(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Có một niềm đáng tự hào của người xứ Thanh là nhiều thế hệ đã để lại dấu ấn đẹp đẽ trên hầu hết các tỉnh, thành cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn Thanh Hóa trên khắp ba miền đất nước

(VH&ĐS) Có một niềm đáng tự hào của người xứ Thanh là nhiều thế hệ đã để lại dấu ấn đẹp đẽ trên hầu hết các tỉnh, thành cả nước.

Anh hùng dân tộc Lê Lợi được đặt tên cho nhiều con đường lớn trên khắp mọi miền Tổ quốc. (Ảnh: N.H)

Lịch sử đã xác nhận Thanh Hóa là một địa phương có nhiều vua chúa lập nên các triều đại phong kiến Việt Nam. Một số vua, chúa đã có công đánh thắng các thế lực xâm lược, bảo vệ được nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước. Vì thế tên hiệu họ qua mọi triều đại, kể cả thời đô hộ Pháp đều được đặt cho các đường, phố, công viên, trường học. Hầu như ở bất cứ thành phố nào trên đất nước ta đều có đường, phố mang tên Bà Triệu (Ấu Triệu, Triệu Thị Trinh), Lê Lợi (Lê Thái Tổ), Lê Hoàn (Lê Đại Hành), Dương Đình Nghệ...

Một số vua chúa khác người xứ Thanh anh minh, tài giỏi, đã có công xây dựng nước nhà hưng thịnh, mở rộng thêm bờ cõi như vua Lê Thánh Tông, chúa Nguyễn Hoàng... cũng có nhiều tỉnh thành lấy tên các vị đặt cho đường, phố, trường học. Hồng Đức là niên hiệu vua Lê Thánh Tông đã được đặt cho một số trường phổ thông, đại học, cơ sở văn hóa, kinh doanh sản xuất nổi tiếng của các tỉnh, thành.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn có không ít nhân vật lịch sử đã có công chống xâm lược, xây dựng đất nước cũng được nhiều tỉnh thành chọn để đặt tên cho các đường, phố như: Trần Khát Chân, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Lê Văn Linh, Lê Khôi, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Văn Hưu... Ví như đường Lê Văn Linh, Lê Thạch ở thành phố Hồ Chí Minh, đường Trần Khát Chân, Tống Duy Tân, Tô Vĩnh Diện, phố Lê Văn Hưu, Đinh Lễ ở Hà Nội, đường Lê Lai ở Đà Nẵng...

Điều đáng suy ngẫm là có vua, chúa quê gốc Thanh Hóa, không hề thấy được lưu danh trên quê hương mình, song lại thấy các tỉnh khác lấy tên đặt cho đường phố. Chẳng hạn như ở Nghệ An con đường từ thành phố Vinh đi Bến Thủy được đặt tên là Hồ Quí Ly (quê Hà Trung), hoặc ở thành phố Đà Lạt hiện có con đường mang tên các vua Minh Mạng, Tự Đức (quê gốc Hà Trung)...

Ngoài việc Nhà nước vinh danh lấy tên hiệu đặt cho đường, phố, những con người xứ Thanh nói trên còn được nhân dân nhiều địa phương lập đền thờ phụng, tưởng niệm như đền thờ Đào Duy Từ (quê Tĩnh Gia) ở Bình Định, đền thờ Lê Đình Kiên (quê Yên Định) ở Hưng Yên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (quê gốc Hà Trung) ở thành phồ Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long...

Tên hiệu của những nhân vật lịch sử xứ Thanh còn thấy ở các địa phương trong nước qua sản phẩm của họ như bài thơ của Lê Thái Tổ khắc trên đá ở Hòa Bình, các bài thơ của Thiên Nam động chủ (Lê Thánh Tông) khắc trên núi Truyền Đăng ở Quảng Ninh, trong động Kinh Môn ở Hải Dương, của Nhật Nam nguyên chủ (Trịnh Sâm) ở Ninh Bình, Hà Nam. Lũy Thầy ở Quảng Bình của Đào Duy Từ, văn bia chùa Keo Thái Bình của Tiến sĩ Đỗ Viết Hộ (quê Thọ Xuân), văn bia đền Hàm Giang ở thành phố Hải Dương của Tiến sĩ Trương Quang Tiền (quê Thiệu Hóa), văn bia Thám hoa Nguyễn Quí Đức ở Hà Nội của Bảng nhãn Hà Tông Huân (quê Yên Định)...

Nhiều địa danh hành chính, địa danh lịch sử của Thanh Hóa cũng được các tỉnh thành lấy tên đặt cho khu dân cư, phường, xã. Ví như các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh... đều có xã mang tên huyện Vĩnh Lộc. Có thị trấn của tỉnh Tuyên Quang, khu dân cư của tỉnh Hậu Giang cũng đặt tên Vĩnh Lộc... Một số xã, khu dân cư các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh... mang tên huyện Yên Định. Thành phố Hưng Yên, Hải Phòng lấy địa danh lịch sử Lam Sơn đặt tên cho phố, tỉnh Nghệ An, Bắc Cạn... lấy đặt tên cho xã. Nhiều tỉnh, thành đã lấy tên Đông Sơn đặt cho các khu dân cư, làng xã như Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình,... Trống đồng Đông Sơn Thanh Hóa cũng thấy hiện diện ở một số bảo tàng các nước trên thế giới.

Đặc biệt địa danh lịch sử Ba Đình (thuộc Nga Sơn) được nhà nước lấy đặt tên cho một quận và một phố quan trọng của thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, nơi đã diễn ra ngày Lễ độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945 khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nơi có Chủ tịch phủ, nhà Quốc hội, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan đầu não của đất nước.

Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long (Hà Nội), một biểu tượng văn hóa, trí tuệ Việt Nam qua nhiều thế kỷ, hiện có 82 tấm bia đá ghi tên những người thi đỗ từ tiến sĩ trở lên của 82 khoa thi Hội, thi Đình từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, đã được UNESCO vinh danh là “Kí ức thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương”. Những người viết văn bia hầu hết đỗ đại khoa, nổi tiếng tài năng văn chương dưới các triều đại phong kiến. Trong đó có 6 bia là do trí thức đỗ đại khoa người Thanh Hóa soạn văn. Đó là các bia khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng (1598), khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ (1628) và khoa Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa (1637) do Tiến sĩ Trịnh Cao Đệ (quê Thiệu Hóa) soạn văn và hai bia khoa Ất Mùi (1775) và Mậu Tuất (1778) niên hiệu Cảnh Hưng do Tiến sĩ Nguyễn Hoãn (quê Triệu Sơn) soạn văn.

Hầu hết 82 tấm bia Văn miếu Quốc tử giám ở Hà Nội đều làm bằng một loại vật liệu đặc trưng của Thanh Hóa là đá núi Nhồi. Loại đá này để ngoài trời, dải nắng dầm mưa bao năm tháng cũng không hề bị nứt nẻ, rêu phong. Lấy chày gõ thì tiếng kêu lanh lảnh vang rất xa. Từ xưa nhiều địa phương trong nước đã mua đá núi Nhồi về làm bia, tượng, chuông, khánh và các kiến trúc nhà cửa, đền, chùa, trải qua bao thế kỷ đến nay vẫn còn. Tấm bia đá “Khiêm cung kí” cao tới 4m nặng đến 20 tấn, vào loại lớn nhất nước ta dựng ở lăng vua Tự Đức nằm trong khu di sản văn hóa thế giới Huế cũng làm bằng đá núi Nhồi. Nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, một công trình kiến trúc toàn bằng đá, khá đồ sộ, độc đáo, cũng đều sử dụng đá xứ Thanh.

Dấu ấn của Thanh Hóa in đậm trên ba miền đất nước còn có các khu dân cư do một số dòng họ người xứ Thanh đến khai ấp, lập làng bao đời nay và tồn tại, phát triển đến tận bây giờ. Nhiều cụm dân cư người xứ Thanh ở các tỉnh, thành đã phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, có những đóng góp tích cực cho địa phương, đất nước, làm rạng danh quê hương Thanh Hóa.

Ví như dòng họ Nguyễn ở Bằng Trinh, nay là xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa di cư vào làng Kim Đôi, nay là xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đã lập thành một khu dân cư trù mật và có ông Nguyễn Phi Hổ, đỗ Tiến sĩ khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh (1505), làm đến chức Thiêm đô ngự sử, đóng góp vào bảng vàng Hà Tĩnh một vị đại khoa. Hoặc họ Lê dòng dõi Lê Lai ở Ngọc Lặc Thanh Hóa đã di cư đến nhiều nơi ở Nghệ An. Có một chi đến làng Phi Quả, nay là xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, sau đổi thành họ Tần, đã sinh ra nhân vật Lê Thoan (Tần Lê Thoan), đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1712) và làm đến Cấp sự trung Lại khoa.

Ngay làng Mộ Trạch rất nổi tiếng, nay là xã Tân Hồng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, một làng mà thời phong kiến có tới 38 người đỗ từ Tiến sĩ trở lên, được mệnh danh là “Làng Tiến sĩ”, cũng có đóng góp của người xứ Thanh. Đó là dòng họ Lê ở làng Lão Lạt phủ Hà Trung, nay thuộc xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành di cư đến lập nghiệp ở Mộ Trạch, đã sinh ra những anh hùng tham gia chống giặc ngoại xâm như Lê Cảnh Tuân, Lê Thiếu Dĩnh..., hoặc đã đóng góp cho đất nước 1 Trạng nguyên(Lê Nại), 2 Hoàng giáp (Lê Tư Đồ, Lê Quang Bí), 2 Tiến sĩ (Lê Cảnh Tuân, Lê Công Triều)...

Người Thanh Hóa di cư đến các tỉnh khác đông nhất vào đầu thế kỷ XVI, theo chúa Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn vào ở các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Nam. Đến năm 1975 sau thống nhất đất nước, lại có một đợt di cư lớn. Một số khu dân cư, phường, xã trong cả nước đều là người Thanh Hóa đến khai phá, cư trú, lập nghiệp. Họ đã đóng góp sức người, sức của cho công cuộc bảo vệ và xây dựng các địa phương, đất nước.

Nếu có một thống kê đầy đủ sẽ thấy hầu khắp mọi miền Tổ quốc Thanh Hóa đã ghi lại hình ảnh, dấu ấn rất đẹp đẽ và đây là truyền thống tốt đẹp để người xứ Thanh hôm nay, bất cứ ở đâu làm việc gì, càng thêm tự hào, phát huy tài sức đóng góp cho công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh, trở thành một tỉnh khá trong cả nước.

Hương Nao



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]