà) là đôi gà nhép bên cạnh đùm cơm ăn đường, lộ xá. Kèm theo lời ca chân tình rằng: “Chẳng mấy khi ta ở xa mà gần/ Lần này lại lần nữa thăm nhau/ Có trầu ăn, trầu dành đi đường xa ngái/ Có bánh trái vườn nhà/Có đôi gà nhóp nhép gọi là làm nòi, chia giống cùng nhau/ Xin để mai sau nó lớn...”. Cái gốc cho quà này đã có từ thời dân gian truyền miệng nên sử thi Mo Mường Đẻ đất Đẻ nước, có trường đoạn ngợi ca Mụ Húng người nhà trời là Bà chúa nuôi gà đã đem quà cho Nàng Dặt Cái Dành từ trần gian lên xin nòi gà làm giống. Đó là: “Mụ Húng nuôi gà/ Xuống sân rồng bắt đôi gà niên/ mang đến cho nàng/ Nàng quảy đôi gà ri/ Lên nhà chào mụ Húng...”. Mụ Húng dặn dò thêm: “Mày vội vội vàng vàng/ Hãy đem lợn về nhà/ Đem gà về cửa/ Nuôi lợn cho khá/ Nuôi gà cho đầy đàn...”. Khi đắp mộ xong xuôi, gia chủ chia của cho người chết với đủ vật dụng như cày, bừa, cuốc, xẻng, thúng, mủng, dao, rựa, mũ nón... và nhất thiết có con gà để chăm lo gáy báo thức cho người dưới mộ. Lời ca khấn rằng: “Con gà pi, con gà pai/ Con cháu đã thả ra ngoài rừng cấm/ Rừng giữ lấy nòi gà trống/ Mộ giữ lấy tiếng gà kêu/ Lông đuôi gà đỏ làm nêu/ Để muôn đời còn nhớ...”.

Truyện về sự tích Mó Nước Ấm ở làng Peo thuộc xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc kể rằng nàng Út nhà Lang Kun Peo đẹp người, đẹp nết đã để chàng hoàng tử con vua Thủy Tề phải lòng. Chàng hóa thành con gà trống đen ngày ngày bay vọt lên từ mỏ nước giếng làng, rồi đến quẩn quanh chân nàng Út. Một hôm nàng Út lùa theo gà đen để lấy lại suốt chỉ gà kéo đi về phía mỏ nước giếng làng. Nàng trượt chân ngã xuống giếng. Từ đó nhà ông Lang Kun Peo mất hút nàng Út con yêu. Khi đã sinh con ở dưới Thủy Tề, nàng xin phép vua cha và hoàng tử trở về trần gian. Cuộc chia ly đẫm nước mắt nàng. Nước mắt nàng làm nóng ran mỏ nước. Từ đó Mỏ nước này được gọi tên là Mó nước ấm.

Truyện cười dân gian Mường lại kể về cái bản tính đần độn của anh chàng Bố Ku. Đến nỗi vợ nói trước chàng quên sau ngay lập tức. Đến nỗi vợ Ku lắc đầu ngao ngán, bèn vào chuồng bắt con gà trống nhét vào rọ rồi đưa cho Bố Ku và dặn đi dặn lại rằng: “Hễ quên thì đập mạnh vào lưng con gà, nó sẽ kêu lên: Giác! Giác! Giác! Bố nó nhớ lấy mà đến nhé!”. Bố Ku xách theo con gà, vừa đi vừa đập tay vào lưng con gà để nó kêu to: Giác! Giác! Nghe chuyện Bố Ku ai cũng cười rân rấn nước mắt.

Trò chơi Chọi gà của trẻ em với cách chơi cứ hai em một phe (nhóm). Mỗi em chọn lựa một bó ngọn cỏ gà khi hai bên đã thỏa thuận về số lượng. Cả hai phe cùng đọc lời ca đồng dao rằng: “Hai chân giẫm lật đật/ Hai chân lượn quanh quanh/ Trống gà nào làm anh thì được/ Gà nào đứt cổ trước thì thua/ Gà ai muốn làm vua thì chết/ Còn một con đến tết/ Để chọi nhà trời (chơi)!”. Hát ca xong thì bắt đầu chọi. Sau một hồi chơi chọi, bên nào hết gà trước thì bên ấy thua cuộc. Bài ca lại tiếp tục vang lên.

Tục chọi gà của người Mường thường diễn ra trong dịp tết. Người Mường ít chăm nuôi, vỗ béo, luyện cựa cho gà đua. Mỗi khi có dịp chơi trò là nhằm con gà trống to khỏe nhất, gọi là Gà bố cùm (chuồng) đem đi khoe đua. Thi chọi gà không để ăn thua mà ý lớn là làm vui cho Thần hoàng làng năm ấy phù hộ cho dân làng cơm no, áo ấm, an khang thịnh vượng. Bài ca theo chân đám chọi gà ý nhị và tâm tình: “Gà bố chuồng nu na! Gà làm cha nu nơng! Vào sới mổ dốc họng/ Lao mỏ gọng kìm căng/ Đá trước cho hăng/ Giằng đuôi, chuồi cánh/ Gà ông choài mạnh/ Gà chúa múa đao/ Gà nào xác xơ thì chết/ Gà nào mất nết tháo thân/ Chỉ còn sân múa võ/ Gà là gà nu na! Chọi là chọi nu nơng!”.

Trong ẩm thực, người Mường cũng như các dân tộc khác coi việc làm thịt gà vào dịp lễ, tết, các lễ cúng vía, tiếp đãi khách gần xa... đều nhờ món thịt gà làm sang, làm trọng. Chính lẽ đó mà khi dâng lễ cúng việc nào cũng có đoạn “Khuôn ăn = Mời ăn uống) với cách kể rằng: “Cỗ cơm còn lành/ cỗ canh còn ngon, còn ngọt/ Xin trống gà lớn (náy)/ Ăn vào đùi lườn/ Ăn đến tim gan/ Ăn miếng ức cho đã/ Ăn qua miếng cánh / Đến miếng nạc hai vai/ Còn miếng này đầu cổ/ Các ngài ăn cho no/ Uống cho say/ Bữa cỗ này cơm gà còn hẹn/ Lần sau cỗ gà còn dâng...”. Qua đó ta thấy lối ứng xử dân gian từ thịt gà = cỗ gà = dâng lễ là cầu nốigiữa cuộc sống đời thường và việc linh thiêng được tôn vinh mãi mãi.

Trong dân ca Xường, có khúc thức Đánh thức Xường = Dầl cung Xlướng. Nêu lên việc đi học được các bài Xường vô cùng công phu, lắm gian nan cần bền chí vượt qua những trở ngại, rằng nhờ đến con gà tỉnh thức: “...Lại ngoái mặt trông lên trời/ Thấy đôi con cò bay bơi vượt bể/ Hay sợ là đàn gà nản/ Dạn dạn là đàn gà hoa/ Chập tối đi nằm/ Canh năm đã dậy/ Con trống gáy nên tiếng lý ải/ Con mái gằn ra tiếng lý ôi/ Chơi thuyền đồng có đôi ống trắm/ Chơi cho đắm sầu thương xim (tình)”.

Trong tục ngữ, thành ngữ Mường nói về con gà vừa chí lý, gần gũi và ẩn ý. Ví dụ khidựa vào động thái của gà để đoán ra thời vụ: “Gà bươi lùi/ Mũi gió ngang/ Hãy thôi làm mùa”. Chăn nuôi gà cần thiết chăm lo: “Đan ổ thưa mắt cáo cho gà ấp con”, “Đan bu tròn cho gà nhép nhặt mẳn”. Chọn gà giống thì chú ý: “Gà nản thì sống/ Gà bống thì chết”. Cũng có điều khuyên nên cẩn trọng khi chăm nom đàn gà, rằng: “Đàn gà đừng khoe ra miệng con diều, con cáo”...

Tóm lại, con gà và nhà nông làm nên bước đầu của sự sống ở ngôi nhà. Có nóc nhà là có lửa, có khói, có bếp thơm hương vị lúa, ngô. Và hẳn là không thể thiếu tiếng gà gáy về chiều, trở canh, báo sáng. Dân tộc Mường và các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã chung đúc hình tượng con gà nên những gam màu sống động trong kho tàng văn hóa dân gian để bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau.

Vương Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]