(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là yêu cầu cần thiết đặt ra, đặc biệt là với các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì yêu cầu đó càng phải coi trọng. Tuy vậy, để đưa các di sản phát triển xứng tầm, đúng với tên gọi di sản quốc gia thì sự trách nhiệm, chung tay cũng là điều thực sự cần thiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Niềm vui từ sự cố gắng (Kỳ cuối): Mừng... nhưng vẫn lo

(VH&ĐS) Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là yêu cầu cần thiết đặt ra, đặc biệt là với các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì yêu cầu đó càng phải coi trọng. Tuy vậy, để đưa các di sản phát triển xứng tầm, đúng với tên gọi di sản quốc gia thì sự trách nhiệm, chung tay cũng là điều thực sự cần thiết.

Cần sự chung tay

Ngay khi trò diễn Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của tỉnh, có điều gì đó vui mừng trong số đông người dân xứ Thanh. Đặc biệt với người dân xã Xuân Trường (Thọ Xuân) thì đó còn là niềm tự hào, kiêu hãnh. Từ đây, một trò diễn vốn chốn cung đình sau thời gian thất truyền nhiều năm mới được khôi phục, được tổ chức ở các lễ hội của xã, huyện, tỉnh và giờ đây là ở những đại lễ lớn của cả nước, vui mừng lắm thay. Đó là sự ghi nhận những giá trị độc đáo của một trò diễn cung đình đã được dân gian hóa. Đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho những người trân trọng, tâm huyết với văn hóa truyền thống.

Nhưng rồi, sau những niềm vui ban đầu, người ta lại băn khoăn những mối bận tâm: Trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rồi sao nữa, mọi chuyện sẽ có gì khác? Và đâu đó, là những hy vọng, mong chờ.

Nhưng dường như, mọi thứ chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả khi đã là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Anh Bùi Văn Hùng, nghệ nhân dân gian trò diễn Xuân Phả và cũng là người có công lớn trong việc khôi phục trò diễn suốt gần 20 năm qua trải lòng: “Dù đã là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng mọi việc bảo tồn, phát huy giá trị trò diễn vẫn xoay quanh chữ “thiếu”. Đơn giản như trang phục, đạo cụ… nguồn kinh phí khó khăn, việc xã hội hóa chưa có kết quả, trong khi kinh phí nhà nước lại hạn chế”.

Được biết, năm 2016, để phục vụ cho Lễ hội Lam Kinh, UBND huyện Thọ Xuân đã đầu tư gần 100 bộ trang phục biểu diễn cho các em học sinh trong tiết mục đồng diễn. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Bùi Văn Hùng thì những bộ trang phục truyền thống của trò diễn Xuân Phả không hề đơn giản như vậy, nó là sự cầu kì, tỉ mẩn trong từng họa tiết, hoa văn mà chỉ cần nhìn vào thôi người ta cũng hiểu không ít điều thú vị. Song kinh phí để mua sắm những bộ trang phục như vậy, ai cũng hiểu là không hề đơn giản.

Bảo tồn, phát huy giá trị của trò diễn là điều cần thiết. Nhưng bảo tồn, phát huy như thế nào khi mà những người tâm huyết với nó vẫn cứ phải trăn trở những sự lo lắng mang tên: Nguồn kinh phí. Đành rằng, đó có thể chỉ là “tiêu chí phụ” song ngay cả điều gọi là “phụ” đó cũng chưa thể giải quyết, thì những chuyện khác, e rằng chẳng thể dễ dàng.

Cũng như người dân Thọ Xuân, người Mường ở Ngọc Lặc không giấu khỏi sự phấn khích xen lẫn tự hào khi lễ hội Pôồn Pôông - một lễ hội truyền thống quan trọng bậc nhất trong đời sống người Mường tại đây được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôi vẫn nhớ khi gặp gỡ với Máy Tắng (nghệ nhân Phạm Thị Tắng), người đóng vai trò quan trọng trong lễ hội Pôồn Pôông ở Ngọc Lặc hiện nay. Lúc đó, lễ hội mới được lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vậy mà bà đã không giấu nổi sự phấn khích xen lẫn kì vọng về một ngày: Lễ hội của người Mường sẽ đến với nhiều người hơn, được biết đến nhiều hơn, được quan tâm hơn.

Và tôi cũng âm thầm theo dõi và chờ đợi sự đổi thay khi lễ hội Pôồn Pôông chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể, để có thể nói lời chúc mừng với một nghệ nhân dân gian ở tuổi ngoài 70 vẫn luôn nặng lòng với văn hóa truyền thống. Nhưng, chẳng biết nên buồn, nên chấp nhận hay… tiếp tục chờ đợi.

Múa Pôồn Pôông và nhiều di sản phi vật thể quốc gia cần được chung tay gìn giữ.

Anh Phạm Văn Khương, cán bộ văn hóa xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc), địa phương được xem là trung tâm của lễ hội Pôồn Pôông với 98% dân số là người Mường chia sẻ: Dù là lễ hội truyền thống nhưng lễ hội Pôồn Pôông cũng không tránh khỏi sự mai một khi giới trẻ địa phương đang ngày càng trở nên xa lạ với lễ hội mà cụ thể là những nghi lễ “thiêng”. Một nghi thức bắt buộc của lễ hội Pôồn Pôông là phải hát Xường, Đang khi làm lễ trước ma Nổ, nhưng thực tế, ngoài Máy Tắng, rất ít người có thể biết hát các làn điệu này".

Lễ hội Pôồn Pôông sẽ không thể còn nguyên giá trị nếu dần mất đi điều đó. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, những hành động thiết thực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội Pôồn Pôông dường như vẫn là câu hỏi để mở lời giải.

Rõ ràng, khi các di sản văn hóa được vinh danh, nâng tầm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá trị các di sản không chỉ được thừa nhận mà đi cùng với đó là yêu cầu về việc bảo tồn, phát huy giá trị cũng được đặt ra. Nhưng ai, cấp quản lý nào sẽ phải gánh trách nhiệm đó?

Chung tay bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Trao đổi với ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa về câu chuyện bảo tồn, phát triển giá trị các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có không ít vấn đề được làm rõ.

Theo đó, đối với di sản vật thể - các di tích, danh thắng thì việc phân cấp quản lý là rất rõ ràng. Các di tích cấp tỉnh thì trách nhiệm quản lý thuộc về xã; các di tích cấp quốc gia sẽ giao cho huyện và với các di tích quốc gia đặc biệt thì thuộc về cơ quan cấp tỉnh. Tuy nhiên, đối với di sản văn hóa phi vật thể thì lại chưa có sự phân cấp rõ ràng, cụ thể. Và mặc dù, các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với đời sống tinh thần của người dân địa phương, được nhân dân nuôi dưỡng và duy trì. Song việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nếu “bỏ mặc” cho chính quyền địa phương sẽ vô cũng khó khăn. Đó là bởi, chính quyền cấp xã không đủ khả năng tài chính, chuyên môn để có những phương án tối ưu. Tuy nhiên, việc bảo tồn có thể giao cho địa phương nếu có sự giúp đỡ của cơ quan cấp trên.

Cũng theo ông Tuấn, trước mắt, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các huyện có di sản cần phải xây dựng những đề án, chương trình hành động cụ thể… và vấn đề đó được phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên. Song để làm được việc này thì chuyên môn, tâm huyết của người làm chuyên môn thôi sẽ là chưa đủ, phải cần đến sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp.

Còn về lâu dài, có lẽ cần phải có những đề án tổng thể cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Để làm được điều đó cần có sự đầu tư đồng bộ bởi sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề: nghệ nhân lưu giữ, truyền dạy…

Vậy là rõ ràng, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể không phải câu chuyện ngày một, ngày hai và cũng chẳng của riêng ai. Nó đòi hỏi sự quan tâm, chung tay và trách nhiệm của người dân, cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp. Gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung, thiết nghĩ chính là sự đầu tư “của để dành” cho thể hệ tương lai.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]