(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, bản sắc văn hóa truyền thống của nhiều địa phương ở khu vực miền núi luôn được gìn giữ và phát huy. Kết quả này có công đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ, nhất là lực lượng thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng những hành động cụ thể, họ đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để lớp trẻ tham gia gìn giữ bản sắc văn hóa

Thời gian gần đây, bản sắc văn hóa truyền thống của nhiều địa phương ở khu vực miền núi luôn được gìn giữ và phát huy. Kết quả này có công đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ, nhất là lực lượng thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng những hành động cụ thể, họ đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Vốn là nơi cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, vì vậy, những năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở bản Ngàm (xã Sơn Điện, Quan Sơn), đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống. Những trò chơi, trò diễn dân gian như: Biểu diễn cồng, chiêng, hát khặp, ném còn, to lẹ... vẫn được diễn xướng mỗi dịp lễ, tết.

Đặc biệt, trong các phong trào thu hút được phần đông lớp trẻ tham gia. Theo lãnh đạo xã Sơn Điện: Những năm qua, các hoạt động giữ gìn bản sắc, xây dựng nếp sống văn hóa Thái được xã đặc biệt quan tâm. Đến nay, hầu hết lớp trẻ trong xã đều sinh sống trong những căn nhà sàn truyền thống. Nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn vẫn được giữ gìn và thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. Ngoài ra, ở bản còn thành lập đội văn hóa, văn nghệ với lực lượng nòng cốt chủ yếu là lớp trẻ biểu diễn vào các ngày lễ, tết, khai trương làng văn hóa, ngày đại đoàn kết toàn dân.. Bởi vậy, phong trào văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Những làn điệu dân ca Thái mượt mà ca ngợi quê hương bằng tiếng Thái được những chàng trai, cô gái thể hiện đầy cảm xúc tại các hội thi, hội diễn do xã, huyện tổ chức.

Em Vi Thị Hoa, học sinh lớp 8 (bản Ngàm, xã Sơn Điện, Quan Sơn), cho biết: Trong các buổi sinh hoạt văn nghệ ở bản mình, em đã được các nghệ nhân, các cụ cao niên dạy cho rất nhiều điệu múa, bài hát của dân tộc Thái. Hơn nữa, thông qua các hội thi, hội diễn được tham gia cùng các đội văn nghệ trong bản, em còn học hỏi được nhiều hơn nữa về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái như: múa quạt, múa xòe, trò chơi tó má lẹ, ném còn, đẩy gậy, tù lu, đánh yến, bắt cá suối... Qua đó, em không chỉ thuộc nhiều các bài hát, điệu múa của dân tộc mình mà còn tham gia biểu diễn, phát huy tài năng của mình ở nhiều hội diễn, hội thi cả cấp xã và huyện.

Bản sắc văn hóa ở các bản làng được giữ gìn, phát huy có sự đóng góp không nhỏ của lớp trẻ tham gia.

Xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy cũng là nơi có gần 87% dân số là dân tộc Mường và là một trong những địa phương tiêu biểu còn giữ gìn được nghề làm trang phục truyền thống dân tộc. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích bà con trong xã gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là thu hút lớp trẻ tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa.

Chị Hà Thị Phượng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy chia sẻ: Nhiều năm trước đây, do điều kiện kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn nên việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc không được đồng bào chú trọng. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ con em người dân tộc Mường hiện nay không ý thức được hết tầm quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình nên việc lưu truyền, sử dụng những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, vai trò già làng, trưởng bản, các luật tục cộng đồng cũng bị phai mờ trong đời sống sinh hoạt...

Với mong muốn lưu giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của đồng bào Mường, trong nhiều năm, xã đã tích cực triển khai các giải pháp, trong đó coi trọng vai trò, uy tín của các già làng, trưởng bản nhất là lớp trẻ tại các thôn, bản. Tại các dịp lễ, tết, nhất là ngày hội đại đoàn kết toàn dân, tại các khu dân cư đều tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa Mường để qua đó, những người già, các vị trưởng bản có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ những nét đẹp của dân tộc Mường qua tiếng nói, trang phục, cách sử dụng các vật dụng như cồng chiêng...

“Cũng nhờ sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, nhất là trong việc thu hút thế hệ trẻ tham gia, hiện nay trong các lễ hội, tết cổ truyền đồng bào Mường ở Cẩm Lương đã đưa tiếng cồng, chiêng trở lại. Các đội cồng, chiêng không chỉ giữ lại “hồn cốt” cho bản làng mà còn tham gia trong các chương trình hội diễn của huyện, của tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả cao. Để đạt được kết quả đó là cả quá trình vận động và tuyên truyền cho đồng bào hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình để văn hóa Mường cũng như tiếng cồng, chiêng không bị mai một theo thời gian”, chị Hà Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Lương, nhấn mạnh.

Phải thừa nhận rằng, những năm qua, việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc thông qua việc lồng ghép nội dung dạy múa hát dân ca trong các buổi sinh hoạt văn nghệ ở các bản, làng hay phát huy việc mặc trang phục truyền thống, cũng như nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ đã và đang bước đầu đạt được kết quả khả quan ở nhiều địa phương. Đây thực sự là một cách làm hay, nên được nghiên cứu và nhân rộng vì thông qua đó lực lượng nòng cốt là lớp trẻ sẽ tiếp thu, giữ gìn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trao đổi về vấn đề này, anh Phạm Đức Lương - Bí thư Huyện Đoàn Quan Sơn, cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai sâu rộng đến các cơ sở đoàn hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Cùng với đó, tại các kỳ sinh hoạt, những ngày lễ, tết, kỷ niệm của đoàn, hội luôn chú trọng tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đoàn thanh niên huyện cũng tập trung chỉ đạo các cơ sở đoàn triển khai, duy trì đội văn nghệ, nhằm làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân.

Có thể nói, các đội văn nghệ do thanh niên tổ chức đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ trang phục đến nhạc cụ biểu diễn, các bài ca, điệu múa dân gian ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nhưng cũng phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của mỗi dân tộc, như Thái, Mường, Mông... Ngoài ra, một nét văn hóa mang lại đời sống tinh thần lành mạnh, trong sáng của tuổi trẻ thông qua các trò chơi dân gian truyền thống như đánh cồng chiêng, chơi cù, bắn nỏ, ném còn... cũng góp phần thiết thực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương mình.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]