(vhds.baothanhhoa.vn) - Ba mươi năm là một chặng đường, Báo VHTT nay là Báo VH&ĐS đã làm rất nhiều việc trong đó có văn hóa và du lịch nay càng có nhiều chuyên trang chuyên mục sâu đậm hơn nữa để quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong việc giáo dục truyền thống và phát triển du lịch xứ Thanh. Nhân dịp này tôi chúc Báo VH&ĐS đoàn kết, năng động, sáng tạo, có nhiều bài báo sắc sảo góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày một tốt đẹp hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di sản văn hóa với du lịch xứ Thanh

Ba mươi năm là một chặng đường, Báo VHTT nay là Báo VH&ĐS đã làm rất nhiều việc trong đó có văn hóa và du lịch nay càng có nhiều chuyên trang chuyên mục sâu đậm hơn nữa để quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong việc giáo dục truyền thống và phát triển du lịch xứ Thanh. Nhân dịp này tôi chúc Báo VH&ĐS đoàn kết, năng động, sáng tạo, có nhiều bài báo sắc sảo góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày một tốt đẹp hơn.

Ông Lê Huy Ngọ -Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (Phác thảo cho tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai).

Gặp lại ông Lê Huy Ngọ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ở nhà riêng 195 Đội Cấn, Hà Nội, vào buổi chiều trung tuần tháng 6/2019. Không có ý định điện trước để có cuộc gặp bất ngờ song vẫn một phong cách thân tình vui vẻ, ông nhận ra ngay chúng tôi và vui vẻ thăm hỏi chuyện quê nhà. Để có nhiều thời gian trò chuyện, chúng tôi mở đầu bằng những câu chúc sức khỏe ông, gia đình và nhân đây mời ông về quê dự kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Văn hóa Thông tin nay là Báo Văn hóa và Đời sống (20/6/1989 - 20/6/2019). Trầm ngâm, suy tư chốc lát rồi ông tâm sự: “Nhanh thật, thế là đã ba mươi năm rồi, tờ báo ra đời cũng là thời gian mà tôi mới về công tác ở tỉnh nhà. Vẫn còn nhớ trong một cuộc họp giao ban, anh Lê Xuân Sang - Trưởng ban Tuyên giáo đã đề cập việc ra đời một tờ báo mới chuyên sâu về văn hóa, tôi nói ngay, Thanh Hóa có thêm một tờ báo tuyên truyền quảng bá về văn hóa xứ Thanh thì rất tốt, chúng ta ủng hộ cho anh em làm. Tôi đã đọc thường xuyên các loại báo như Nhân dân, Văn nghệ, Văn hóa, Thanh Hóa, Tạp chí Xứ Thanh trong đó có Báo VHTT, nay là Báo VH&ĐS, rất mừng là trong một thời gian hoạt động, Báo VHTT đã có nhiều bài sắc sảo động viên, cổ vũ phong trào lao động sáng tạo trong sản xuất, học tập và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cũng trong thời gian này, báo đã hưởng ứng và làm theo tư tưởng chỉ đạo đổi mới, “cởi trói cho báo chí” thông qua bài viết nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “những việc cần làm ngay” và sự thật nhiều bài viết chống tiêu cực về văn hóa, xã hội của Báo VHTT đã có hiệu quả thiết thực, góp phần đấu tranh với những ai coi thường pháp luật, làm ăn phi pháp, được quần chúng đồng tình, lãnh đạo tỉnh hoan nghênh.

Nay đã nghỉ hưu, vì thời gian cũng đã lâu rồi nên tôi không nhớ hết những kỷ niệm về Báo VHTT, nhưng qua nhiều kênh ở anh em cán bộ, bà con quê nhà và cũng được thường xuyên đọc báo quê Thanh, thấy tờ báo thời gian qua phát triển rất tốt kể cả cơ sở vật chất, đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên nên chất lượng và số lượng của báo cũng tăng lên trong đó có cả trang thông tin điện tử tổng hợp. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập báo tôi chỉ mong báo tiếp tục tuyên truyền sâu sắc hơn về việc bảo tồn, tôn tạo, tu bổ, lưu giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để phát huy giá trị quý báu ấy vào việc giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển kinh tế du lịch xứ Thanh.

Ngoài những tin bài, phóng sự, ảnh thời sự nói về đời sống xã hội mà bấy lâu nay báo đã làm, theo tôi cần có nhiều bài chuyên sâu đậm nét về giá trị văn hóa tỉnh nhà nhất là trong thời kỳ đổi mới mở cửa, hội nhập để du khách gần xa hiểu hơn nữa về đất nước và con người xứ Thanh. Các đồng chí biết đấy, Thanh Hóa đã vang danh là đất địa linh nhân kiệt, đất rất linh thiêng đã sinh ra nhiều hào kiệt, vùng đất “tam vua, nhị chúa” và cũng từ đất này nhân dân ta đã viết nên bao trang sử hào hùng cho dân tộc từ thời Bà Triệu “đầu voi ra trận đánh giặc Ngô”, Lê Lợi tay không “dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh”, và trong những cuộc kháng Pháp, kháng Mỹ, người Thanh Hóa đã lập nhiều chiến công hiển hách rất vĩ đại góp phần to lớn cùng cả nước giải phóng dân tộc, quy giang sơn Tổ quốc về một mối. Và vì vậy, lịch sử đã để lại cho Thanh Hóa một kho tàng văn hóa đồ sộ và đặc sắc từ thời tiền sử khai sáng nhân loại như đồ đá cũ, đồ đá mới, văn minh núi Đọ, đồ đồng, trống đồng Đông Sơn, văn hóa Đa Bút,... Ngoài ra thiên nhiên còn ưu đãi cho xứ này nhiều hang động kỳ thú, kiến tạo huyền thoại, thơ mộng, như động Từ Thức, suối cá thần, hòn Trống Mái, Hàm Rồng, núi Ngọc,... và biết bao sông, suối,... Thanh Hóa có 7 dân tộc cùng sinh sống với số dân đông thứ 3 cả nước non 4 triệu người phân bố trên 4 vùng kinh tế miền núi, trung du, đồng bằng và miền biển gắn liền với nhiều làng nghề giàu bản sắc truyền thống. Nơi đây có làn điệu dân ca Đông Anh, hò sông Mã và lễ hội tâm linh cùng với nhiều phong tục tập quán thuần phong mỹ tục đã in sâu vào làng quê xứ Thanh thời nào cũng vững bền thật yêu quý biết chừng nào. Vậy mà du lịch quê ta còn chưa phát triển, chưa thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước như các tỉnh thành Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội,... Nguồn thu từ du lịch còn thấp chưa có sức hấp dẫn cao đối với nhiều sản phẩm du lịch mang tính trọn gói. Công tác lữ hành, thuyết minh, ngoại ngữ còn hạn chế nhiều. Vì vậy, Báo VH&ĐS phải là cái cầu kết nối trong việc quảng bá, tuyên truyền các di sản thiên nhiên, lịch sử, kiến trúc và các di sản ở thời kỳ hiện đại trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến kiến quốc ngày nay.

Tôi còn nhớ, báo đã đăng nhiều bài nói về “Sầm Sơn, sức khỏe, kinh tế, bạn bè” đã tạo ra những dấu ấn du lịch xứ Thanh thời kỳ đổi mới và cũng cách đây 30 năm, được nhiều bạn bè hoan nghênh. Có thể nói tiềm năng du lịch xứ Thanh là vô cùng lớn, nhưng để biến nó thành tiềm lực không những góp sức của cả hệ thống chính trị mà trong đó có cả báo chí, đài, cố nhiên vai trò của Báo VH&ĐS là rất quan trọng, một tờ báo chuyên ngành nói nhiều về giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tỉnh Thanh sâu hơn, có lượng tin bài nhiều hơn để du khách gần xa biết đến. Tôi lấy ví dụ Sầm Sơn, trên đỉnh núi Trường Lệ có đền Độc Cước, đền Cô Tiên và ở đây có hòn Trống Mái, một hình tượng thiên nhiên ban tặng rất kỳ lạ, mang nhiều truyện kể huyền thoại kỳ thú rất cần có nhiều bài báo “thổi hồn” vào hình tượng trống mái để kích thích du khách đến tham quan, tìm hiểu về tính lãng mạn di sản thiên nhiên huyền bí, hấp dẫn này.

Lâu nay báo đã đưa nhiều về điểm đến du lịch đặc sắc xứ Thanh, nhưng theo tôi cần lưu ý đến tuyên truyền về công tác bảo tồn, gìn giữ, trùng tu di tích như thế nào cho hợp lý, đúng với Luật Di sản, không cho phép ai cố ý làm biến dạng di tích, để phục vụ nghiên cứu cho đời sau và bảo tồn được chứng tích gốc của lịch sử.

Mặt khác báo cũng có nhiều tin bài tuyên truyền về xã hội hóa xây dựng những công trình văn hóa mới về sinh thái, vui chơi giải trí, thu hút khách nội địa quanh năm bốn mùa nhất là thanh thiếu niên. Bên cạnh những bài nói về điểm đến du lịch cũng rất cần những bài báo quảng bá mặt hàng lưu niệm truyền thống như thổ cẩm, mây, tre đan, đồ đá, gỗ, văn hóa ẩm thực như bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng, nước mắm chế biến từ hải sản, nem chua,... vấn đề là làm sao để có một sản phẩm du lịch đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi đến Thanh Hóa.

Thanh Hóa có truyền thống lễ hội tâm linh như lễ hội Lam Kinh, lễ hội thành Tây Giai, lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội đền Lê Hoàn, lễ hội đền Sòng,... Các lễ hội đó rất đáng tự hào, tôn vinh và bảo tồn đúng hướng, để phát huy giá trị văn hóa quý báu đó song cũng cần có những bài viết của báo phê phán tư tưởng trục lợi, buôn thần, bán thánh, mê tín dị đoan của nhiều cá nhân, ảnh hưởng xấu đến du lịch tỉnh nhà. Ở Thanh Hóa có một bảo tàng lớn, lưu giữ hàng vạn hiện vật quý hiếm mà khó có nơi nào có được, đây là một điểm tham quan lý tưởng cho nhân dân, các nhà khoa học trong và ngoài nước rất cần được tuyên truyền sâu rộng hấp dẫn trên trang báo, coi đây là một điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch Thanh Hóa. Mặt khác tạo hóa cũng đã ban tặng cho Thanh Hóa có rừng, núi đẹp và nhiều cảnh quan gắn với làng nghề, chế tác thêu dệt, chạm trổ của người miền núi đang là sức hấp dẫn cao đối với du khách rất được tuyên truyền khai thác. Ta có biển đẹp trải dài hàng trăm cây số vì thế có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái tắm biển chắc chắn có nguồn thu lớn từ các di sản phong phú và đa dạng nơi đây. Thông qua văn hóa xứ Thanh mà bầu bạn đến với quê nhà nhiều hơn, hiểu ta hơn và hợp tác làm ăn với Thanh Hóa ngày càng đông hơn. Muốn đưa du lịch của tỉnh thành ngành kinh tế mũi nhọn bền vững, ngoài quản lý, đầu tư của Nhà nước rất cần có quy hoạch, kế hoạch xã hội hóa về du lịch danh thắng, sinh thái để Thanh Hóa biến tiềm năng thành một tiềm lực du lịch bền vững đi lên thông qua con đường hội nhập và phát triển.

Ba mươi năm là một chặng đường, Báo VHTT nay là Báo VH&ĐS đã làm rất nhiều việc trong đó có văn hóa và du lịch nay càng có nhiều chuyên trang chuyên mục sâu đậm hơn nữa để quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong việc giáo dục truyền thống và phát triển du lịch xứ Thanh.

Nhân dịp này tôi chúc Báo VH&ĐS đoàn kết, năng động, sáng tạo, có nhiều bài báo sắc sảo góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày một tốt đẹp hơn.

Sau những lời chúc sức khỏe và cảm ơn ông Lê Huy Ngọ đã dành thời gian tiếp và có nhiều ý kiến phong phú, bổ ích đối với Báo VH&ĐS Thanh Hóa, lúc chia tay, chúng tôi cảm nhận được trên gương mặt, ánh mắt ông có gì đó vừa cảm động, vừa luyến nhớ, một tình cảm tâm huyết với tỉnh nhà mà như ông thường nói “chỉ tiếc là tôi chưa làm được gì nhiều cho quê hương”.

Nguyễn Hoàng


Nguyễn Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]