(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Con gà là loại vật nuôi sớm gắn bó với đời sống người lao động và đã nhập vào dòng chảy văn hóa dân gian truyền thống. Trong văn hóa dân gian, nghệ thuật dân gian và trong tâm thức dân gian con gà đã có vị trí quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Con gà trong dòng chảy văn hóa dân gian

(VH&ĐS) Con gà là loại vật nuôi sớm gắn bó với đời sống người lao động và đã nhập vào dòng chảy văn hóa dân gian truyền thống. Trong văn hóa dân gian, nghệ thuật dân gian và trong tâm thức dân gian con gà đã có vị trí quan trọng.

Từ con gà trong đời sống văn hóa

Huyền thoại của người Việt vùng Thanh Hóa kể rằng: Thuở hình thành trời đất có đến 9 mặt trời, 12 mặt trăng. 9 mặt trời thay nhau tỏa ánh sáng chói chang như thiêu đốt xuống mặt đất làm cho sông, suối khô cạn, cây cối chết cháy, đời sống con người khổ sở trăm bề. Nhận thấy chỉ một mặt trời chiếu sáng là đủ nên con người đã tập hợp nhau lại bắn rụng 8 mặt trời. Oái oăm thay, chứng kiến cảnh 8 mặt trời bị bắn rụng, mặt trời còn lại sợ quá nên đã chạy trốn xuống biển. Con người lại lâm vào cảnh tối tăm, ngày cũng như đêm, không có chút ánh sáng nào cả. Loài người lại phải mò mẫm họp nhau lại tìm phương án gọi mặt trời. Gà trống hăng hái xung phong nhận nhiệm vụ này nhưng vì gà không biết bơi nên không thể vượt đại dương. Trước tình thế gay cấn ấy, vịt đã xung phong cõng gà trống trên lưng bơi ra biển để gà gáy gọi mặt trời lên.

Huyền thoại “vịt cõng gà gọi mặt trời” có thể ra đời từ rất sớm, trong giai đoạn hai khối Việt - Mường còn chưa tách ra. Đến thời điểm người Mường trở thành một cộng đồng độc lập, huyền thoại này vẫn được bảo lưu, trao truyền qua các thế hệ. Người Mường đã lưu truyền huyền tích này trong bộ sử thi nổi tiếng của dân tộc mình đó là “Đẻ đất Đẻ nước”, được dịch sang tiếng Việt như sau:

...Gà Ải nhảy lên lưng vịt Êm

Bơi trên sông quang, sông rộng

Nó gáy một tiếng ở đàng đông

Nó vồng sang phía đàng tây

Mặt trời nghe tiếng con gà Ải

Mặt trời lên trải nắng vàng(1)

Trong văn học dân gian, con gà được biết đến trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Ẩn trong đám mây mù của huyền thoại có liên quan đến lịch sử này việc con gà đã có mặt trong lễ vật cầu hôn của chú rể. Phải chăng cái tục lệ cưới hỏi bằng xôi - gà được bắt nguồn từ cổ tục xưa mà truyền thuyết dân gian đã nói tới.

Trong đời sống thường nhật tiếng gà gáy là cái đồng hồ của người nông dân. Xưa các bậc lão nông chỉ cần nghe thấy tiếng gà gáy theo từng canh để trở dậy đi làm. Người dân làm nghề sông nước nghe tiếng gà gáy mà đoán định giờ con nước lên, xuống.

Trong tầm nhìn của người tiểu nông xưa: con gà, cây cau là điểm quy chiếu về một góc nhìn được đúc kết: “cảnh cau, chim gà”. Đặc biệt trong những năm gần đây đời sống người dân khá giả việc nuôi gà tre cho vui mắt, đẹp cửa đẹp nhà đã trở thành phổ biến ở các làng quê.

Ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ Việt Nam đã nói nhiều đến con gà. Người nuôi gà có cả một kho tri thức về: chọn gà giống, bán gà, thưởng thức thịt gà. Chọn gà thì “gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua” còn “gà đen chân chì, mua gì giống ấy”. Khi bán gà thì tránh gà gió rét theo lời khuyên “bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa”, trong việc thưởng thức món thịt gà thì phải theo lời khuyên “con gà cục tác lá chanh”, hoặc đối với người miền núi thì “cơm nếp đùi gà/nhà ta có ngọc”.

Trong tâm thức người lao động ở làng quê cỗ xôi, con gà là biểu hiện tấm lòng thành kính đối với thần linh, tổ tiên. Ngày giỗ, ngày tết phải có cỗ xôi con gà.

Trong danh mục văn hóa ẩm thực Việt Nam, thịt gà là thứ ngon nhưng không phải là thức đặc sản vì làng quê nào cũng có nhưng thịt gà khi trở thành “miếng giữa làng” giữa chốn “đình trung” thì cái chức sắc ở làng quê phong kiến Việt Nam cũng liên quan đến vị trí của miếng thịt gà. Phóng sự “việc làng” của nhà văn Ngô Tất Tố đã cho thấy con gà trong “việc làng” với những công việc nuôi gà, luộc gà và cả “nghệ thuật băm thịt gà”.

Trong đời sống dân gian chốn làng quê, trò chơi dân gian chọi gà, đá gà là một trong những thú vui được ưa chuộng.

Trẻ em ở nhiều nơi đều biết đến trò chơi chọi gà bằng loại cỏ gà. Người lớn thì đấu gà là một trò chơi hấp dẫn.

Ở Việt Nam, việc thi đấu gà có từ lâu đời và phổ biến ở nhiều nơi. Nhu cầu của việc thi chọi gà dẫn đến việc hình thành các làng cung cấp giống gà chọi, kỹ thuật nuôi gà chọi và luật chơi chọi gà cũng ngày được quy định chặt chẽ hơn. Đến nay ở nhiều nơi đã có những câu lạc bộ chọi gà thu hút khá đông người tham gia.

Đến con gà trong nghệ thuật

Con gà là loại vật nuôi có mặt trong 12 con giáp bên cạnh các vật nuôi như chó, lợn, trâu, mèo... nhưng lại là con vật đã sớm đi vào nghệ thuật. Trong dòng nghệ thuật dân gian truyền thống con gà có mặt trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ tượng tròn đến điêu khắc gỗ và cả trên hội họa của những dòng tranh dân gian.

Tượng gà bằng đất sét thuộc văn hóa Phùng Nguyên, có niên đại khoảng 4.000 năm cách ngày nay được xem là tượng gà sớm nhất ở Việt Nam. Tượng gà nhỏ, được thể hiện ở tư thế đứng hoàn chỉnh, chân thực, thể hiện rõ nét con gà nhưng vẫn đảm bảo tính nghệ thuật. Với tượng gà bằng đất sét này con gà đã được bước chân đầu tiên vào nghệ thuật dân gian truyền thống để rồi đi theo dòng nghệ thuật này trong dòng nghệ thuật dân gian.

Trong nghệ thuật điêu khắc gỗ đình làng xưa đề tài chủ yếu vẫn là những con vật thuộc loại tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng. Sự phát triển của nghệ thuật dân gian, nhất là sự phát triển của trò chơi chọi gà đã tạo điều kiện đưa cảnh chọi gà lên các mảng điêu khắc đình làng. Trên đình làng ở Hà Bắc cảnh chọi gà đã được tái hiện bên cạnh các mảng điêu khắc gỗ truyền thống. Sự góp mặt của đề tài con gà trong điêu khắc gỗ đình làng đã cho thấy con gà không chỉ có mặt trên cỗ xôi chốn đình trung mà còn có vị thế trong dòng nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Tranh gà chọi.

Dòng tranh dân gian, đề tài con gà cũng có vị trí quan trọng. Trong dòng tranh dân gian đề tài con gà được khai thác ở các góc độ: Bé ôm gà, mẹ con đàn gà, chú gà trống. Các loại tranh này trở thành tranh tết rất được ưa chuộng. Các cảnh: Mẹ con đàn gà được bố cục chặt chẽ tạo nên sự đông đúc, quây quần, cảnh bé ôm gà được tập trung thể hiện sự to khỏe, mập mạp... nét vẽ đơn sơ, sinh động, phóng khoáng, giàu chất hiện thực với những gam màu ấm áp. Nghệ sĩ dân gian đã “thổi hồn” vào bức tranh gà thắp lên niềm hy vọng với sự no đủ, đoàn tụ, khỏe mạnh mỗi độ xuân về. Tranh Đông Hồ với những nét tươi trong trên giấy điệp đã trở thành hình ảnh về làng quê thanh bình trong thơ Hoàng Cầm và bức tranh gà treo trên vách đã được nhắc đến trong thơ Nguyễn Khuyến.

Đề tài con gà trong dòng tranh dân gian đã góp phần bảo lưu nét đẹp truyền thống trong dòng chảy mỹ thuật dân gian. Trong xu thế “về nguồn” hiện nay, các loại tranh dân gian ngày càng được ưa chuộng. Hy vọng là con gà lại cất tiếng gáy trên những bức tranh xuân truyền thống.

Trần Thị Liên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]