(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Bột Đà là tên gọi xưa của làng Hoằng Bột, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa. Nơi đây từ ngàn xưa đã được mệnh danh là vùng đất hiếu học của tỉnh Thanh, có nhiều người học hành tấn đạt làm nên công hầu khanh tướng. Đất làng hình tròn rộng chưa đầy 1km2 mà có đến 9 di tích lịch sử văn hóa và được xếp vào Tứ hổ Tràng An.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đất và người Bột Đà Trang

(VH&ĐS) Bột Đà là tên gọi xưa của làng Hoằng Bột, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa. Nơi đây từ ngàn xưa đã được mệnh danh là vùng đất hiếu học của tỉnh Thanh, có nhiều người học hành tấn đạt làm nên công hầu khanh tướng. Đất làng hình tròn rộng chưa đầy 1km2 mà có đến 9 di tích lịch sử văn hóa và được xếp vào Tứ hổ Tràng An.

Hoằng Lộc đẹp đến nao lòng, làng quê ẩn mình dưới những rặng dừa quanh năm một màu xanh dịu, một quần thể kiến trúc, bố trí hài hòa: gồm các nhà thờ họ, miếu mạo, đình chùa, nhà ở… Đường sá sạch sẽ phong quang, xóm làng mang phong thái duyên dáng, thanh lịch của vùng đất học, làm cho ai qua đây dù chỉ một lần cũng lưu lại trong ý thức những ấn tượng khó phai mờ.

Tôi đã bắt gặp một đoàn khách lạ khi đến chợ Quăng xưa ngẩn ngơ khi thấy một khu phố bốn bên nhà ở thẳng tắp, đều đặn, có trường học, có hồ nước, với bãi đất rộng bằng phẳng nằm chính giữa, điều mà họ rất ngạc nhiên hiếm thấy ở làng quê Việt.

Một thầy địa lý người tầu qua đây đã trèo lên cây gạo tây cao nhất làng nhìn xuống, ông thấy đất làng này hình tròn như một cái nghiên mực, trong làng chi chít ao hồ, con đường đất từ sông Mã chạy về làng như một cái bút chấm vào nghiên mực. Ông lẩm bẩm: Làng này ngàn đời phát việc học hành.

Đúng là: Đất có người, đất mới mở mang

Người được đất, người càng đúc chuốt.

(Thúc ước văn – làng Hoằng Bột)

Cốt cách người Hoằng Lộc được miêu tả đậm nét qua ca dao cổ lưu truyền từ đời này đến đời khác: Trai thì đọc sách ngâm thơ/ Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa/ Gái thì giữ việc trong nhà/ Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.

Bảng Môn đình còn đó, sừng sững uy nghiêm trở thành biểu tượng thiêng liêng của người Hoằng Lộc, có tác dụng lớn lao trong việc giáo dục, khích lệ tinh thần học tập, phát huy tài năng trí tuệ của kẻ sĩ. Nhiều nhà chính trị, quân sự, nhà giáo lỗi lạc đã trưởng thành từ vành nôi Bảng môn đình.

Di tích lịch sử Bảng Môn đình xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Thời phong kiến Hoằng Lộc có 12 vị đại khoa, trong đó có 2 vị ở bậc tam khôi, gần 400 cử nhân, 200 tú tài.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945 làng có hàng trăm người có trình độ đại học, tiến sĩ, giáo sư, hàng trăm thầy cô giáo. Tính ra cứ chưa đến 10 người dân thì có 1 người đỗ từ đại học trở lên (theo Lê Ngọc Minh - Báo Nhân dân số 20 (328).

Ở Hoằng Bột có những tấm gương về tinh thần học tập rất độc đáo. Thầy giáo già Nguyễn Đôn Túc 70 tuổi còn đi thi, 9 lần đỗ tú tài, lần cuối ông đỗ cử nhân. Người làng có câu đối mừng: “Nhất cử đăng khoa thiên hạ hữu/ Thập niên trúng thí thế gian vô”.

Ông Nguyễn Sư Lộ trước khi đỗ thám hoa (1554) là một người thầy. Cách học và dạy của ông rất đặc biệt: Cạnh đường gần nhà ông có một phiến đá phẳng hàng ngày ông ra đây ngồi đọc sách, người làng qua lại, trẻ em đi học về có điều gì không hiểu đến hỏi đều được ông giảng giải rành mạch tận tình. Dân làng tôn kính gọi ông là Sư Lộ (ông thầy ngồi ở đường), ngày nay “Hòn đá Sư Lộ” được lưu giữ làm kỷ niệm trong cụm di tích Bảng môn đình và đó là niềm kiêu hãnh của dân làng.

Ông Lê Huy Du nhà nghèo nhưng chăm học thi đỗ tiến sĩ triều Lê sau này làm đốc học Quốc Tử Giám.

Tôi đã nghe mấy cụ già cao tuổi kể lại chuyện học ngày xưa. Chuyện kể rằng: Trai gái làng ta không đua đòi ăn chơi mà quanh năm mải mê bút nghiên canh cửi. Nhiều chị, nhiều bà mới hôm qua còn là o hõm, chị nhiêu, mà hôm nay được chị em gọi là cô Cống, bà Nghè. Nhiều chàng trai quyết chí lập thân: Ăn rau, ăn cháo, đi ở làm thuê tay không rời quyển sách. Ngày đi thi còn nợ tiền cô hàng giấy, chị hàng dầu ở đầu ngõ chợ, nợ cả chú lái đò mấy đồng kẽm qua sông, thế rồi vận hội đến, đi thi đánh đổ cả ngàn sĩ tử, ngày trở về làng võng điều lọng tía bái tổ vinh quy.

Làng Hoằng Bột có tự bao giờ, không thấy sử sách nào ghi rõ. Làng còn giữ được 1 con rùa đá, đội 1 cột mốc nặng 2 tạ, cao 1,3m ở mặt phải có khắc 3 chữ Hán: Bột Đà Trang. Tương truyền cái mốc ấy là chứng tích mở mang dựng ấp ở vùng đất này từ buổi hoang sơ.

Bột Đà lúc đầu lèo tèo dăm ba nóc mái, sau đông dần thành trại, rồi đông hơn nữa thành làng xã. Đất lành chim đậu, như đàn ong san bọng, Bột Đà phân thành 2 làng: Bột Thương, Bột Thái, đầu đời Minh Mệnh triều Nguyễn đổi thành Hoằng Nghĩa, Bột Hưng. Cuối triềuNguyễn lại hợp thành làng Hoằng Bột, nằm trong tổng Hành Vỹ, phủ Hoằng Hóa. Đó là tiền thân của xã Hoằng Lộc mới ra đời từ sau Cách mạng Tháng 8/1945.

Tóm lại: Những tên làng xã bắt đầu từ Bột, hoặc chữ Hoằng chỉ là những tên gọi khác nhau của làng quê ta, làng đó phát tích từ cột mốc Bột Đà Trang sinh ra từ nôi các Vua Hùng phải chăng là những làng cổ được chiếu sáng bởi nền văn hóa Đông Sơn cùng trải qua hàng ngàn năm lịch sử huy hoàng dựng nước và giữ của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Huy Tản



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]