(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, đi lễ đầu xuân đã trở thành nét văn hóa, nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Và câu chuyện đi lễ đầu xuân dưới góc nhìn, quan điểm của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa cũng thật nhiều điều để suy ngẫm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đi lễ đầu xuân: Góc nhìn của các nhà văn hóa

Từ niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, đi lễ đầu xuân đã trở thành nét văn hóa, nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Và câu chuyện đi lễ đầu xuân dưới góc nhìn, quan điểm của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa cũng thật nhiều điều để suy ngẫm.

Trước hết, xin được bắt đầu với chuyện xưa tích cũ về Bà Chúa Kho. Tương truyền dưới thời nhà Lý, ở vùng đất Bắc Ninh ngày nay có một người con gái dù xuất thân thôn quê nhưng tài sắc hơn người, bởi vậy cô gái ấy đã được nhà vua lựa chọn làm vợ. Tuy nhiên, sau thời gian ở trong cung, bà đã xin được trở về quê cũ, giúp dân khai hoang, sản xuất. Cũng thời điểm ấy quân Tống sang xâm lược nước ta, bà đã cùng với nhân dân tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực. Với tài năng của mình, bà đã được tin tưởng giao nhiệm vụ trông nom kho quân lương quốc gia, phục vụ cho trận chiến Như Nguyệt. Và trong cuộc chiến này, bà đã “thác” đầy oanh liệt. Thương tiếc người vợ tài sắc, nhà vua đã phong cho bà là Phúc thần. Thương tiếc và tưởng nhớ công lao của bà, người dân đã lập đền thờ ngay tại vị trí kho quân lương cũ của triều đình, lấy tên đền Bà Chúa Kho. Trải qua gần nghìn năm với niềm tin tôn kính, nơi đây trở thành điểm đến tâm linh tín ngưỡng của nhân dân khắp cả nước. Như vậy, Bà Chúa kho là một người giữ kho thanh liêm của đất nước.

Vậy nhưng, đến di tích này vào dịp đầu năm, ta lại thấy phần nhiềungười đi lễ đến khấn vái xin xỏ, vay mượn cho việc làm ăn, buôn may bán đắt. Vậy từ lúc nào Bà Chúa Kho đã trở thành người “phát tiền cho vay”.

Hãy đến chốn linh thiêng bằng cái tâm hướng thiện.

Và xin thêm một ví dụ về việc đi lễ của người dân qua câu chuyện của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải. Ở tuổi 85, ông vẫn nhớ khá rõ việc đi lễ đầu năm của người dân quê mình trước đây. Đó là những lễ hội ở “Đền Ngốc”, “Đền Cùng” tổ chức vào dịp đầu xuân. Lễ hội tuy đơn giản nhưng rất vui. Lễ dâng lên tuy không mâm cao cỗ đầy nhưng có đủ cả mặn, chay, ngọt. Người dân tham gia lễ hội, dù là người có điều kiện cũng chỉ dâng lên đức Phật, thánh vật phẩm là hoa quả, bánh trái thơm ngon, sạch sẽ. Mỗi người đều tin rằng cuộc sống của mình được phù trợ bởi đấng tối linh. Vì vậy, chẳng cầu buôn may bán đắt. Người người, nhà nhà đều cầu sức khỏe, gia đình bình an, đất nước bình yên, nhờ trời cho mưa thuận gió hòa... Chỉ cần như vậy, người ta tin rằng bằng đôi bàn tay, khối óc và sự nỗ lực thì sẽ có cuộc sống ấm no.

Còn giờ đây, nhìn lại hình ảnh lễ hội chốn tâm linh, mỗi người chúng ta thấy được gì? Những lời thì thầm khấn, vái, nhét tiền "hối lộ" với thần phật để xin tha thứ, bỏ qua cho hành động xấu xa, gian dối; tranh giành, dẫm đạp để xin cho được lá ấn với tư tưởng hám danh, hám của, ham quyền lực, tiền bạc, mà quên mất rằng cốt lõi phải là sự nỗ lực bản thân; lợi dụng sự tín ngưỡng của người dân mà không ít kẻ đã nhân danh tâm linh để buôn thần bán thánh...làm ảnh hưởng tới bản chất, nét đẹp của lễ hội, chốn tâm linh.

Lý giải về điều này, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải cho rằng: Việc đi lễ đầu xuân là một nhu cầu tín ngưỡng có thực của người Việt từ xưa, lâu dần nó trở thành sinh hoạt tâm linh, nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, do sự hạn chế về hiểu biết tôn giáo, tín ngưỡng dẫn đến những xu hướng văn hóa tâm linh thiếu tích cực. Đức Phật, thánh không dung túng, tha thứ cho cái ác, cái gian dối, cướp bóc... và cũng không thể “hối lộ” đức Phật, thánh bằng những đồng tiền trần tục. Song, do sự thiếu hiểu biết, cùng với công tác giáo dục chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này nên mới có sự hiểu sai, hiểu lệch. Và từ sự lệch lạc đó dẫn đến những hành động có phần phản cảm của người đi lễ. Điều gì sẽ xảy ra khi con người ta làm việc xấu, việc ác với đồng loại mình mà không chút mảy may run sợ, họ chỉ sợ sự trừng phạt của Phật, thánh. Vậy nên, thay vì xin được tha thứ từ chính người bị hại thì người ta lại tìm đến đấng tối linh xin tha thứ. Đó thực sự là tha hóa về đạo đức của con người.

Kính trọng đấng tối linh, đức Phật, thánh, thần... là nhu cầu tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của không chỉ người Việt. Tuy nhiên, để bài trừ những hủ tục, hành động phản cảm, thiếu văn hóa; phát huy nét đẹp để góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì có lẽ, cần phải có những chương trình giáo dục, tuyên truyền sâu rộng, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Có như vậy mới hi vọng mang đến những đổi thay tích cực trong thói quen đi lễ của người dân, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu Lịch sử Phan Bảo cho rằng nhiều người đang có sự nhầm lẫn khi đi lễ đầu xuân.

Còn theo nhà nghiên cứu lịch sử Phan Bảo thì không ít người dân hiện nay đang có sự nhầm lẫn trong câu chuyện đi lễ.

Theo đó, trong dịp đầu xuân người dân thường có xu hướng đến các điểm đến tâm linh như đền, chùa để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, thăng tiến, quyền lực, giầu sang...Tuy nhiên dường như nhiều người đang quên mất bản chất của Đạo Phật là tự nhìn nhận lại mình, tu sửa đạo đức để bản thân được thanh thản sau những sai lầm, tham, sân, si. Đến cửa chùa để thấy tâm bình an chứ không phải để xin xỏ giầu sang, phú quý.

Tương truyền đó là nơi thờ đấng tối linh có công với nhân dân, khi mất được hiển thánh, được nhân dân suy tôn. Song bản chất mọi tôn giáo, tín ngưỡng đều hướng thiện, lấy thiện làm gốc. Vì thế không thể làm những chuyện trái đạo đức, lẽ thường ở ngoài đời. Sau đó lại vào đền, phủ để xin tha thứ, xin lộc, xin phúc. Đó là điều không thể. Vậy nhưng điều đáng buồn là không ít người dân khi đi lễ vẫn với tâm thức như thế. Từ suy nghĩ đó dẫn đến những hành động lệch lạc, thiếu văn hóa nơi tôn nghiêm, linh thiêng.

Đi lễ đầu xuân để cầu cho một năm mới an yên, hạnh phúc, may mắn là chính đáng. Song đừng nên quá đà, đến với chốn linh thiêng, mỗi người hãy cùng tự nhìn nhận lại chính mình, để hiểu rằng nhân quả do chính ta gieo trồng, đức Phật, thánh trên cao sẽ thấu tỏ lòng người.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]