(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ thuở hồng hoang nguyên thủy đến thế giới văn minh hiện đại, sách vẫn được ví như kho tri thức của nhân loại, nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa, thành tựu phát triển... của loài người. Dẫu vậy, qua mỗi thời kỳ, con người lại phát minh ra những công cụ lưu giữ tri thức khác nhau. Đó có thể là những mảnh vỡ giáp xác, phiến đá, thẻ tre, giấy bản, giấy in... ngày nay còn có sách điện tử. Và đi cùng với đó, lẽ dĩ nhiên là sự thay đổi trong cách đọc, tiếp nhận tri thức của độc giả. Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, đó là đòi hỏi và cũng thách thức đối với người làm văn hóa đọc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công nghệ số thay đổi văn hóa đọc

Từ thuở hồng hoang nguyên thủy đến thế giới văn minh hiện đại, sách vẫn được ví như kho tri thức của nhân loại, nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa, thành tựu phát triển... của loài người. Dẫu vậy, qua mỗi thời kỳ, con người lại phát minh ra những công cụ lưu giữ tri thức khác nhau. Đó có thể là những mảnh vỡ giáp xác, phiến đá, thẻ tre, giấy bản, giấy in... ngày nay còn có sách điện tử. Và đi cùng với đó, lẽ dĩ nhiên là sự thay đổi trong cách đọc, tiếp nhận tri thức của độc giả. Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, đó là đòi hỏi và cũng thách thức đối với người làm văn hóa đọc.

Cần nhiều biện pháp để thay đổi và hình thành thói quen đọc sách ở người Việt.

Người Việt “lười” đọc sách?

Con số thống kê người Việt đọc chưa đến một cuốn sách mỗi năm không phải là số liệu mới công bố. Song đó vẫn là con số đầy “trăn trở” đối với những ai quan tâm tới văn hóa đọc nước nhà nói chung. Cũng theo một thống kê cách đây chưa lâu, tỉ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%; số người thỉnh thoảng mới đọc chiếm 44%; 30% người Việt thường xuyên đọc và bạn đọc đến thư viện chỉ chiếm 8 - 10%. Trong khi đó, Ấn Độ, một quốc gia với sự cách biệt trình độ dân trí giữa các tầng lớp rõ rệt, tỉ lệ người biết chữ chỉ khoảng trên 27,4% nhưng bù lại: 25% người trẻ Ấn Độ thường xuyên đọc sách và 49% số người được đi học đọc sách như một cách giải trí.

Và dường như là có liên quan khi tỉ lệ nghịch với số lượng sách người Việt đọc mỗi năm lại là những con số đầy ấn tượng của các hãng sản xuất điện thoại. Đó là khi năm 2017, đã có khoảng 15 triệu chiếc smartphone (điện thoại thông minh) được bán ra trên thị trường Việt Nam (7 triệu chiếc năm 2013). Sẽ là khập khiễng nếu làm bài toán so sánh giữa chi phí người Việt đầu tư vào smartphone với chi phí cho văn hóa đọc. Nhưng, đã có những câu hỏi được đặt ra: người Việt sử dụng điện thoại thông minh làm gì? Ngoài chức năng nghe gọi thì đó là lướt facebook; xem youtube; chơi game... và với 58 triệu người dùng facebook, Việt Nam là nước có số lượng người dùng facebook lớn thứ 7 trên thế giới. Và nếu có một con số thống kê về thời gian trong ngày mà người Việt dành để sử dụng facebook thì chắc hẳn đó cũng sẽ là con số vô cùng “ấn tượng”.

Không thể phủ nhận về tác dụng của mạng xã hội facebook. Tuy vậy, trên thế giới dường như chưa có quốc gia nào được vinh danh hay cảm thấy tự hào vì có tỉ lệ người dùng mạng xã hội khủng. Còn với người Việt, không khó để mỗi chúng ta nhận ra, bên cạnh tác dụng là kênh chia sẻ thông tin, kết nối bạn bè thì mạng xã hội (facebook, zalo...) đang làm ảnh hưởng, thậm chí là đảo lộn những giá trị. Người ta dùng mạng xã hội để tung hê, hạ bệ, lừa đảo, thậm chí là hạ nhục lẫn nhau. Cùng với đó, sự “lên đồng” của cộng đồng mạng cũng khiến cho không ít cá nhân, tổ chức “ảo tưởng” vào giá trị của chính mình. Đó là những “Lệ Rơi; Khá Bảnh; Phúc XO; Dương Minh Tuyền...”.

Đã từng nghe ai đó nói: “đọc sách là khoản đầu tư có lãi nhất cuộc đời”. Vậy thì phải chăng là người Việt đang có sự “đầu tư” chệch hướng. Khi mà trong khoảng thời gian hữu hạn của một ngày, một tháng, một năm... mỗi chúng ta vẫn đang say mê với những “like, share, bình luận” thì khoảng thời gian ta dành cho việc đọc sách sẽ là bao nhiêu? Đã bao giờ mỗi chúng tự hỏi chính mình về sự đầu tư cho “văn hóa đọc”. Đó không đơn giản chỉ là sự đầu tư 100, 200 nghìn cho việc sở hữu cuốn sách nào đấy. Ở đó còn là thời gian, công sức, sự chiêm nghiệm, suy tư... và sau cùng, thu về được? Đó chắc chắn là những giá trị đích thực mà chỉ khi tác giả, nhà xuất bản, độc giả cùng nghiêm túc.

Nhằm tôn vinh văn hóa đọc, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Với hi vọng khuyến khích phong trào đọc sách của cộng đồng. Đó được xem là “dấu mốc” quan trọng cho văn hóa đọc ở Việt Nam. Dẫu vậy, nếu chỉ đơn lẻ “sự ra đời của Ngày sách Việt Nam” thì liệu có thể làm thay đổi thói quen, sở thích, lựa chọn đọc sách của người Việt?

Thay đổi để phát triển văn hóa đọc

Có một thực tế, hệ thống thư viện truyền thống tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại không thể nói là số lượng nhỏ, với: 1 thư viện quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 663 thư viện cấp huyện, 3.257 thư viện cấp xã, 16.727 phòng đọc sách làng, thôn, bản; gần 400 thư viện đa ngành, chuyên ngành thuộc các trường cao đẳng, đại học; 25.915 thư viện trường phổ thông, 100 thư viện thuộc các bộ, ngành, viện nghiên cứu; hơn 500 thư viện và 4.500 phòng đọc sách thuộc lực lượng vũ trang. Rõ ràng, tỉ lệ người Việt đọc sách không tỉ lệ thuận với số lượng hệ thống thư viện trên cả nước hiện nay. Điều đó được minh chứng ngay trong sự hoạt động “èo uột” của không ít thư viện. Bên cạnh một số không nhiều các thư viện thu hút được bạn đọc thì câu chuyện “đìu hiu” ở nhiều thư viện (trường học, huyện, xã) dường như là vấn đề “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.

Cũng trong tình trạng chung như nhiều thư viện cơ sở trong cả nước, không ít thư viện trên địa bàn tỉnh hiện nay hoạt động với chức năng như một “kho giữ sách”. Và trong khi cán bộ thủ thư phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lưu giữ và tra cứu để “bắc cầu” giữa bạn đọc với tri thức (sách, báo) thì ở nhiều nơi “người không biết làm gì thì đưa xuống làm thư viện”.

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra nhằm lý giải cho sự “ít đọc, ngại đọc” của người Việt hiện nay. Vấn đề là làm thế nào để thay đổi thói quen và đáp ứng nhu cầu đọc của người Việt?

Tại hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới” cách đây vài tháng, đồng thuận với ý kiến của nhiều đại biểu về việc “thư viện không chỉ là chỗ để mọi người đến để mượn sách”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định: “Thư viện không phải là chỗ giữ sách”. Và câu chuyện về “Thư viện thời 4.0” đã được đặt ra trong nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc hiện nay: “việc số hóa sẽ biến thư viện trở thành kho tàng kiến thức mà tất cả mọi người có thể tiếp cận được ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, không cần phải trực tiếp đến thư viện nữa”. Nhưng, đó là câu chuyện của tương lai.

Tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa, việc số hóa tài liệu được bắt đầu triển khai từ những năm 2012, song đến thời điểm hiện tại, tài liệu được số hóa mới chủ yếu là báo, tạp chí, cùng một số ít tài liệu về Thanh Hóa, các tài liệu được số hóa chưa nhiều và cũng chưa có phần mềm cho bạn đọc khi cần có thể khai thác. Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ công tác tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Bên cạnh việc thiếu cơ chế chia sẻ tài nguyên (tài liệu số) quốc gia thì việc thiếu cơ sở pháp lý trong việc kết nối cơ sở dữ liệu từ ngành xuất bản sang thư viện cũng là một rào cản. Không để tài nguyên số đã được số hóa bị lãng phí thì cần thiết có sự tăng cường kết nối, chia sẻ tài liệu truyền thống giữa các thư viện với nhau...”.

Phát triển văn hóa đọc trong thời đại CNTT rõ ràng có không ít thuận lợi. Nhưng cùng với đó là những thách thức đặt ra với người làm công tác văn hóa đọc. Tuy vậy, để thay đổi và hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng người Việt, chắc chắn cần có sự đồng bộ giữa nhiều cấp, ngành cùng nhau.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]